Ra mắt “Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc” và Hội thảo “Dạy-học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”
Ngày 31/3/2024 đã diễn ra Lễ ra mắt “Kênh hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội” và Hội thảo “Dạy-học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới” và theo hình thức trực tiếp tại Hội trường Vũ Đình Liên và trực tuyến tại Zoom Webinar.
Chương trình đã thu hút sự chú ý của đông đảo đại diện đến từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố và các cơ sở giáo dục trên cả nước. Gần 5000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thuộc 46 tỉnh/thành phố; trong đó có 5 lãnh đạo các sở; 460 Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng các trường THCS, THPT, THPT chuyên; hơn 1100 Tổ trưởng, tổ phó, nhóm trưởng chuyên môn; gần 1500 giáo viên ngoại ngữ, khoảng 1300 giáo viên bộ môn Toán, khoảng 1200 giáo viên bộ môn Ngữ văn; hơn 500 giáo viên thuộc các bộ môn khác đã nói lên sự quan tâm của xã hội đối với sự kiện.
“Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông trong toàn quốc” (gọi tắt là ULIS CONNECT, đặt tại địa chỉ: ulisconnect.edu.vn) do Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trường Đại học Ngoại ngữ xây dựng nhằm tạo cơ hội cho thầy cô giáo nói chung và giáo viên dạy ngoại ngữ nói riêng được chia sẻ thông tin, tiếp cận nguồn tài liệu tin cậy, tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ để cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc chương trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – TS. Nguyễn Xuân Long trân trọng gửi lời cảm ơn sự tin tưởng và ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT và THCS đã hỗ trợ, giúp đỡ và tham gia hội thảo và “Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc”. Với nhiều kinh nghiệm tổ chức, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng cho nhiều cơ sở, Trường Đại học Ngoại ngữ mong muốn ULIS CONNECT sẽ trở thành nền tảng để giáo viên cả nước có thể trao đổi, chia sẻ kết nối và thông tin nhanh nhất. Hiệu trưởng nhấn mạnh rằng Nhà trường cảm thấy rất vinh dự khi ULIS CONNECT nhận được sự quan tâm của xã hội và cũng hy vọng rằng có thêm một kênh hỗ trợ về giáo dục sẽ giúp các thầy cô giáo cải thiện và nâng cao chất lượng dạy học.
Tiếp đó, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN – PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn đã đánh giá cao Trường Đại học Ngoại ngữ trong việc xây dựng Kênh ULIS CONNECT. Trưởng Ban Đào tạo đánh giá nguồn kênh đã mang tính cụ thể hóa và có thể thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển năng lực giảng dạy cho giáo viên, đặc biệt với sứ mệnh của Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn dắt hệ thống đào tạo không chỉ ở bậc Đại học mà còn cả ở bậc phổ thông. Bên cạnh đó, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng hy vọng Hội thảo sẽ đưa ra gợi ý về việc triển khai đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông, và giúp kết nối các nhà giáo chia sẻ nhiều tri thức, kinh nghiệm hơn sau quá trình tham luận.
Cũng chia sẻ tại chương trình, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ – TS. Đỗ Tuấn Minh đã hình tượng hóa việc phát triển ULIS CONNECT như máy bay chạy đà và cất cánh bay trên đường băng. TS. Đỗ Tuấn Minh kỳ vọng rằng Kênh hỗ trợ và Hội thảo có thể truyền tải và thể hiện được tâm huyết, hy vọng về giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội và tất cả thầy cô giảng dạy ngoại ngữ ở bậc THPT. Theo kế hoạch, ULIS CONNECT sẽ bắt đầu đi vào hoạt động đầu tiên thông qua tổ chức các sự kiện, hội nghị, tọa đàm, một trong sự kiện gần tới nhất chính là Hội thảo quốc tế UNC2024 vào ngày 20/4 tới. Với kinh nghiệm phong phú trong công tác tổ chức, Trường Đại học Ngoại ngữ hy vọng sẽ đem tới một kênh thông tin kết nối và sẻ chia hiệu quả trong cộng đồng giáo viên ngoại ngữ.
Ra mắt Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông trên toàn quốc – ULIS CONNECT
Trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, cả nước bắt đầu triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu: Giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại. Trên cơ sở đó, với tư cách là một trường Đại học quản lý hai đơn vị khối phổ thông là Trường THCS Ngoại ngữ và Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Dạy-học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018”.
Trong khuôn khổ Hội thảo, có 05 báo cáo đã được lần lượt trình bày. Mở đầu với báo cáo “Hướng tới tuyển sinh từ năm 2025: Kiểm tra đánh giá ngoại ngữ có gì khác?” được trình bày bởi TS. Nguyễn Thị Chi và NCS. Nguyễn Thị Phương Thảo. Trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc bài thi tốt nghiệp, bài thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ riêng của một số trường đại học và phương án tuyển sinh của các trường đại học hiện nay đã có sự so sánh khách quan và đưa ra dự báo về các phương thức tuyển sinh sẽ vẫn tương đối ổn định vào năm 2025. Bên cạnh đó, căn cứ vào đề minh hoạ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các diễn giả cũng chỉ ra những điểm khác biệt về bài thi kiểm tra đánh giá Ngoại ngữ năm 2025, gợi ý một số giải pháp hữu ích nhằm đáp ứng sự đổi mới trong bài thi tốt nghiệp THPT 2025 và đưa ra những dự đoán có cơ sở về định dạng bài thi Đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ của các trường đại học năm 2025.
