Khoa NN&VH Đức – Hơn 25 năm trưởng thành và phát triển – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Khoa NN&VH Đức – Hơn 25 năm trưởng thành và phát triển

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức (Faculty of German Language and Culture) của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo tiếng Đức uy tín ở Việt Nam.

  1. Giới thiệu chung

Khoa NN&VH Đức đã trải qua hơn 25 năm (từ tháng 10/1992) trưởng thành và phát triển. Qua những ngày đầu còn nhiều khó khăn, ngày nay Khoa đã có một đội ngũ giảng viên tương đối ổn định, có chuyên môn cao. Chất lượng đào tạo của Khoa đã được thể hiện qua nhiều thế hệ cựu sinh viên hiện đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nhiều cơ sở giáo dục đào tạo ở Việt Nam, trong lĩnh vực ngoại giao, doanh nghiệp, v.v.

Tập thể giảng viên Khoa NN&VH Đức

Chính thức có tên Khoa NN&VH Đức vào ngày 29/06/2016, hiện nay Khoa có tổng số 24 cán bộ, trong đó có 2 chuyên gia Đức. Trực thuộc Khoa là 4 bộ môn: Bộ môn Tiếng Đức 1, Bộ môn Tiếng Đức 2, Bộ môn Văn hóa & Ngôn ngữ học Đức và Bộ môn Dịch & Phương pháp giảng dạy tiếng Đức.

Từ nhiều năm nay, Khoa NN&VH Đức đặc biệt chú ý đến hoạt động hợp tác để nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Khoa có mối quan hệ tốt với nhiều trường đại học trong và ngoài nước như Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Leipzig, Trường ĐH Greifswald v.v.; với nhiều tổ chức của các quốc gia nói tiếng Đức ở Việt Nam như Tổ chức hỗ trợ đại học của Đức (WUS), Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Cơ quan Trao đổi Sư phạm Đức (PAD) v.v. Qua đó, Khoa đã tiếp nhận tài trợ để tổ chức các hội thảo khoa học, các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, thực hiện trao đổi sinh viên, giảng viên, v.v.

Có thể nói, Khoa NN & VH Đức đã và đang có nhiều hoạt động tích cực để mở rộng hợp tác trong và ngoài nước nhằm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ cho xã hội trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Đức và văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức.

Trở thành sinh viên của Khoa NN&VH Đức là niềm tự hào của rất nhiều sinh viên, cựu sinh viên.

  1. Lời ngỏ từ Trưởng khoa

Khoa NN&VH Đức có những ưu điểm gì? Câu hỏi này rất dễ trả lời.

Đến với chúng tôi tức là các em đến với Trường Đại học Ngoại ngữ, một trong những cơ sở đào tạo cử nhân tiếng Đức uy tín trong cả nước. Các em đã trao cho chúng tôi cơ hội cùng đồng hành, để chúng ta “CÙNG NHAU KIẾN TẠO CƠ HỘI” đúng như thông điệp trên logo của Nhà trường.

Đến với chúng tôi tức là các em đến với nước Đức, đến với một đất nước của sáng tạo, đến với xứ sở của những ý tưởng tuyệt vời – Country of Ideas! Das Land der Ideen!

Đến với Khoa NN&VH Đức tức là các em sẽ có cơ hội tìm hiểu ngôn ngữ Đức – ngôn ngữ của những câu truyện cổ Grimm huyền bí, ngôn ngữ có thể giúp các em mở ra cánh cổng đến với Châu Âu và thế giới.

Đến với “Ngôi nhà Đức” của chúng tôi, các em không chỉ được học tiếng Đức, mà còn được làm quen với nền văn hóa đậm tính cách Đức, tinh thần Đức, làm quen với nền văn hóa Áo, Thụy Sĩ – văn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức trải dài theo dãy Alpen mộng mơ và hùng vĩ.

Đến với chúng tôi tức là các em đến với vòng tay của những giảng viên yêu đời và yêu nghề, đến với những con người chính trực, có tinh thần sáng tạo và hết lòng vì sinh viên, những người sẽ giúp các em hình thành nên tinh thần vượt khó để vươn lên bởi vì việc học với mục đích để làm người và làm nghề chưa bao giờ là việc dễ dàng cả.

Đến với chúng tôi các em sẽ được làm quen với những giảng viên, thực tập sinh đến từ Đức, Áo – những người cũng sẽ cháy hết mình để khơi dậy cho các em tình yêu đối với tiếng Đứcvăn hóa của các quốc gia nói tiếng Đức.”

  1. Các ngành đào tạo

3.1. Ngôn ngữ Đức

– Tiếng Đức Phiên dịch

– Tiếng Đức Du lịch

– Tiếng Đức Kinh tế

3.2.Sư phạm tiếng Đức

  1. Triển vọng nghề nghiệp

Sau khi ra trường, các em có thể tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp trên các lĩnh vực:

Giảng dạy tiếng Đức;

Biên, phiên dịch tiếng Đức/ biên tập các văn bản tiếng Đức;

Tham gia các tổ chức phi chính phủ về văn hóa, giáo dục;

Làm việc tại các công ty du lịch, văn phòng đại diện, trung tâm xúc tiến thương mại, công ty Đức tại Việt Nam;

Nghiên cứu ngôn ngữ Đức, nghiên cứu văn hóa, lịch sử nước của Đức và của các quốc gia nói tiếng Đức;

Nghiên cứu về những vấn đề khu vực học, quốc tế học dựa trên những kiến thức thông tuệ về ngôn ngữ và văn hóa Đức.

