Một số hoạt động nổi bật của công tác NCKH – Chuyển giao tri thức trong 5 năm (2015-2020)
1. Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp
Từ năm 2015 đến năm 2019, số lượng cũng như chất lượng và giá trị thực tiễn của các đề tài nghiên cứu khoa học từng bước được nâng cao. Từ năm 2015 đến năm 2019 đã có 7 đề tài cấp ÐHQGHN và 58 đề tài cấp cơ sở được xét duyệt và thực hiện. Kết quả nghiên cứu của các đề tài không chỉ có đóng góp về mặt lý luận mà còn được ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật.
Ðặc biệt, đề tài Tây Bắc với bộ 35 sản phẩm (bao gồm 14 chương trình và 21 tài liệu) dành cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Du lịch, Ngoại vụ và Biên phòng vùng Tây Bắc để thực thi công vụ trong xu thế hội nhập quốc tế do Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN chủ trì đã được nghiệm thu thành công cấp Nhà nước với kết quả xuất sắc.
2. Biên soạn sách và công bố quốc tế
Từ năm 2015 đến năm 2019 các kết quả nghiên cứu còn được thể hiện qua các công bố như bài báo đăng tạp chí khoa học, sách chuyên khảo, báo cáo tại hội thảo khoa học, vv. Số lượng sách chuyên khảo công bố hàng năm từ 2 – 4 đầu sách. Từ năm 2015 đến năm 2019 đã có 16 cuốn sách chuyên khảo được xuất bản, bao gồm sách chuyên khảo được viết bằng tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc).
3. Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài
Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài trực thuộc Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN được chính thức quyết định thành lập vào 10/1/2017. Ðến nay, tạp chí đã đảm bảo đều đặn 6
số/năm, trong đó có các số tiếng Anh và số tiếng Việt. Các bài viết được thực hiện và tham gia đóng góp bởi các nhà nghiên cứu, cán bộ trong và ngoài trường và được các
phản biện đánh giá cao về nội dung, phương pháp nghiên cứu và có đóng góp mới cho các ngành ngôn ngữ học, giảng dạy và học tập ngoại ngữ cũng như quốc tế học. Qua đó thể hiện lên sứ mệnh, định hướng của Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN và tôn chỉ, mục đích của tạp chí.
4. Hội thảo – Hội nghị
Trong giai đoạn 2015-2019, Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN đã tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học – công nghệ, trong đó chiếm một phần không nhỏ là các hội thảo, hội nghị quốc tế, quốc gia và đã thu hút được nhiều nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế đến tham dự. Qua các hội thảo, hội nghị đó uy tín của Trường ngày càng được nâng cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.
Từ năm 2016, hội nghị khoa học thường niên cấp trường được nâng cấp thành hội thảo khoa học cấp quốc gia. Hàng năm hội thảo thu hút hơn 500 đại biểu đến từ khắp cả nước. Các bài viết gửi tham dự hội thảo được thẩm định, biên tập và chọn lọc để công bố trong kỷ yếu hội thảo hàng năm có mã số ISBN của Nhà xuất bản Ðại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2017 hội thảo GRS lần đầu tiên được tổ chức, tạo sân chơi khoa học giá trị dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ và ngoại ngữ toàn quốc. Năm 2018, quy mô hội thảo được mở rộng và nâng cấp lền tầm quốc tế, thu hút được nhiều học viên trong và ngoài nước. 5 năm vừa qua đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ về hợp tác khoa học quốc tế, điển hình là hợp tác giữa ULIS và Quỹ One Asia Foundation trong việc tổ chức thành công Hội thảo quốc tế One Asia Hanoi 2018; và Hiệp hội Khảo thí Ngôn ngữ Châu Á trong việc tổ chức Hội thảo quốc tế AALA 2019. Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Ðề án Ngoại ngữ Quốc gia và các nguồn tài trợ của nhiều tổ chức quốc tế khác, Nhà trường đã tổ chức được 17 hội thảo quốc tế và 11 hội thảo quốc gia ngành tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Ðức, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v… Ðặc biệt, tháng 12/2019 lần đầu tiên Hội thảo quốc gia Ngành tiếng Ả – rập được tổ chức, thu hút sự quan tâm của gần 60 chuyên gia và học giả quốc tế đến tham dự. Qua đó, uy tín cho Nhà trường từng bước được
nâng cao.