Báo cáo của PGS.TS. Phạm Thị Thu Hiền với tiêu đề “Hướng dẫn xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá định kì môn Ngữ văn cấp THPT” đã giới thiệu quan niệm ngân hàng câu hỏi, các loại câu hỏi đánh giá định kỳ môn ngữ văn cấp THPT và đặc biệt hướng dẫn quy trình xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi đánh giá định kì môn Ngữ văn cấp THPT đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT. Điểm đặc biệt cần chú ý trong suốt quá trình đánh giá bài Ngữ văn nằm ở mức độ rõ ràng về mặt nội dung, định lượng,… Ngoài ra, đề thi cần đảm bảo đánh giá được phẩm chất, kỹ năng và năng lực của người học.
Với chủ đề “Dạy học bộ môn Toán cấp THPT theo hướng tiếp cận năng lực”, báo cáo của TS. Nguyễn Văn Thành đã đưa ra rõ những điểm quan trọng cần lưu ý cho giáo viên nói chung và các trường THPT khi tổ chức dạy học môn Toán. Từ việc xác định các năng lực học sinh cần có trong thế kỷ 21 nói chung và các năng lực toán học đặc thù cần phát triển ở học sinh phổ thông nói riêng, đến việc giới thiệu các kĩ thuật tổ chức hoạt động cho học sinh, ứng dụng bộ công cụ đánh giá hoạt động học tập theo hướng tiếp cận năng lực, diễn giả khẳng định: đổi mới phương pháp dạy học không chỉ cung cấp cho người học kiến thức và kĩ năng mà còn chú trọng đến có thái độ và hứng thú của người học với việc học Toán.
AI – Trí tuệ nhân tạo là một trong những phát kiến lớn của nhân loại. Trên thực tế, AI hiện đang được khai thác và ứng dụng một cách đa dạng, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thông qua báo cáo “Trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá”, các báo cáo viên Khoa Anh Việt, Nguyễn Thị Lan Hường và Khương Quỳnh Nga đã giới thiệu về khái niệm, những điểm mới và tính độc đáo của áp dụng AI vào giáo dục. Từ đó, các nhà giáo có thể ứng dụng sao cho phù hợp, tiết kiệm thời gian và tăng cảm hứng hơn trong dạy và học. Trên cơ sở thực tiễn của Trường Đại học Ngoại ngữ trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và kiểm tra đánh giá, báo cáo cũng là mong muốn của Ban Tổ chức muốn được chia sẻ những công cụ, kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến các thầy cô giáo ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới giáo dục trong chương trình GDPT 2018.
Với tiêu đề “Thiết kế và triển khai các hoạt động học tập trải nghiệm góp phần phát triển năng lực toàn diện người học: Kinh nghiệm từ Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ”, phần trình bày của hai báo cáo viên Lại Thị Phương Thảo và Phạm Thị Thanh Tú đã gợi mở các hướng đi cụ thể dựa trên kinh nghiệm của ngôi trường THPT giàu truyền thống này. Với mục tiêu đào tạo những công dân toàn cầu trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ xác định rõ tầm quan trọng của việc định hướng, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học sinh. Chính vì lẽ đó, ngày 29/12/2017, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ đã ký Quyết định số 2728 /QĐ-ĐHNN ban hành Khung phẩm chất và năng lực học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (còn gọi là Chân dung của học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ) với 7 phẩm chất và 10 năng lực phù hợp với yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Các phẩm chất và năng lực này được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động giáo dục của Nhà trường, kể cả các hoạt động trong và ngoài lớp học. Với bước đi đổi mới, sáng tạo và năng động trong thiết kế cũng như triển khai hoạt động kết hợp học tập và hoạt động ngoại khoá phù hợp, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã được phát huy mọi kỹ năng và trên mọi phương diện.
Với những báo cáo mang nội dung thực tiễn cao gắn liền với các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, và phát triển kỹ năng của học sinh, Hội thảo đã tạo nên diễn đàn bổ ích để chia sẻ và thảo luận về những vấn đề hiện hữu quan trọng của nền giáo dục. Hội thảo cũng đem đến nhiều góc nhìn mới về các vấn đề trong giáo dục phổ thông, từ đó giáo viên có thể tìm kiếm những phương thức tiếp cận mới trong hoạt động giảng dạy.
Đầu cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn
Đầu cầu Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Sơn Tây, Hà Nội)
Nhà trường đã sử dụng 2 kênh Zoom Webinar và Zoom Meetings để tổ chức chương trình
Chương trình Lễ ra mắt “Kênh hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ phổ thông toàn quốc của ĐHQGHN” và Hội thảo “Dạy-học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo chương trình GDPT 2018” đã khép lại sau thời gian làm việc tích cực. Đại biểu tham dự cũng đã có cơ hội nhận quà tặng của Ban Tổ chức là các suất đăng ký khóa học “Thầy cô giáo hạnh phúc” do Nhà trường triển khai.
Một số hình ảnh khác:
Tin trên báo chí: