Sôi nổi Cuộc thi thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á lần thứ 11
Ngày 18/12/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á lần thứ 11. Đây là hoạt động nằm trong chương trình môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á do Bộ môn NN&VH Việt Nam phụ trách giảng dạy.
Tham dự chương trình có sự góp mặt của Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn, đại diện lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo và giảng viên Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Ban Giám khảo, sinh viên tham gia môn học.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn đã khẳng định cam kết của Nhà trường đối với việc phát triển của môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á. TS. Hoa Ngọc Sơn cũng bày tỏ niềm vui mừng khi nhận thấy sự tham gia ngày càng đông đảo của sinh viên ULIS qua mỗi năm tổ chức môn học, trong năm học đầu tiên 2019 – 2020, số lượng đăng ký chỉ có 120 sinh viên, nhưng đến năm học 2023 – 2024 con số đã lên đến 650 và kỳ I năm học 2024 – 2025 là 330. Những con số này đã chứng tỏ sự quan tâm, ham học hỏi của các em sinh viên đối với môn này. Phó Hiệu trưởng cũng gửi lời chúc các đội thi phát huy tối đa khả năng, sự sáng tạo và tinh thần đồng đội để hoàn thành phần thi. Ngoài những kết quả đạt được, TS. Hoa Ngọc Sơn cũng hi vọng các em sinh viên còn có thể học hỏi, rèn luyện được nhiều kỹ năng khác trong suốt quá trình tham gia môn học.
Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam Trần Hữu Trí đã gửi lời cảm ơn tất cả các sinh viên tham gia môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á. TS. Trần Hữu Trí động viên các em tiếp tục phát huy đam mê đối với môn học, đặc biệt là lựa chọn phát triển đề tài nghiên cứu khoa học, nhằm khám phá sâu hơn những khía cạnh phong phú của văn hóa châu Á. Cuối cùng, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam gửi lời chúc các đội thi sẽ có phần thể hiện xuất sắc, cống hiến những ý tưởng mới mẻ và sáng tạo, góp phần vào thành công chung của chương trình.
Ban Giám khảo đã công bố các tiêu chí chấm điểm dựa trên: Tác phong thuyết trình, chất lượng phần trình bày, tính logic và sự sâu sắc của nội dung, khả năng trả lời câu hỏi.
Sau đó là phần tranh tài của 6 đội thi, bao gồm: Lớp 23 (Nhóm 8): Chiếm dụng văn hóa Châu Á trong thời trang toàn cầu: Bài học từ Bộ sưu tập mùa thu 2022 của Christian Dior, Lớp 23 (Nhóm 21): Thực trạng và cơ hội tiếp cận giáo dục biến đổi khí hậu của học sinh trường THPT Vạn Xuân, Hoài Đức, Hà Nội (2023-2024), Lớp 24 (Nhóm 28): Tìm hiểu về sự kết hợp âm nhạc dân gian và âm nhạc hiện đại Việt Nam thông qua Công Diễn 4 của chương trình ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’, Lớp 25 (Nhóm 5): Nghiên cứu về tính hiệu quả của việc áp dụng phương pháp WEBQUEST vào việc giảng dạy môn ‘Tiếng Việt thực hành’ cho sinh viên khóa, Lớp 25 (Nhóm 28): Chính sách “Act East” của Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc: Cơ hội và thách thức, Lớp 26 (Nhóm 2): Truyền thông về khu vực Trung Đông tại Việt Nam: Trường hợp của báo Vietnamnet và tác động đến nhận thức về định kiến văn hóa của sinh viên Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Mỗi phần tranh tài đã thể hiện được sự tìm tòi, khả năng thuyết trình và ứng biến của các sinh viên ULIS.
Chung cuộc, Ban Giám khảo đã tìm ra chủ nhân của các giải thưởng:
– Giải nhất: Nhóm 2 (Lớp 26)
– Giải nhì: Nhóm 8 (Lớp 23), nhóm 21 (Lớp 23)
– Giải ba: Nhóm 28 (Lớp 24), nhóm 5 (Lớp 25), nhóm 28 (Lớp 25).
Cuộc thi thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á lần thứ 11 đã khép lại sau thời gian tranh tài sôi nổi, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và thú vị cho khán giả.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ MÔN HỌC TÌM HIỂU CỘNG ĐỒNG CHÂU Á
– Trang bị kiến thức về quốc tế học. – Trang bị kiến thức cơ bản về quan hệ quốc tế. – Trang bị kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội văn hóa của các nước châu Á, giúp người học vận dụng kiến thức để nâng cao nhận thức về các vấn đề chung toàn cầu hiện nay như xây dựng cộng đồng kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu, sự khác biệt văn hóa…
– Học theo chuyên đề cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, đến từ các trường đại học, học viên, cơ quan ngoại giao (1~2 chuyên gia nước ngoài, 3~5 chuyên gia ngoài trường, 3~5 chuyên gia trong trường). – Không tổ chức thi học kỳ, tính điểm cuối kỳ bằng 1 bài báo cáo khoa học (10 trang A4) và lựa chọn các sinh viên xuất sắc tham gia Cuộc thi ‘Thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á’. (Giải thưởng là Giấy xác nhận của Hiệu trưởng, tiền mặt và điểm 10 cho điểm cuối kỳ) – Feedback cho từng sinh viên/ từng nhóm về bài báo cáo cuối kỳ trong suốt khóa học. – Lấy phiếu đánh giá để điều chỉnh theo ý kiến và nguyện vọng của sinh viên theo từng học kỳ.
– Thử nghiệm giảng dạy (không tính điểm): 1 lần/ năm học (năm 2017, 2018, 2019) – Đưa vào giảng dạy chính thức và tính điểm như một môn chung cho các lớp CLC TT23 (mã môn học: FLF1005***, 3 tín chỉ) + Năm học 2019-2020: 120 sinh viên đăng ký + Năm học 2020-2021: 180 sinh viên đăng ký + Năm học 2021-2022: 360 sinh viên đăng ký + Năm học 2022-2023: 560 sinh viên đăng ký + Năm học 2023-2024: 650 sinh viên đăng ký + Học kỳ I năm học 2024-2-25: 330 sinh viên đăng ký. |
Tùng Dương