Khai giảng khoá học “Bồi dưỡng kiến thức về quản trị đại học” khóa I/2023
Nhằm phát triển năng lực Quản trị đại học cho cán bộ quản lý trước yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay, ngày 11/9/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Lễ khai giảng khoá học “Bồi dưỡng kiến thức về quản trị đại học” khóa I/2023.
Khóa học dành cho các Trưởng, Phó các phòng chức năng, các trung tâm trực thuộc Trường, Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ, Khoa Sau Đại học và chuyên viên đại diện cho đội ngũ cán bộ phục vụ đào tạo của các phòng ban.
Tham dự có Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh; Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long; Chủ tịch HĐTV HT&PT Nguyễn Lân Trung; Ban Tổ chức và các thành viên tham gia khóa học.
Tại buổi lễ, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long cho biết: Trong năm học vừa qua, tập thể lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã rất quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn về công tác quản trị đại học cho cán bộ. Trên cơ sở đó, Nhà trường đã tìm hiểu và nghiên cứu để lựa chọn ra nội dung, phương thức bồi dưỡng cho khóa đào tạo lần này với cách thức tiếp cận mới mẻ, hiệu quả hơn. Hiệu trưởng mong muốn các thầy cô có thể vận dụng tích cực những kiến thức, kỹ năng có được từ khóa học vào thực tiễn công tác của mình, dù ở cương vị quản lý hay chuyên viên.
Cũng phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh cho biết khóa bồi dưỡng được xây dựng dựa trên tính thực tiễn với các báo cáo viên là những thầy cô ULIS có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Do đó, chương trình chắc chắn sẽ cung cấp được những nội dung sâu sát và cần thiết cho công việc của các thầy cô tham gia.
Tại buổi bồi dưỡng đầu tiên, TS. Lê Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Trung tâm ĐBCL đã giới thiệu Bộ tiêu chuẩn “Guide AUN-QA Assessment at Institutional Level” Version 3.0 (2023) được ban hành ngày 12/7/2023, bao gồm 15 tiêu chuẩn và 60 tiêu chí theo 3 lĩnh vực: Chiến lược – Hệ thống – Kết quả. Bộ tiêu chuẩn đảm bảo được chất lượng và đối sánh mốc chuẩn trong nước (quốc tế) và đạt được sự hài lòng của các bên liên quan thông qua kế hoạch chính sách, quản lý, nguồn nhân lực, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng,… Báo cáo viên cũng cho rằng bộ tiêu chuẩn này sẽ giúp quốc tế hoá CTĐT của cơ sở giáo dục, thúc đẩy sự dịch chuyển cán bộ, giảng viên giữa các quốc gia trên thế giới. Hình thức báo cáo với những câu hỏi trắc nghiệm giúp các thầy cô theo dõi dễ dàng và rất tập trung.
Tiếp nối chương trình, TS. Đỗ Tuấn Minh đã chia sẻ sâu hơn về Hệ thống đảm bảo chất lượng của ULIS (tiêu chuẩn 9.2). Trong đó, báo cáo viên đã đưa ra kế hoạch công việc theo PDCA (Plan – Do – Check – Act) – một trong những công cụ quản lý hữu hiệu nhất hiện nay, nhằm cải tiến chất lượng dạy học, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên và nhu cầu phát triển của chương trình đào tạo. TS. Đỗ Tuấn Minh cũng cho rằng, ngoài định hướng về chiến lược, tầm nhìn, còn cần định hướng về nguồn lực con người, tài chính,… Các giảng viên cần thấu cảm lẫn nhau, nâng cao năng lực để đảm bảo sẵn sàng cho các vị trí khác nhau và tăng tính trao đổi, thảo luận về những vấn đề chuyên sâu.
Phần cuối chương trình là hoạt động thực hành quy trình bảo đảm chất lượng bên trong với một nhiệm vụ cụ thể dựa trên công cụ PDCA. Các cán bộ, giảng viên cũng có cơ hội được đưa ra những ý kiến và thắc mắc của mình về chương trình đào tạo một cách chi tiết hơn.
Khoá học “Bồi dưỡng kiến thức về quản trị đại học” khóa I/2023 gồm 6 buổi với 49 cán bộ tham gia. Trong các buổi sau, các thầy cô sẽ được tìm hiểu về những nội dung như: Các chính sách về đào tạo, KHCN và phục vụ cộng đồng; Kết quả về đào tạo, KHCN và phục vụ cộng đồng; Nguồn nhân lực; Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại; Nguồn lực tài chính và CSVC; Hệ thống quản lý thông tin chất lượng nội bộ; Vấn đề nâng cao chất lượng; Lãnh đạo và chiến lược; Tầm nhìn, Sứ mệnh, Văn hoá và Quản trị. Lễ tổng kết khóa học và Trao Giấy chứng nhận dự kiến diễn ra vào ngày 16/10/2023.
Danh Vũ-Mai Phương/ULIS Media