TS. Trần Thị Hường: Đừng lầm tưởng học ngôn ngữ chỉ để giao tiếp được!
Học ngôn ngữ chỉ để giao tiếp, có chứng chỉ,… vậy là được rồi?
Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đất nước mà người trẻ Việt dành nhiều sự quan tâm nhất.
Ảnh hưởng của làn sóng Hallyu có thể kể đến như một yếu tố điển hình. Âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc ngày càng phát triển đa dạng, thu hút được cộng đồng người hâm mộ trẻ trung, năng động và ham học hỏi. Chính vì vậy mà nhu cầu học tiếng Hàn và tìm hiểu văn hóa, con người Hàn Quốc cũng ngày một tăng lên.
Bằng chứng là tỷ lệ sinh viên đăng ký học chuyên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc và sinh viên du học Hàn liên tục tăng trong những năm gần đây. Đặc biệt, điểm trúng tuyển ngành Sư phạm tiếng Hàn Quốc và ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc CTĐT CLC năm 2020 của Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN lên đến là 35.87 và 34.68 điểm, một số điểm tương đối cao so với mặt bằng chung.
Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc (Faculty of Korean Language and Culture) là một trong những đơn vị đào tạo được nhiều sinh viên theo học và là một trong các ngành đào tạo thế mạnh của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS).
Trước sức hút to lớn của ngành Ngôn ngữ Hàn với điểm đầu vào cao chót vót những năm qua, VieZ cũng đã có một cuộc trò chuyện cùng TS. Trần Thị Hường – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc – để trao đổi và “bóc tách” một số lý do vì sao Ngôn ngữ Hàn lại “hot” tại Việt Nam.
Với tư cách là một trưởng khoa giàu kinh nghiệm, hoạt động sôi nổi và dành nhiều quan tâm đến giới trẻ, TS. Trần Thị Hường sẽ “gỡ rối” những vấn đề mà có lẽ các bạn trẻ 2K3 quan tâm đến ngành ngôn ngữ nói chung và ngành ngôn ngữ Hàn Quốc nói riêng đang rất cần câu trả lời để có thể tự tin đưa ra lựa chọn cuối cùng trong đợt thay đổi nguyện vọng sắp tới.
Cô có thể chia sẻ cụ thể về việc đào tạo ngôn ngữ là hướng đến cho sinh viên ra trường có thể làm những ngành nghề gì, với những kỹ năng gì được không ạ?
Trước tiên, cảm ơn bạn đã cho mình cơ hội được chia sẻ về các nội dung đào tạo liên quan đến Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Hàn Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Với một chương trình đào tạo (CTĐT) được thiết kế phù hợp với nhu cầu của người học, yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng, của toàn xã hội, Khoa và Nhà trường đã và đang chú trọng tới khối kiến thức chung và kiến thức ngành đặc thù.
Sinh viên có thể vận dụng kiến thức vào các công việc đa dạng tại công ty doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam, các cơ quan tổ chức chính phủ, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu… Nói chung là sinh viên sẽ được trang bị những kỹ năng, kiến thức cơ bản nhất liên quan đến các nhóm ngành nghề Biên phiên dịch tiếng Hàn, Hàn Quốc học, Sư phạm tiếng Hàn, tiếng Hàn định hướng kinh tế… để dễ dàng bước vào thị trường lao động hiện nay.
Cô nghĩ sao về việc nhiều người “ngoại đạo” lầm tưởng rằng học ngôn ngữ chỉ đơn giản là học nói ạ?
Đó chính là suy nghĩ của không chỉ người “ngoại đạo”/trái ngành mà đôi khi sinh viên chính quy cũng lầm tưởng là học ngôn ngữ đơn giản chỉ là học tiếng Hàn đảm bảo giao tiếp được, hoặc chỉ cần đạt Chứng chỉ tiếng Hàn nào đó là đạt yêu cầu rồi.
Để giải đáp câu hỏi này trước hết các bạn nên tìm câu trả lời cho việc “Học đại học để làm gì? Học đại học khác học ở phổ thông và các chương trình khác như thế nào?”. Nói một cách dễ hiểu, ngắn gọn là: học các kỹ năng nghe nói tiếng Hàn chỉ là một phần trong CTĐT bậc Đại học về ngôn ngữ Hàn hay Hàn Quốc học của các trường Đại học.
Tại trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN, sinh viên chỉ học tiếng Hàn tập trung trong 2 năm đầu. Từ năm thứ 3 sinh viên sẽ được học các chuyên ngành đa dạng, phù hợp cùng các môn học, khóa học chỉ có ở bậc Đại học nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về văn hóa xã hội, bồi dưỡng những kỹ năng mềm, cần thiết để có thể tự học và học lên cao hay tham gia vào thị trường lao động sau tốt nghiệp.
