Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Ngày 29/3/2021, Giám đốc ĐHQGHN đã ký ban hành Quyết định số 800/QĐ-ĐHQGHN về Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bản kế hoạch chiến lược này kế thừa và tiếp nối, tiếp tục phát huy các thành tựu, khắc phục các hạn chế của giai đoạn trước, đồng thời bám sát Nghị quyết của Trung ương về đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHQGHN VI nhằm xây dựng và phát triển ĐHQGHN phù hợp với vai trò, vị thế và tình hình cụ thể của mình trong bối cảnh phát triển của đất nước. Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu toàn văn Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

1. MỞ ĐẦU

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN – tên giao dịch bằng tiếng Anh: Vietnam National University, Hanoi; viết tắt là VNU) tiền thân là Viện Đại học Đông Dương được thành lập năm 1906. Năm 1945, trên cơ sở Đại học Đông Dương, Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập và đổi tên thành Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956. Năm 1993,  trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại ba trường đại học lớn ở Hà Nội (1), ĐHQGHN được thành lập với mục đích hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực và dần dần đạt trình độ quốc tế.

Trải qua các giai đoạn phát triển, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, hợp tác có hiệu quả của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu với trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, nhà giáo, nhà khoa học và học sinh, sinh viên; ĐHQGHN đã và đang khẳng định được uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; khẳng định vị thế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực với vai trò nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Trong giai đoạn 2015-2020, ĐHQGHN đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Chiến lược phát triển đến năm 2020; từng bước xác lập được vị trí số 1 Việt Nam và ghi danh vào nhóm các trường đại học hàng đầu Châu Á và thế giới. Năm 2020, ĐHQGHN được xếp hạng trong top 1.000 đại học hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của cả hai tổ chức uy tín là THE và QS, trong đó có một số ngành thuộc top 401-500 thế giới và tiếp cận nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á; chỉ số đổi mới sáng tạo và tác động xã hội của ĐHQGHN theo Bảng xếp hạng Scimago luôn đứng hàng đầu Việt Nam, nhiều năm đứng trong nhóm 500 thế giới. Những thành tựu của ĐHQGHN trong giai đoạn vừa qua đã góp phần giữ vững và ngày càng làm vẻ vang cho vị thế quốc gia trên khu vực và thế giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khẳng định chủ trương, tầm nhìn của Đảng, Nhà nước là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và đang phát huy hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà ĐHQGHN đạt được còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong tương quan với các trường đại học hàng đầu trong khu vực và thế giới, vị trí của ĐHQGHN với tư cách là đại học hàng đầu Việt Nam còn khiêm tốn và thách thức về khoảng cách ngày càng xa nếu không có một chiến lược để có thể nhảy vọt với sự chuyển hóa nhanh chóng về chất.  

Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu, chủ động tích cực ứng phó với các cơ hội và thách thức; tiếp tục thực hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt nền giáo dục đại học quốc gia; thực hiện trách nhiệm quốc gia và đóng góp cho ngành giáo dục đào tạo; khoa học công nghệ cũng như đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước. 

2. BỐI CẢNH

2.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực

Thế giới đang phát triển và biến đổi nhanh chóng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp mới, đồng thời cũng đang đứng trước những biến động phức tạp, khó lường. Những biến chuyển này dù tác động trực tiếp hay gián tiếp đều đều đang có ảnh hưởng sâu sắc đến hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục đại học.  Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển đang mở ra cơ hội cho nhiều đại học có thể phát triển vươn tầm mà không nhất thiết trải qua quy trình phát triển đã có hoặc tuân thủ theo các thông lệ truyền thống.

Dựa trên những thành tựu nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp mới, mô hình đại học thông minh đổi mới sáng tạo được xây dựng và phát triển dựa trên mô hình quản trị chia sẻ (shared governance) nhằm hình thành hệ sinh thái với 3 đặc trưng cốt lõi là: Số hóa, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, giáo dục đại học cũng đặt ra yêu cầu phải có sự điều chỉnh về phương thức đào tạo và cách thức quản lý đào tạo đáp ứng yêu cầu việc học diễn ra mọi nơi, mọi lúc; việc học mang tính cá thể hóa, phù hợp với từng cá nhân. Chuyển đổi số thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và nghiên cứu, trở thành mục tiêu và phương tiện trong quản lý và hoạt động của các trường đại học, nhất là các đại học công lập để phù hợp với bối cảnh và đối tượng học tập hiện nay.

