Người góp phần xây cầu kết nối hai nền văn hóa Việt – Hàn
Đi thật xa để trở về, khi trở về ai cũng sẽ mang theo mình những ký ức, trải nghiệm, là vốn sống và kiến thức – thứ tài sản vô giá được tích lũy từ nơi đến. Để rồi lại đi – trở về như thể là cây cầu kết nối hai vùng đất, hai nền văn hóa và khiến nó trở nên gần gũi, thân quen.
Với Tiến sĩ, dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân (Giảng viên Khoa NN&VH Hàn Quốc) thì Việt Nam và Hàn Quốc là hai vùng đất như vậy. Chị có một niềm say mê và yêu mến đặc biệt đối với đất nước, con người Hàn Quốc, đặc biệt là văn học và thơ ca. Là dịch giả của một số tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc nổi tiếng được đông đảo bạn đọc Việt Nam đón nhận.
Ngoài biên dịch sách và giảng dạy, chuyên môn yêu thích của chị là nghiên cứu về lĩnh vực dịch thuật văn học, Hàn Quốc học, gia đình và giới, chính sách xã hội, hiện tượng phân tán dân cư (diaspora) và di trú (migration). Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về lĩnh vực này của chị đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín cũng như nhiều bài báo cáo khoa học tại các hội thảo quốc tế trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Úc, Pháp,…
Gặp chị trong buổi sáng tiết trời se lạnh của Hà Nội, mặc dù đã vào những ngày cuối tháng tư, bên ly cà phê, những tò mò của phóng viên, người hâm mộ chị, dần được hé mở.
Tiến sĩ, dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân
Phóng viên (PV): Từ khi nào chị bén duyên với văn học và thơ ca Hàn Quốc? Có gì cuốn hút chị đến vậy? Phải chăng văn học và thơ ca là “chất sống” của chị?
Tiến sĩ, Dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân (NTTV): Hàn Quốc là đất nước có văn hóa khá tương đồng với Việt Nam. Quốc gia có lịch sử thần kỳ về phát triển kinh tế, có nhiều điều để Việt Nam có thể học tập, lấy kinh nghiệm từ quá trình đi lên của họ cả về kinh tế và xã hội, trong đó yếu tố con người, gia đình như là nhân tố quan trọng cho sự thành công đó. Và văn học và thơ ca vốn là tấm gương phản chiếu một phần hiện thực cuộc sống, tâm tư tình cảm, cách thức tư duy cũng như lối sống của con người trong nền văn hóa ấy.
Văn học và thơ ca giúp nâng tầm cuộc sống, hướng chúng ta đến với những giá trị chân thiện mĩ. Tôi vốn yêu thích văn học và thơ ca từ nhỏ. Đây là sở thích được hình thành nhờ vào thói quen đọc sách mà bố mẹ nuôi dưỡng cho tôi từ khi tôi mới là một học sinh tiểu học. Những áng văn chương của Việt Nam cũng như nước ngoài cứ thế thấm dần trong tôi.
Cho đến khi vào đại học năm 2004, tôi theo học chuyên ngành Hàn Quốc học tại Trường ĐHKHXH & NV và sau khi tốt nghiệp, tôi đã có thời gian gần ba năm sinh sống và học tập tại Hàn Quốc theo chương trình thạc sĩ chuyên ngành nhân học. Năm 2011 sau khi về nước, tôi tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ chuyên ngành nhân học và bắt đầu công việc giảng dạy về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN từ năm 2012 tới nay. Quá trình học tập và làm việc này đã giúp tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với các kiến thức cũng như có những trải nghiệm thực tế đầy hữu ích về văn hóa, đất nước, con người Hàn Quốc trong đó có văn học.
Điều ấn tượng đối với tôi là văn học Hàn Quốc rất gần gũi với văn học Việt Nam. Điều này xuất phát từ sự tương đồng giữa hai nền văn hóa. Chủ đề các tác phẩm cũng thường xoay quanh các nội dung như gia đình, tình bạn, tình yêu, tuổi trẻ v.v.. với văn phong giản dị, dễ gần, dễ đọc mà vẫn có sức hút, mang một chất riêng rất “Hàn Quốc”.