5. Nghiên cứu khoa học sinh viên
Sinh viên Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN ngày càng có ý thức cao về tinh thần chuyên tâm nghiên cứu khoa học với hàng trăm sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học hàng năm. Trong đó có nhiều nhóm nghiên cứu sinh viên tiêu biểu đạt giải cao nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Ðại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm học 2016 – 2017, Nhà trường tổ chức phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên với việc tổ chức ngày Hội sinh viên Sáng tạo – Nghiên cứu – Khởi nghiệp (gọi tắt là FIRE). Ngày hội FIRE được tổ chức thể hiện mong muốn đào tạo nên những thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo, trung thực, tinh thần trách nhiệm, khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa. Ngày hội là cơ hội để các em phát huy tiềm năng của mình; là sân chơi trí tuệ, nơi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu; là dịp thể hiện năng lực sáng tạo “dám nghĩ dám làm” của sinh viên được học tập trong môi trường học thuật chất lượng cao ULIS. Từ năm 2017 đến nay, ngày hội FIRE luôn thu hút hơn 3000 sinh viên tham dự mỗi năm.
6. Nâng mức đầu tư khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học
Hiệu trưởng Trường Ðại học Ngoại ngữ – Ðại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định ban hành 2 văn bản liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ. Ðây là những văn bản mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên trong thời gian tới.
– Quy định về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức của giảng viên tại Trường ÐHNN – ÐHQGHN theo Quyết định số 2868 ngày 28/10/2019.
– Kế hoạch tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học – công nghệ tại Trường ÐHNN – ÐHQGHN theo Quyết định số 2555 ngày 28/10/2019.
7. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ tại địa phương
Ba ngôi sao trong logo của Trường tượng trưng cho 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Giai đoạn 2015 -2019 đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng của Nhà trường trong việc đẩy mạnh các công tác phục vụ cộng đồng. Nổi bật lên là việc thực hiện Ðề án địa phương, trong đó Nhà trường đã phối hợp với các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, quận Cầu Giấy và huyện Ba Vì – Hà Nội để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các địa phương nói trên, đặc biệt là môn tiếng Anh.
Ðề án địa phương đã mang đến những kết quả hết sức tích cực cho các địa phương, trong đó phải kể đến phổ điểm TB môn tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 của tỉnh Lạng Sơn đã có sự gia tăng đáng kể. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa đến các địa phương nói trên và đẩy mạnh thêm các hoạt động ở các địa phương khác trên phạm vi cả nước.
8. Thực hiện 28 khóa học trực tuyến thuộc Ðề án Ngoại ngữ Quốc gia
Trong giai đoạn 2015 – 2020, Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN đã phối hợp với Ðề án Ngoại ngữ Quốc gia trong việc xây dựng, phát triển và đưa vào ứng dụng 28 khóa học trực tuyến để bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh phổ thông về phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm.
Các khóa học được biên tập chi tiết về nội dung trên một nền tảng hiện đại, khoa học và thân thiện. Học viên tham gia được hướng dẫn bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm và kiến thức của Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQHGN thông qua các video bài giảng và hệ thống các tài liệu, tư liệu tham khảo phong phú.
Các khóa học này hiện đã và đang được sử dụng bởi các giáo viên tại các trường phổ thông và nhận được đánh giá cao và tính ứng dụng, hệ thống kiến thức, phong cách trình bày logic, sự phù hợp,… Các khóa học này đã đóng góp lớn vào sự thành công của Ðề án Ngoại ngữ Quốc gia và được kỳ vọng sẽ thu được nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa trên chặng đường phí trước.
9. Biên soán sách giáo khoa ngoại ngữ các cấp học
Các bộ sách giao khoa tiêu biểu cần phải kể tới là bộ sách giáo khoa tiếng Anh cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông mới do PGS. TS Hoàng Văn Vân là tổng chủ biên; bộ sách giáo khoa tiếng Nhật gồm 32 cuốn được xuất bản nhằm phục vụ giáo dục phổ thông do PGS.TS Ngô Minh Thủy là chủ biên và đồng tác giả cùng với nhóm giảng viên Nhà trường thực hiện. Những bộ sách giáo khoa này đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục ngoại ngữ nói riêng của cá nước, từ đó uy tín của Nhà trường cùng ngày càng được nâng cao. Trường Ðại học Ngoại ngữ – ÐHQGHN sở hữu một đội ngũ giảng viên là các giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ hàng đầu cả nước về đào tạo ngoại ngữ và sư phạm ngoại ngữ. Ðội ngũ các học giả này luôn là đầu tàu và được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tin tưởng giao nhiệm biên soạn sách giáo khoa ngoại ngữ cho các cấp học.
Ðáp lại sự tin tưởng đó, các học giả của Nhà trường với cương vị là tổng chủ biên hoặc chủ biên đã cho ra đời các bộ sách giáo khoa mới có chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh và đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thời kì mới.