2.2. Bối cảnh trong nước

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức rất lớn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Giáo dục và đào tạo có bước đổi mới, đóng góp tích cực vào xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực. Khoa học công nghệ được đẩy mạnh trong ứng dụng, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao; đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học và nhu cầu của thị trường lao động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Trước tình hình đó, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Đầu tư thích đáng cho giáo dục và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao…. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp trình độ tiến tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng quán triệt thực hiện nhất quán chủ trương khoa và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển và nâng cao sức cạnh trạnh của nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh: “tiếp tục chú trọng phát triển khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn… Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển con người Việt Nam”.

Đây là những căn cứ, tiền đề quan trọng để xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ngoài ra, tự chủ đại học tiếp tục là xu thế chính giáo dục đại học ở Việt Nam. Quyền tự chủ của các trường được thể hiện trong nhiều văn bản chính sách (2) đã có tác động lớn đến phát triển quy mô đào tạo, phát triển hoạt động KH&CN, thu hút nhân lực KH&CN chất lượng cao và hơn hết là cách thức quản trị trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

3. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN 

3.1. Phát triển ĐHQGHN thống nhất trong đa dạng (One VNU), phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; thực hiện vai trò tiên phong và nòng cột trong đổi mới giáo dục đại học Việt Nam.

3.2. Xây dựng đại học nghiên cứu tiên tiến, vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực, phát triển đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

3.3. Phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực, phát huy tinh thần cộng đồng và uy tín của ĐHQGHN; đảm bảo cơ hội phát triển cho tất cả các đơn vị đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và sáng tạo của các đơn vị; đẩy mạnh liên thông, liên kết, hợp tác toàn diện giữa các đơn vị trong ĐHQGHN với các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương và các đối tác nước ngoài để tạo các giá trị gia tăng và các sản phẩm độc đáo.

3.4. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển theo chiều rộng và vun cao; Ưu tiên đầu tư trọng tâm, tạo bước đột phá để tăng quy mô các chương trình đào tạo tài năng, CLC, SĐH và các ngành mới có tính liên ngành cao, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực bậc cao của đất nước.

>>> Tải về Infographic Quan điểm phát triển ĐHQGHN

4. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI

4.1. Sứ mạng

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước; làm nòng cột và đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam

4.2. Tầm nhìn năm 2045

Trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á và thế giới.

4.3. Giá trị cốt lõi

Đổi mới sáng tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững

4.4. Khẩu hiệu hành động

Đạt đỉnh cao dựa vào tri thức (Excellence through Knowledge)

>>> Tải về infographic Sứ mạng, Tầm nhìn và Giá trị cốt lõi của ĐHQGHN

5. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

>>> Tải về Infographic Mục tiêu chiến lược

5.1. Mục tiêu chung

Trở thành đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đến năm 2025, ĐHQGHN thuộc nhóm 100 đại học hàng đầu châu Á hoặc nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới; đến năm 2030 thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới.

5.2. Mục tiêu cụ thể

5.2.1. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước

>>> Tải về Infographic

– Quy mô các bậc đào tạo hợp lý, phù hợp với lộ trình phát triển và tiêu chí đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; đặc biệt là các tiêu chí về tỷ lệ quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

– Tiên phong trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực tài năng, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế;  ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực đất nước có nhu cầu trong khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại có mức độ sẵn sàng cao.

– Đổi mới căn bản phương pháp giảng dạy, theo hướng hiện đại, tích hợp, “cá thể hóa” trên nền tảng công nghệ thông tin, lấy người học làm trung tâm, gắn lý thuyết với thực hành, thực nghiệm. 

– Thiết lập được cơ chế liên thông và trao đổi tín chỉ với các trường đại học lớn trong khu vực và trên thế giới. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bất cứ nơi nào trong nước và quốc tế.

5.2.2. Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo lập và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ để chuyển giao tri thức và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

>>> Tải về Infographic

– Triển khai các nghiên cứu thể hiện trách nhiệm quốc gia của ĐHQGHN, tham gia giải quyết được những vấn đề trọng yếu trước mắt và lâu dài ở hầu hết các lĩnh vực, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

– Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của ĐHQGHN đạt tiêu chí của đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thiết lập được hệ sinh thái nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, tổ chức.

– Khoa học xã hội và nhân văn và khoa học quản lý giáo dục tập trung nghiên cứu, luận giải những vấn đề hệ trọng của đất nước mà Đảng và Nhà nước đang đặt ra;

– Phát triển một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển bền vững.

5.2.3. Nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của ĐHQGHN và thu hút các nguồn lực cho phát triển 

>>> Tải về Infographic

– Thiết lập mô hình tổ chức và quản trị đại học thông minh đáp ứng hội nhập quốc tế và xếp hạng đại học. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong mọi hoạt động của ĐHQGHN; vận hành thống nhất và đồng bộ hệ thống dữ liệu số – thông tin số – tri thức số dùng chung, liên thông phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản trị, chỉ đạo, điều hành và đổi mới hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học;

– Phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, cán bộ khoa học trình độ cao phù hợp với tiêu chí đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Thu hút được các học giả trong nước và quốc tế có trình độ cao đến giảng dạy và nghiên cứu dài hạn tại ĐHQGHN theo các cơ chế tài chính đặc thù, các chương trình, dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế gắn với nguồn lực thực hiện và cam kết sản phẩm đầu ra;

– Thiết lập được cơ chế gắn kết bền chặt với các đối tác khoa học, đối tác đào tạo, các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế; Tăng cường kết nối với hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế, phát triển các nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu phối hợp với nước ngoài, gia tăng tiềm lực khoa học và công nghệ của ĐHQGHN;

6. CÁC CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRỌNG TÂM

6.1Chương trình ĐHQGHN với trách nhiệm quốc gia – Tải về Infographic

>>> Chương trình ĐHQGHN với trách nhiệm quốc gia

6.1.1. Mục tiêu

ĐHQHN là đối tác tư vấn nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của Hệ thống chính trị Việt Nam; dẫn dắt các xu hướng nghiên cứu dựa trên việc nghiên cứu đón đầu và triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm.

6.1.2. Các chiến lược thực thi (CLTT)

– CLTT 1.1: Thiết lập các mô hình hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới; chủ trì thực hiện các chương trình lớn về KH&CN và đổi mới sáng tạo quốc gia.

– CLTT 1.2: Thực hiện các nghiên cứu và các chương trình giáo dục cấp quốc gia về văn hóa, xã hội, kinh tế, dân sinh.

– CLTT 1.3: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên việc phát triển nền tảng sở hữu trí tuệ thông qua chủ trì các chương trình quốc gia, nghiên cứu, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ.

– CLTT 1.4: Tiên phong dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới và chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục trên cơ sở cung cấp các dịch vụ, chứng chỉ nền tảng, quản lý chất lượng và tham gia chương trình chuyển đổi số giáo dục quốc gia, chú trọng e-learning và blended learning.

– CTTT 1.5: Triển khai nghiên cứu các xu hướng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như sự phát triển kinh tế xã hội tương lai để tham gia hoạch định và chủ trì các chương trình quốc gia về KH&CN.

6.2. Chương trình Vì từng người học ĐHQGHN

>>> Tải về Infographic Chương trình Vì từng người học ĐHQGHN

6.2.1. Mục tiêu

ĐHQGHN trở thành nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, tài năng với triết lý đào tạo “cá thể hóa “ hướng tới từng người học.

6.2.1. Các chiến lược thực thi

– CLTT 2.1: Phát triển các chương trình đào tạo; đổi mới phương thức đào tạo theo hướng cá thể hóa.

– CTTT 2.2: Đảm bảo các nguồn lực phục vụ đào tạo cá thể hóa.

– CLTT 2.3:  Phát triển môi trường và không gian học tập và giảng dạy cho người học, giảng viên và nghiên cứu viên.

6.3. Chương trình Tự hào ĐHQGHN

>>> Tải về Infographic Tự hào ĐHQGHN

6.3.1. Mục tiêu

Phát triển danh tiếng của ĐHQGHN, nâng tầm vị thế tạo ảnh hưởng về tri thức tới sự phát triển của xã hội, xây dựng cộng đồng gắn kết trong và ngoài ĐHQGHN.

6.3.2. Các chiến lược thực thi

– CLTT 3.1: Phát triển danh tiếng của ĐHQGHN, của các chương trình ĐHQGHN và của con người ĐHQGHN như một môi trường giáo dục đại học mẫu mực.

– CLTT 3.2: Gắn kết danh tiếng ĐHQGHN với các chương trình mang tính ảnh hưởng xã hội cao như các đề án chiến lược, đề án xã hội số, hạ tầng số, tri thức số của quốc gia.

– CLTT 3.3: Tận dụng môi trường số và khuôn viên Hòa Lạc đẩy mạnh các hoạt động kết nối hiệp đồng giữa các đơn vị trực thuộc/thành viên và giữa các cá nhân thành viên của ĐHQGHN xây dựng các cộng đồng gắn kết với ĐHQGHN.

– CLTT 3.4: Triển khai chương trình thu hút và nuôi dưỡng nhân tài ĐHQGHN; Bồi dưỡng đào tạo tài năng trẻ và các nhà nghiên cứu trẻ dựa trên chế độ đãi ngộ xứng đáng.

6.4. Chương trình Khu đô thị đại học thông minh

>>> Tải về Infographic Chương trình Khu đô thị đại học thông minh

6.4.1. Mục tiêu

Xây dựng khuôn viên Hòa Lạc trở thành một khuôn viên đại học thông minh, hiện đại, tích hợp cung cấp các hạ tầng dùng chung cho các đơn vị trực thuộc/thành viên và người học.

6.4.2. Các chiến lược thực thi

– CLTT 4.1: Cải cách quản trị theo hướng quản trị hiệu năng (KPIs) dựa trên dữ liệu hướng tới các bảng xếp hạng quốc tế.

– CLTT 4.2: Áp dụng tính toán hiệu quả/chi phí trong quản trị tài chính và quản trị tài chính theo kết quả đầu ra.

– CLTT 4.3: Chuyển đổi số ĐHQGHN hướng tới OneVNU song song với thúc đẩy cải cách hành chính bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, đồng thời nâng cao năng lực quản trị chất lượng, quản trị rủi ro.

– CLTT 4.4: Triển khai các chương trình liên ngành, xuyên ngành dựa trên sự phối hợp của các đơn vị trong ĐHQGHN tạo ra những giá trị gia tăng mới trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

7. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

7.1. Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để ĐHQGHN thực hiện thành công Chiến 2. lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

3. Báo cáo và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ban, ngành hữu quan quan tâm, hỗ trợ và đặt hàng nhiệm vụ để ĐHQGHN thực hiện thành công Chiến lược đề ra.

4. Chỉ đạo tổ chức xây dựng Kế hoạch phát triển 5 năm và từng năm để xác định các chỉ tiêu cụ thể phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược.

5. Chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển của đơn vị phù hợp với định hướng và các nội dung của Chiến lược phát triển ĐHQGHN.

7.2. Các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc

1. Phổ biến sâu rộng các nội dung của Chiến lược đến tất cả các bộ phận trong đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh; đồng thời, giới thiệu rộng rãi Chiến lược đến các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan.

2. Xây dựng Chiến lược phát triển và các kế hoạch tương ứng của đơn vị phù hợp với Chiến lược phát triển và các kế hoạch của ĐHQGHN, trình Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.

3. Chủ động huy động và phát triển các nguồn lực để tổ chức thực hiện kế hoạch nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt.

4. Hằng năm, báo cáo ĐHQGHN thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch và kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn của đơn vị.

8. Hệ thống chỉ tiêu thực hiện Chiến lược phát triển ĐHQGHN

8.1. Chỉ tiêu về Đào tạo – Tải về Infographic

8.2. Chỉ tiêu về Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo – Tải về Infographic

8.3. Chỉ tiêu về Năng lực số hóa – Tải về Infographic

8.4. Chỉ tiêu về Mức độ quốc tế hóa – Tải về Infographic

__________ 

[1] Gồm: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

[2] Một số chính sách như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập.

Nguồn