Khi đọc các tác phẩm văn học Hàn Quốc, tôi luôn có một sự đồng cảm sâu sắc với các nhân vật trong tác phẩm, với tâm tư tình cảm cũng như bối cảnh văn hóa xã hội trong tác phẩm. Đôi khi tôi nhập tâm đến mức dường như quên mất rằng mình đang tiếp cận tác phẩm dưới góc nhìn của một người nước ngoài. Có thể nói tôi có một mối nhân duyên đặc biệt đối với các tác phẩm văn học và thơ ca Hàn Quốc.
Xuất phát từ điều này, với mong muốn truyền tải tình yêu đối với văn học Hàn Quốc và mang các tác phẩm văn học Hàn Quốc đến với thật nhiều bạn đọc ở Việt Nam, sau khi về nước năm 2011, ngoài công việc giảng dạy, tôi bắt đầu hoạt động như một dịch giả chuyên dịch các tác phẩm văn học và thơ ca Hàn Quốc.
Tác phẩm dịch đầu tay của tôi là Cô gà mái xổng chuồng của tác giả Hwang Sun-Mi được nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2013. Đây là một câu chuyện về sức mạnh của giấc mơ, của nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn, một bài ca về tình mẫu tử, về tình bạn. Cuốn sách đã được bạn đọc Việt Nam đón nhận rất nhiệt tình, nhiều năm nằm trong top best seller tại Việt Nam và được tái bản nhiều lần. Sự yêu mến và đón nhận này của độc giả đã trở thành động lực giúp tôi tiếp tục có hứng thú biên dịch các tác phẩm văn học và nghiên cứu về Hàn Quốc khác như Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, Bố con cá gai, Sự lý thú của Hàn Quốc học, Thác mặt trời v.v.. và đều nhận được phản hồi tốt từ bạn đọc.
Ngoài ra, tôi cũng tích cực tham gia một số dự án của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc cũng như một số cơ quan hữu quan của Hàn Quốc như giao lưu cùng tác giả, độc giả, các hội thảo và tọa đàm về văn học và dịch thuật văn học Hàn Quốc nhằm giới thiệu và quảng bá rộng rãi văn học Hàn Quốc đến với bạn đọc Việt Nam.
PV: Không chỉ ở vai trò nhà văn, biên dịch, chị còn tham gia vào công tác nghiên cứu về gia đình và giới, vấn đề này có sự liên kết gì với chuyên môn biên dịch không?
NTTV: Như đã nói văn học và thơ ca vốn là tấm gương phản chiếu một phần hiện thực cuộc sống. Ngoài việc biên dịch, sáng tác, tôi còn tham gia nghiên cứu về lĩnh vực gia đình và giới, chính sách xã hội. Một số công trình nghiên cứu có giá trị học thuật về lĩnh vực gia đình và giới trên của tôi đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành uy tín như Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Con người, Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, v.v… cũng như nhiều bài báo cáo khoa học tại các hội thảo quốc tế trong và ngoài nước. Luận án tiến sĩ của tôi cũng được thực hiện dựa trên nghiên cứu về lĩnh vực này.
Điều này xuất phát từ mối quan tâm và đồng cảm với cuộc sống của những người phụ nữ ở nhiều tầng lớp trong xã hội, từ mối trăn trở về bình đẳng giới. Nhất là ở những nền văn hóa mà hệ tư tưởng Nho giáo – vốn nhấn mạnh vai trò mang tính gia trưởng của nam giới ăn sâu trong phương thức tư duy, lối sống của người dân như Việt Nam và Hàn Quốc thì phụ nữ vẫn gặp phải những hạn chế nhất định trong cuộc sống. Tôi mong muốn rằng qua những nghiên cứu của mình có thể góp phần cải thiện nhận thức về bình đẳng giới cũng như đề xuất những chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường sống tốt hơn cho phụ nữ.
PV: Gần 10 năm làm công tác biên dịch, nghiên cứu về gia đình, những kết quả – thành tựu mà chị tâm đắc nhất?
NTTV: Trong gần 10 năm qua, tôi đã dịch và giới thiệu 5 tác phẩm của Hàn Quốc sang tiếng Việt trong đó có 4 tác phẩm văn học, 3 tác phẩm văn xuôi, 1 tập thơ: Cô gà mái xổng chuồng (tác giả Hwang Sun-Mi, NXB Hội Nhà văn, 2013), Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi (tác giả Shin Kyung-Sook, NXB Hội Nhà văn, 2014), Bố con cá gai (tác giả Jo Chang-In, NXB. Hội Nhà văn 2017), Thác mặt trời (Thơ, tác giả Ko Hyung-Ryul, NXB. Hội nhà văn, 2019) và 1 sách nghiên cứu: Sự lý thú của Hàn Quốc học (tác giả Joo Young-Ha chủ biên, NXB Hội Nhà văn, 2017).
Một số sách dịch và viết của Tiến sĩ, dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân
Các tác phẩm kể trên đều nhận được phản hồi tích cực và giành được sự yêu mến của độc giả tại Việt Nam. Tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng vốn là truyện thiếu nhi nhưng đã chiếm được tình cảm của độc giả ở nhiều lứa tuổi, được nhiều câu lạc bộ đọc sách lựa chọn làm chủ đề thảo luận, đóng kịch cho các chương trình thường xuyên của câu lạc bộ. Cuốn sách cũng được Viện dịch thuật Văn học Hàn Quốc nhiều lần lựa chọn làm chủ đề cho Cuộc thi viết cảm nhận về văn học Hàn Quốc dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam trên toàn quốc được tổ chức thường niên.
Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi và Bố con cá gai cũng là hai tác phẩm nằm trong danh sách best seller, được tái bản nhiều lần. Những đoạn trích trong hai tác phẩm và cảm nhận sau khi đọc tác phẩm của bạn đọc cũng được cập nhật thường xuyên trên các diễn đàn về văn học Hàn Quốc của giới trẻ Việt Nam.
Thác mặt trời là tập thơ được giới phê bình văn học đánh giá cao, mang đến một luồng gió mới, giúp bạn đọc có thêm cơ hội tiếp cận với thơ hiện đại Hàn Quốc vốn chưa được dịch và xuất bản nhiều tại Việt Nam như văn xuôi.
Sự lý thú của Hàn Quốc học đã trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích được sử dụng trong một số môn học về văn hoá đất nước Hàn Quốc, đặc biệt là trong chương trình giảng dạy cao học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, được các sinh viên cũng như giảng viên giảng dạy, nghiên cứu về Hàn Quốc học tìm đọc.
Ngoài ra tôi đã viết hai cuốn sách chuyên khảo với tiêu đề Vị thế của người mẹ đơn thân trong xã hội hiện nay (Nghiên cứu so sánh Hàn Quốc và Việt Nam), Nxb. Khoa học Xã hội, 2016 và Social Status of Single Mothers in Contemporary Societies (Comparative study of South Korea and Vietnam), Social Sciences Publishing House, 2019. Đây là những nghiên cứu chuyên sâu nhằm cải thiện nhận thức xã hội và đề xuất những chính sách hỗ trợ cho những người mẹ đơn thân nuôi con, nhằm giúp họ có một môi trường sống tốt hơn.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã sáng tác một tập thơ với tiêu đề Ngân đôi được nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành năm 2020. Trong năm 2021, tôi dự kiến phát hành một tập thơ sáng tác bằng tiếng Hàn và xuất bản tại Hàn Quốc, ghi lại những cảm xúc và kỉ niệm khi tôi sinh sống và học tập tại Hàn Quốc. Qua tập thơ, tôi hy vọng rằng bạn đọc có thể cảm nhận được tình yêu của tôi đối với đất nước và con người Hàn Quốc. Và hơn hết, từ những hoạt động trên nhiều lĩnh vực sáng tác, dịch thuật của mình, tôi luôn mong muốn được góp một phần nhỏ bé vào việc làm cầu nối giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc.
PV: Xin cảm ơn chị!