  1. “Tâm thư”

5.1. Cựu sinh viên

  Nguyễn Dương Duy (Học viên cao học Ngôn ngữ Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

“Học một ngôn ngữ là học cả một nền văn hóa. Sau bốn năm trên ghế giảng đường, bên cạnh kiến thức, thì tính cách Đức là điều ít nhiều đã thâm nhập vào mỗi cô, cậu sinh viên như tôi. Đúng giờ và khoa học – hai đức tính quý báu của người Đức đã được các thầy, các cô truyền tới các thế hệ học trò của mình thông qua từng buổi lên lớp. Sinh viên bước đầu được tiếp xúc với phong cách làm việc chuyên nghiệp, đề cao tính hiệu quả, chủ động, sáng tạo dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Bên cạnh đó sự tận tụy với công việc, tận tình với học trò đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc học tiếng Đức, một ngôn ngữ của rất nhiều các luật lệ và quy tắc.”

 

   Lê Hồng Vân (Giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức)

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở Khoa chính là “chất Đức”! Các thầy, cô luôn làm việc hết mình và chuyên nghiệp. Phương pháp kiểm tra, đánh giá, xét tuyển học bổng rất minh bạch và công bằng.“Chất Đức” đó đã thấm dần vào nhiều sinh viên như tôi trong suốt 4 năm học đại học – chúng tôi không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn tiếp thu cách sống, cách học và làm việc khoa học. Chính vì vậy, tôi vẫn tiếp tục chọn Khoa NN&VH Đức làm người dẫn dắt mình trong 2 năm tiếp theo của chương trình đào tạo Thạc sĩ.”

 

  Nguyễn Thị Thiên Trang (Học viên cao học Ngôn ngữ Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nếu phải dùng một từ để nói về bốn năm đại học của mình, tôi nghĩ đó sẽ là “đáng nhớ”. Ngôi trường ULIS hay Khoa NN&VH Đức đều chỉ là lựa chọn thứ hai của tôi, nhưng thực sự tôi đã có những tháng ngày đáng nhớ ở ngôi trường này. Đến với tiếng Đức, là một ngôn ngữ hoàn toàn mới, nhưng nhờ có sự giảng dạy tận tình của các thầy cô giáo, mà tiếng Đức giờ đã trở thành người bạn gắn bó không thể thiếu với tôi. Các thầy cô không chỉ giảng dạy kiến thức sách vở, mà còn dạy chúng tôi rất nhiều kiến thức xã hội, các kĩ năng cần thiết cho cuộc sống. Tôi vẫn thường nghĩ, học Đại học sẽ khác lắm, chắc chơi nhiều hơn học, nhưng mà đến với khoa mình, tôi mới hiểu, thế nào là học thật sự, học nghiêm túc. Cũng nhờ có sự giúp đỡ, tư vấn nhiệt tình của các thầy cô, tôi đã có cơ hội được tham gia các chương trình giao lưu văn hóa ở nước ngoài. Được trải nghiệm, được giao lưu với những người bạn mới, đó sẽ là những kỉ niệm tuyệt vời và không thể quên trong năm tháng sinh viên của tôi.

Gần một năm, sau ngày ra trường, những cảm xúc của tôi dường như vẫn trọn vẹn, như giây phút được cầm trên tay tấm Bằng tốt nghiệp. Cảm ơn các bạn học, các thầy cô, Khoa Ngôn Ngữ và Văn hóa Đức đã cho tôi một đời sinh viên không thể quên. “Eine gute Bildung ist das Ticket in das Erwerbsleben.”

 

  Đào Hương Thủy (Giáo viên tiếng Đức, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ)

“Khoa NN&VH Đức là lựa chọn lý tưởng và may mắn của mình với Môi trường Khoa học, Sáng tạo và Năng động. Học tập tại Khoa Đức, mình đã có cơ hội được giao lưu, trao đổi và tiếp tục đào tạo tại nhiều trường đối tác ở các nước nói Tiếng Đức như Đức, Áo, Thuỵ Sỹ. Quan trọng hơn, kiến thức học được tại Khoa Đức đã giúp mình có được nhiều cơ hội nghề nghiệp tại các tổ chức trong và ngoài nước sau khi tốt nghiệp.”

 

5.2. Cựu giảng viên

   

Nguyễn Thu Huyền (Đại sứ quán Đức Hà Nội)

“Sau nhiều năm gắn bó với tiếng Đức, khi ngẫm lại tôi vẫn luôn thấy mình vô cùng may mắn khi đã lựa chọn nó. Tuy nhiên, một lựa chọn đúng đắn vẫn chưa đủ nếu tôi không có những người Thầy, người Cô có trình độ, có tâm và phong cách làm việc rất “Đức“, đã truyền đạt kiến thức cũng như cho tôi những lời động viên, những lời khuyên trong định hướng nghề nghiệp. Không những thế, các thầy cô còn luôn tìm hiểu, quan tâm giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hay cần có những điều chỉnh về lối sống.

