Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục” dành cho học viên Chương trình Bồi dưỡng NVSP khóa I – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục” dành cho học viên Chương trình Bồi dưỡng NVSP khóa I

Ngày 10/11/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong giáo dục” dành cho học viên của Chương trình Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm Ngoại ngữ khóa I. Diễn giả của tọa đàm là TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng – Trưởng Bộ môn Giáo dục Khai phóng Khoa Sư phạm Tiếng Anh.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Phòng Đào tạo, đại diện lãnh đạo Khoa Sư phạm tiếng Anh và Bộ môn Tâm lý – Giáo dục, các giảng viên, học viên và trợ giảng của chương trình.

Trong chương trình, TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng đã mở đầu tọa đàm bằng hoạt động “speed dating” nhằm giao lưu kết nối giữa các học viên. Các học viên đã xếp thành hai vòng tròn đồng tâm, lần lượt bắt cặp với nhau để chia sẻ và sau đó đổi cặp để tiếp tục tương tác. Thông qua hoạt động khởi động này, các sinh viên được dẫn dắt vào nội dung chính của buổi tọa đàm, đó là khai thác tư duy sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp dạy học vào thực tế giảng dạy.

Tiếp đó, TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng đã chia sẻ và nhấn mạnh rằng đổi mới sáng tạo trong giáo dục không chỉ nằm ở sự phát triển công nghệ mà còn ở tư duy sáng tạo trong giải quyết vấn đề và phương pháp giảng dạy.

Diễn giả đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của sáng tạo trong giáo dục. Đổi mới sáng tạo là yếu tố cần thiết để thích ứng với những thay đổi của xã hội, giúp người học phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, và khả năng tự học. Để đạt được điều này, giáo viên cần không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, đưa vào các hoạt động thực tiễn nhằm kích thích tư duy sáng tạo của người học. Việc tạo ra một môi trường học tập cởi mở, khuyến khích khám phá và thử nghiệm là điều cần thiết để người học có thể tự do phát triển và bộc lộ tiềm năng sáng tạo của mình.

Bên cạnh phần chia sẻ, tọa đàm còn có các hoạt động giao lưu, trao đổi, giải đáp thắc mắc sôi nổi giữa giảng viên và các học viên tham gia. Những hoạt động này không chỉ giúp “phá băng” và tạo không khí cởi mở mà còn là cơ hội để học viên có thể hiểu rõ hơn về bản thân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Chương trình khép lại là phần chụp ảnh lưu niệm.

Ngọc Hà/ULIS Media