Tâm huyết đào tạo công dân toàn cầu
Tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức đảm bảo lựa chọn được những học sinh có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,… Đổi mới công tác tuyển sinh Chuyên Ngoại ngữ là một trong những điểm nổi bật trong hoạt động của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2017.
Những kết quả ghi nhận
Năm 2017 là năm Trường Đại học Ngoại ngữ có nhiều thành tựu tiêu biểu. Trong những hoạt động nổi bật của trường đặc biệt không thể không nhắc đến công tác đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Cụ thể, năm 2017, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tiến hành đổi mới phương thức tuyển sinh vào THPT Chuyên Ngoại ngữ theo hình thức đánh giá năng lực. Đây là một bước đi mới, chứa đựng nhiều thách thức nhưng thể hiện quyết tâm của Nhà trường trong việc đổi mới công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào.
Nếu như ở năm 2016 và các năm trước đó, thí sinh sẽ dự thi 3 môn bắt buộc là môn Văn, Toán và Ngoại Ngữ (hệ số 2), với thời gian làm bài 120 phút/môn và trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, trong kỳ thi năm 2017, các thí sinh cũng phải trải qua kỳ thi gồm 3 môn, nhưng đặc biệt ở chỗ là các môn đều có tên mới là: Đánh giá năng lực Ngoại ngữ (hệ số 2), Đánh giá năng lực Toán và Khoa học tự nhiên (hệ số 1), Đánh giá năng lực Văn và Khoa học xã hội (hệ số 1). Bên cạnh việc tập trung kiến thức của 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì đề thi đổi mới đòi hỏi thí sinh phải có những hiểu biết cả về Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Trong kỳ tuyển sinh năm 2017, Chuyên Ngoại ngữ cũng là trường THPT chuyên duy nhất chỉ tổ chức thi trọn vẹn trong vòng một ngày, giúp thí sinh và người nhà tiết kiệm thời gian.
Đặc biệt, công tác đổi mới còn thể hiện ở đề thi mang tính thực tiễn. Đề thi đổi mới được đánh giá cao với các ưu điểm: đánh giá được năng lực thay vì chú trọng khả năng ghi nhớ kiến thức của thí sinh; đánh giá được năng lực tổng hợp và đặc thù ngoại ngữ của thí sinh để học tốt chương trình học; đảm bảo độ phân loại tốt; kế thừa và phát huy những ưu điểm và kinh nghiệm xây dựng đề thi đánh giá năng lực trước đây; tối đa hóa được tính khách quan, hiệu quả và khả thi. Học sinh cũng đánh giá đề vừa sức và không đánh đố. Công tác đổi mới tuyển sinh Chuyên Ngoại ngữ theo hình thức đánh giá năng lực đã được Nhà trường ấp ủ và chuẩn bị triển khai trong một thời gian dài, từ việc chuẩn bị đề thi đến tập huấn công tác coi thi, truyền thông,…
Chia sẻ với báo chí, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ khẳng định: “Nhu cầu về hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo cần phải chuyển từ “học tủ”, ghi nhớ máy móc sang kiểm tra đánh giá những năng lực phẩm chất cần có của người học.”
Cũng nhờ chuẩn bị chu đáo, kỳ thi tuyển sinh Chuyên Ngoại ngữ năm nay đã diễn ra rất thành công, thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng và thí sinh đăng ký dự thi. Các kỳ thi thử và chính thức diễn ra an toàn, đúng quy chế, không có trường hợp thí sinh vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Điểm thi và chất lượng thí sinh được đánh giá tốt. Trường đã tổ chức nhập học cho học sinh và chia làm 16 lớp.
Năm 2017 là năm khởi đầu cho công tác đổi mới tuyển sinh Chuyên Ngoại ngữ. Trong những năm tới, Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động liên quan như: lập kế hoạch khung, truyền thông, xây dựng đề thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức các kỳ thi, nhập học… để công tác tổ chức tuyển sinh năm sau bài bản hơn, quy mô hơn và chuyên nghiệp hơn, nâng cao chất lượng đầu vào cho trường. Theo kế hoạch, năm 2018, Nhà trường sẽ tổ chức 3 đợt thi thử vào các ngày: 04/2/2018, 11/3/2018 và 22/4/2018. Kỳ thi chính thức diễn ra vào ngày 02/06/2018 với 380 chỉ tiêu hệ chuyên. Cũng như năm ngoái, để giúp thí sinh làm quen với định dạng đề thi đánh giá năng lực và quy trình làm bài thi, Trường Đại học Ngoại ngữ cũng sẽ tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh (CNN Open Day) dự kiến vào ngày 18/3/2018.
Đổi mới nhằm đào tạo nên những công dân toàn cầu
Trên thực tế, tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực là một chủ trương lớn của ĐHQGHN nhằm tăng cường chất lượng tuyển chọn đầu vào, hạn chế tiêu cực và phù hợp với xu thế của giáo dục đại học thế giới trong nhiều năm nay.
Như GS.TSKH Vũ Minh Giang từng khẳng định, phương thức ra đề theo hướng kiểm tra kiến thức có những hạn chế nhất định: “Kiến thức là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn đối với người học sau đại học là năng lực tư duy, khả năng tiếp thu và vận dụng kiến thức. Điều này càng thấy rõ ở thời đại bùng nổ thông tin, khi mà công cụ tra cứu rất nhiều. Nếu như biến bộ óc của con người thành kho lưu trữ thì luôn luôn là hữu hạn, lãng phí và không phù hợp với xu thế thời đại. Vì vậy, cái cần ở đào tạo bậc cao là năng lực phân tích, năng lực tư duy, năng lực tiếp nhận và xử lí thông tin. Trên thế giới, không chỉ riêng tuyển sinh sau đại học, mà gần như tất cả các lĩnh vực cần tuyển chọn họ đã áp dụng phương thức đánh giá năng lực từ lâu. Phương thức đánh giá năng lực khắc phục được những hạn chế của phương thức kiểm tra kiến thức, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng tuyển sinh”.
Đánh giá đúng và toàn diện học sinh là mục đích của hình thức thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, công tác đổi mới tuyển sinh này còn hướng tới một cái nhìn xa hơn nữa đó là phương châm đào tạo ra những công dân toàn cầu, những chủ nhân đất nước tương lai có năng lực lãnh đạo và phẩm chất đạo đức, kỹ năng để xây dựng Tổ quốc.
“Việc đổi mới tuyển sinh đầu vào lớp 10 Chuyên Ngoại ngữ là một bước thay đổi cần thiết giúp cho Nhà trường có thể chọn lựa những học sinh có năng lực toàn diện hơn, góp phần thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu đào tạo của Nhà trường đào tạo học sinh trở thành công dân toàn cầu với những kỹ năng và phẩm chất của nhà lãnh đạo như phương châm đào tạo của Nhà trường”, Cô Lại Thị Phương Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cho biết.
Chuyên Ngoại ngữ là một trong những trường THPT đầu tiên thực hiện đổi mới hình thức tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực và đã tổ chức tuyển sinh rất thành công. Tuy nhiên, với Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo của Trường Đại học Ngoại ngữ cũng như Chuyên Ngoại ngữ, việc dạy và học ở trường không chỉ cần tuyển sinh tốt mà còn phải có định hướng đào tạo thật hợp lý. Bởi vậy nên, bên cạnh việc đổi mới tuyển sinh, trong năm học 2017-2018, học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cũng được trải nghiệm hai công tác đổi mới khác là chuyển đổi đào tạo môn Giáo dục thể chất sang hình thức hoạt động theo câu lạc bộ và đổi mới môn Giáo dục An ninh Quốc phòng sang tổ chức học tập trung tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng và An ninh ĐHQGHN.
