Tự hào 65 mùa xuân xây dựng và trưởng thành
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Ngoại ngữ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào đối với ngành Ngoại ngữ và toàn ngành Giáo dục – Đào tạo nước nhà. Theo đó, hơn 50 khóa sinh viên đại học chính quy với hơn 30.000 cán bộ, giáo viên ngoại ngữ được đào tạo và trưởng thành từ nơi đây.
Chú trọng chất lượng, đa dạng hóa các loại hình đào tạo
Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN tiền thân là Trường Ngoại ngữ thành lập năm 1955 tại Việt Nam Học xá, Hà Nội. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Trường trở thành trung tâm đào tạo giáo viên và cán bộ ngoại ngữ lớn nhất, có vị trí trường đầu ngành ngoại ngữ của cả nước. Trong 5 năm gần đây, với mục tiêu “phấn đấu đưa Trường ĐHNN-ĐHQGHN trở thành một trường đại học có uy tín trong khu vực về giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước”, lãnh đạo Nhà trường cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên không ngừng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đến nay, trường đã phát triển thành một hệ thống giáo dục đào tạo từ bậc THCS đến SĐH.
Cùng với 4 ngành đào tạo truyền thống (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc), Nhà trường đã mở một số ngành đào tạo mới (tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ả Rập). Quy mô các loại hình đào tạo ngày càng được mở rộng và phát triển. Từ chỗ chỉ có một hệ sư phạm, nay đã có thêm nhiều ngành đào tạo có chất lượng chuyên ngành sư phạm hoặc ngôn ngữ. Đặc biệt, Nhà trường đã mở ra nhiều CTĐT CLC (Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Đức) với mong muốn đáp ứng nhu cầu của xã hội về cử nhân thành thạo 2 ngoại ngữ. Trường cũng đào tạo cả các CTĐT thứ hai để mở rộng cơ hội học tập ngoại ngữ cho sinh viên trong trường và sinh viên trong khối ĐHQGHN.
Trường liên kết với Trường ĐH Southern New Hampshire (Hoa Kỳ) tuyển sinh theo hình thức 2+2 chương trình Cử nhân Kinh tế – Tài chính.
Trường đang đào tạo 14 chương trình thạc sĩ, 08 chương trình tiến sĩ. Chương trình Liên kết đào tạo sau đại học và đại học giữa SNHU (Southern New Hampshire University) và ULIS đã được thẩm định bởi Uỷ ban Kiểm định vùng New England của Hoa Kỳ NAESC (New England Association of Schools and Colleges).
Ngoài ra, Trường có 50 năm đào tạo hệ THPT chuyên. Hiện nay Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đang đào tạo hệ chuyên 7 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn. Từ năm 2008, học sinh của Trường được học thêm ngoại ngữ 2 theo nguyện vọng. Hàng năm, Trường luôn đứng trong top đầu cả nước về kết quả dự thi tuyển sinh vào đại học. Nhiều lượt học sinh giành danh hiệu Thủ khoa toàn quốc trong kì thi tốt nghiệp THPT và trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế về ngoại ngữ.
Bậc THCS là hệ đào tạo mới nhất của Trường với sự ra đời của Trường THCS Ngoại ngữ. Trường định hướng phát triển theo hướng là một cơ sở thực hành sư phạm chất lượng cao và tuyển sinh khoảng 100 học sinh mỗi năm.
Để khẳng định chất lượng sản phẩm đào tạo, Trường đã tham gia chương trình kiểm định chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN – QA), là tiền đề cho sự liên thông, liên kết và công nhận lẫn nhau giữa các trường đại học ASEAN. Sau khi thẩm định và đánh giá, nhiều chương trình đào tạo của trường được Hội đồng thẩm định chất lượng mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á công nhận đạt chuẩn và đánh giá cao.
Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước
Công tác đối ngoại luôn được lãnh đạo Nhà trường quan tâm và luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình của nhiều chuyên gia nước ngoài.
Hiện nay, Trường ĐHNN – ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ hợp tác với khoảng 100 trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Thái Lan, Nga, Pháp, Đức, Singapore, Australia, New Zealand,…). Các hoạt động tiếp xúc, ký kết, trao đổi với đối tác được diễn ra thường xuyên là cơ sở để Nhà trường phát triển các hoạt động: liên kết đào tạo, hợp tác nghiên cứu và xuất bản phẩm, trao đổi sinh viên và học sinh, trao đổi giảng viên, hỗ trợ sinh viên thực tập tại nước ngoài và tìm việc làm,… Những việc làm này không chỉ giúp phát triển giáo dục ngoại ngữ ở các địa phương mà giúp đưa thương hiệu của Nhà trường ngày càng vươn xa hơn.
Phát triển theo định hướng nghiên cứu
Thực hiện Chỉ thị 251/TTg của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông hơn nửa thế kỷ qua công tác NCKH đã tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản và ứng dụng trong việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam. Nhiều bộ giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập ngoại ngữ được biên soạn. Hàng nghìn bài giảng điện tử các chương trình thuộc dự án hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, giảng dạy môn học online được xây dựng. Đây là những sản phẩm trí tuệ rất đáng trân trọng của cán bộ, đảng viên Nhà trường.
Nhiều vấn đề mới trong công tác đào tạo như đổi mới quy trình đào tạo cử nhân ngoại ngữ theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, cải tiến phương pháp bộ môn, đổi mới chương trình, giáo trình các hệ đào tạo, xây dựng công nghệ kiểm tra đánh giá, xây dựng chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ cho các trường đại học và cao đẳng trong cả nước… đã được cán bộ Nhà trường tập trung nghiên cứu và đề xuất hướng giải quyết có tính đột phá.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020 đã có 7 đề tài cấp ĐHQGHN và 58 đề tài cấp cơ sở được xét duyệt và thực hiện. Một số nghiên cứu/công trình/sản phẩm đã được Nhà trường thực hiện trong thời gian qua là: Đề tài NCKH cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ công chức viên chức các ngành hải quan, Ngoại vụ, Du lịch, Biên phòng trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc”, Định dạng đề thi ĐGNL tiếng Anh bậc 3-5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam (VSTEP.3-5), Định dạng đề thi ĐGNL tiếng Anh bậc 2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho người Việt Nam (VSTEP.2);… Nhiều hội thảo khoa học quốc gia, hội thảo quốc tế, tọa đàm thường xuyên được tổ chức.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên có nhiều thay đổi mạnh mẽ và tích cực. Từ năm học 2016 – 2017, Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên được phối hợp cùng hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp, tạo thành “Ngày hội sinh viên Sáng tạo – Nghiên cứu – Khởi nghiệp” ULSI FIRE hàng năm với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích thu hút hơn 5.000 sinh viên toàn trường tham gia.
Hiện trường có 809 cán bộ, 546 giảng viên, 158 tiến sĩ, 302 thạc sĩ… trong đó có 3 GS, 18 PGS, 43 cán bộ đang học tập ở nước ngoài và 55 cán bộ quốc tế. Về đội ngũ chuyên viên phục viên phục vụ đào tạo, hiện tại đội ngũ này chiếm khoảng 15% tổng số lượng cán bộ trong trường với 159 cán bộ. Nhà trường đã tổ chức nhiều khóa tập huấn bồi dưỡng để nâng cao chất lượng phục vụ đào tạo của đội ngũ này hướng tới môi trường làm việc chuyên nghiệp, vì người học và lấy người học làm trung tâm. Áp dụng các chính sách mang lại cơ hội phát triển và cống hiến cho đội ngũ. Nhà trường cũng chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt là về chất lượng, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, kiến thức, kĩ năng đạt chuẩn quốc tế. 100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và năng lực quản lý theo các tiêu chuẩn quản trị đại học tiên tiến, tối thiểu 25% cán bộ quản lý hành chính sử dụng tốt tiếng Anh trong công việc và giao tiếp. Mỗi năm có 35-40 lượt giảng viên và các nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐHNN. |
Bài viết đăng trên chuyên san Hồ sơ sự kiện của tạp chí Cộng sản.