Trong suốt thời gian công tác tại Khoa, tôi luôn cảm thấy thực sự hài lòng khi được làm việc với tập thể các thầy cô, các anh chị đồng nghiệp – những con người cởi mở, thân thiện, luôn làm việc trên tinh thần hợp tác, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Một điều mà tôi luôn thấy ấn tượng nữa là các thầy cô luôn nghĩ cho sinh viên, chẳng hạn như mỗi khi áp dụng một chương trình hay quy định mới, các thầy cô thường đưa ra những câu hỏi đầu tiên như „Điều này sẽ ảnh hưởng đến sinh viên của mình như thế nào? Liệu có gây bất lợi hay không và nên làm thế nào để tốt nhất cho các em?”

 

  Nguyễn Minh Phương (Định cư và làm việc tại Úc)

Một trong những niềm tự hào của tôi đó là được làm việc tại Khoa NN&VH Đức – một môi trường chuyên nghiệp – nơi có những người đồng nghiệp với trình độ chuyên môn cao, cần mẫn, trách nhiệm, luôn đặt mục tiêu vì sinh viên lên trên hết; và sau giờ làm việc chúng tôi có thể trở thành những nguời bạn chia sẻ vui buồn với nhau. Đặc biệt, tôi có cơ hội truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho bao thế hệ sinh viên, những gương mặt trẻ trung, năng động, đầy nhiệt huyết;… và rất nhiều trong số đó đã bước tiếp con đường mà tôi dang dở – trở thành giáo viên dậy tiếng Đức.”

 

   Phạm Thị Thu An (Định cư và làm việc tại Úc)

“Bỡ ngỡ nhưng háo hức, tôi bước chân vào giảng đường đại học, tôi là sinh viên tiếng Đức. Èo, tiếng Đức? Bạn bè, thày cô cấp 3 ai cũng lo lắng phân vân hỏi. Ý họ là sao, tôi biết chứ, ngay cả bố mẹ tôi còn nhấp nhổm đứng ngồi cơ mà: Ui trời học tiếng Anh còn dễ xin việc, bố mẹ đều là giáo viên cả, tiếng Đức rồi biết làm sao???

Rồi tôi cũng biết phải làm sao. Ấy là những gương mặt thầy cô mới mẻ nhưng lại gần gũi thân quen, không màu mè xa lạ, rất ‘chát’ (ý là nghiêm đấy) nhưng lại ân cần như cha mẹ mình.

Thế là tôi bắt đầu yêu, yêu cái thứ ngôn ngữ ‘khô khan’ mà chân chất, những con người ‘khó tính’ mà nồng nàn, nơi mở ra cả một chân trời văn hoá Đức, Áo, Thuỵ Sỹ với những người bạn mà cho đến giờ sống trên nước Úc họ vẫn luôn đồng hành cùng tôi cả khi vui lẫn lúc

buồn. Yêu tới mức tôi trở thành một trong những người ‘khô khan, khó tính’ ấy, từng ngày dìu dắt các trò yêu qua những chặng đường tôi đã đi qua dưới mái nhà thân thương ấy. Cho đến tận bây giờ, đã không là giảng viên tiếng Đức tròn 10 năm, trò vẫn gửi lời chúc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam tới một cô giáo Úc, thi thoảng những ký ức xưa trong Gia đình tiếng Đức lại ùa về trong mơ, nhớ lắm lắm ‘Nơi tình yêu tôi bắt đầu’ và có lẽ chưa bao giờ kết thúc.”

  1. Một số hình ảnh nổi bật

Giảng viên Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Đức tham gia chương trình “Chào tân sinh viên”

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức tích cực, chủ động trong nghiên cứu khoa học

Sắc màu khoa học

Tham quan Bảo tàng dân tộc học cùng các bạn sinh viên nước ngoài

Hoạt động của CLB Tiếng Đức (Deutsch Klub Ulis)

Workshop “Làm thế nào để có được bài thuyết trình thành công” cùng Chuyên gia của Quỹ BOSCH, Seunghwan Jung.

Cuộc thi “Tìm hiểu nước Áo” (Entdeckungsreise durch Österreich)

Thành công nhé, K47!

Sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức tài năng và duyên dáng

Thầy cô và sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức

Lễ khai giảng Chương trình liên kết đào tạo quốc tế giữa Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và Trường Đại học Leipzig – Cơ hội cho sinh viên Việt Nam và đặc biệt cho sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức.

Gia đình Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức

  1. Thông tin liên hệ

Khoa NN&VH Đức – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 2 nhà A3, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 02437549558

Email: vpkptay@gmail.com/vpkptay1@gmail.com

Loader Loading...
EAD Logo Taking too long?

Reload Reload document
| Open Open in new tab

Tải xuống