Theo cô, tại sao hiện nay ngành ngôn ngữ Hàn Quốc lại “hot” đến vậy ạ? Điểm chuẩn khoa Hàn của các trường năm nào cũng rất cao.
Có nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do mối quan hệ hữu nghị hợp tác chính trị – kinh tế giữa hai nước Hàn – Việt đã và đang phát triển hết sức tốt đẹp và nhiều thành tựu. Đầu tư của Hàn Quốc và Việt Nam ổn định và ngày một tăng tạo ra nhu cầu rất cao về các nhân lực chất lượng cao liên quan đến tiếng Hàn. Nhu cầu giao lưu nhân dân, tìm hiểu văn hóa giữa hai nước cũng ngày một tăng dẫn đến sự quan tâm của xã hội, của học sinh và phụ huynh tới ngành học này ở Việt Nam.
Tiếng Hàn có thật sự tiềm năng và ưu thế hơn so với những ngôn ngữ khác không ạ?
Thực tế đã chứng minh sức hấp dẫn, cơ hội và tiềm năng của ngành tiếng Hàn ở Việt Nam. Tỉ lệ sinh viên có việc làm ngay khi còn ngồi ghế nhà trường và khi tốt nghiệp luôn ở mức cao và rất cao so với ngành nghề khác. Nếu như tình hình giao lưu hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn phát triển như hiện nay thì ngành tiếng Hàn ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Năm nay, phương thức tuyển sinh và chương trình đào tạo của Khoa có điểm gì khác so với năm trước không ạ?
Phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu các chính sách về tuyển sinh của Khoa bám theo chỉ đạo chung của Nhà trường. Xu hướng 1,2 năm gần đây là các hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng vào các trường Đại học tăng dần, đặc biệt tập trung vào các ngành nghề, Khoa đào tạo “hot”, dẫn đến việc xét điểm đầu vào cũng ít nhiều ảnh hưởng.
Cơ hội nhận học bổng tiền mặt và học bổng du học trao đổi của sinh viên khoa Hàn hiện nay thì sao ạ?
Có thể tự hào mà nói rằng, sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc thuộc trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN là những sinh viên được chăm sóc tốt nhất, tận tình nhất bởi đội ngũ giảng viên và cán bộ của Khoa, thể hiện ở những con số sinh viên Khoa được nhận học bổng ngoài ngân sách và học bổng du học hàng năm vô cùng ấn tượng.
Chỉ cần trở thành K-Uliser, tức là các bạn đã có thể có những cơ hội vô cùng bất ngờ như được nhận học bổng ngay từ năm thứ Nhất, hay trong 4 năm học Đại học có thể nhận vài suất học bổng khác nhau.
Cô có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn theo học ngành ngôn ngữ Hàn nói riêng không ạ?
Trước tiên các bạn cần có đam mê, yêu thích ngành nghề mình chọn học. Đối với tất cả công việc, dù khó khăn đến mấy chúng ta nếu có đam mê, yêu thích thì chắc chắn sẽ thành công. Tiếp theo là các bạn cần có sự tìm hiểu thật kỹ thông tin về ngành học mình lựa chọn trên các phương tiện truyền thông của Nhà trường, các kênh khác như đánh giá của Nhà tuyển dụng và các thế hệ cựu sinh viên, các chỉ số xếp hạng…
Thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, sẽ không thể “tô hồng” hay “bóp méo” về sự thật, tất cả các con số, thông tin đều công khai minh bạch và có thể kiểm chứng.
Cuối cùng, cô có lời nhắn nhủ nào muốn gửi tới những bạn trẻ 2K3 chuẩn bị “sắp xếp” lại nguyện vọng của mình?
Cô nghĩ các bạn trẻ thế hệ Z bây giờ hết sức thông minh và năng động. Các bạn và gia đình mình chắc chắn sẽ thừa thông thái để có thể lựa chọn nguyện vọng một cách chuẩn xác, phù hợp. Xin chúc các bạn thành công và sớm gặp lại các bạn trẻ tại Khoa Hàn, trường “U” nhé.
Rất cảm ơn cô vì đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc của những bạn trẻ 2K3!
Tin rằng, với những chia sẻ thẳng thắn của TS. Trần Thị Hường – Trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, các bạn trẻ 2K3 sẽ có thể tự tin hơn khi đưa ra lựa chọn cho chính mình.
Theo Viezone.vn