Mục đích công tác đổi mới này là để phát huy khả năng của từng học sinh theo hướng đa phương hóa, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng đa dạng của từng học sinh, phát huy tính chủ động sáng tạo của tập thể giáo viên bộ môn, rèn luyện sức khỏe, hình thành nhân cách và các phẩm chất thiết yếu khác, nâng cao hiệu quả đào tạo môn học, tăng cường sự hứng thú với học sinh. Hiện việc triển khai đào tạo hai môn học này đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía học sinh, phụ huynh và xã hội.
Nói cho cùng, đổi mới tuyển sinh hay đổi mới phương thức đào tạo các môn học tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cũng đều được thực hiện vì một mong muốn duy nhất: Nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến tính thực tiễn và đào tạo công dân toàn cầu.
Ý kiến của học sinh: “K49 thật may mắn khi là năm đầu được trải nghiệm hình thức thi mới của CNN – Thi đánh giá năng lực. Cách thức thi này là tiền đề vững chắc để giúp chúng em bước vào kỳ thi THPT Quốc Gia trong 3 năm tới. Em thấy đề thi năm ngoái rất vừa sức, kiểm tra được nhiều kĩ năng, nhiều phần kiến thức chúng em đã được học xuyên suốt 4 năm cấp 2. Điều đó có thể đánh giá toàn diện thí sinh và chọn ra những thí sinh xuất sắc nhất để vào trường. Em mong rằng năm nay nhà trường tiếp tục sử dụng hình thức thi mới này, không ngừng cải thiện và phát huy để chọn ra các em K50 thật sáng giá và toàn diện.”____ Em Nguyễn Thanh Bình, Lớp G49. “Theo em thấy thì hình thức thi đầu vào đánh giá năng lực như năm vừa rồi còn khá mới mẻ nhưng có lẽ sẽ không tạo ra quá nhiều khó khăn đối với các em học sinh muốn trở thành K50 của nhà trường. Đề thi không hề quá sức mà đòi hỏi một sức học đều ở tất cả các môn, tránh được việc “học lệch” ba môn chính Toán, Văn, Anh thường thấy ở các em học sinh lớp 9. Ngoài ra thì việc ôn thi trắc nghiệm cũng giúp cho em bổ sung thêm được một số kĩ năng làm bài mới mẻ, cần thiết và trau dồi được toàn bộ kiến thức thầy cô đã dạy chúng em suốt 4 năm cấp 2. Đây cũng chính là một điều quan trọng và hữu ích, giúp em đỡ bỡ ngỡ hơn rất nhiều khi trở thành học sinh của trường và trải nghiệm môi trường học tập ở đây. Em mong rằng hình thức thi trắc nghiệm năm nay sẽ vẫn được phát huy và em chúc cho các em học sinh sẽ ôn luyện thật tốt để sẵn sàng cho kì thi quan trọng trước khi trở thành một thành viên thế hệ thứ 50 của đại gia đình Chuyên Ngoại Ngữ.”___Em Nguyễn Lê Xuân Mai, Lớp Q49. “Năm ngoái, Chuyên Ngoại ngữ đã đổi mới hình thức tuyển sinh vào lớp 10 sang hình thức đánh giá năng lực. Theo em, hình thức thi mới này “gây khó” hơn vì khi có thêm các môn khác như Hoá, Sinh, Lý, Sử,… Tuy nhiên, điều này lại giúp ích tuyển lựa được những học sinh có kiến thức đa dạng và sâu sắc hơn. Để lấy được điểm từ các câu này, các bạn phải học đều hơn tất cả các môn trên lớp. Đồng thời khi chuyển sang thi trắc nghiệm, học sinh cũng phải học chắc hơn vì câu hỏi có thể vào rất nhiều phần, đặc biệt là các phần khó, phần nhỏ mà thường học sinh không để ý đến.”___ Em Trần Mỹ Linh, Lớp 10N. |
Theo Bản tin ĐHQGHN