Kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Công đoàn Trường lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028
Thực hiện Kế hoạch công tác toàn khóa, Ban Thường vụ Công đoàn Trường xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Công đoàn Trường lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của tổ chức Công đoàn, trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động Ngành Giáo dục; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp đông đảo cán bộ, nhà giáo, người lao động vào tổ chức công đoàn, xây dựng công đoàn vững mạnh, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Đánh giá đúng thực trạng tình hình cán bộ, nhà giáo, người lao động và hoạt động công đoàn; kết quả thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn cấp mình, nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên; rút ra những bài học kinh nghiệm, chỉ rõ yếu kém, tồn tại và nguyên nhân; đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Lựa chọn bầu vào ban chấp hành công đoàn những cán bộ, đoàn viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, có khả năng tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội, có trách nhiệm, tâm huyết, dám đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ), thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, nâng cao uy tín, vị thế công đoàn giáo dục các cấp trong giai đoạn mới.
4. Đại hội công đoàn các cấp phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và dân chủ của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả; tăng cường đoàn kết, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp; coi trọng chất lượng, tránh phô trương hình thức, tiết kiệm về thời gian và kinh phí.
5. Phương châm của đại hội: “Đổi mới – Dân chủ – Đoàn kết – Phát triển”.
II. NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP
1. Nội dung đại hội công đoàn các cấp
– Thảo luận, thông qua các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ qua; quyết định chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp của công đoàn nhiệm kỳ tới của cấp mình.
– Tham gia vào dự thảo văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên (nếu có).
– Tham gia bổ sung, sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam (nếu có).
– Bầu ban chấp hành, Ban thường vụ nhiệm kỳ mới của công đoàn cấp mình và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có).
– Đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính quyền về những vấn đề có liên quan đến nâng cao hiệu quả công tác chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của cán bộ, nhà giáo, người lao động và hoạt động công đoàn.
2. Phương thức tiến hành
– Đối với đơn vị đã hết nhiệm kỳ thì tiến hành công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội theo 05 nội dung nêu trên.
3. Thời gian đại hội
– Đại hội công đoàn bộ phận, Tổ công đoàn: hoàn thành trước 06/3/2023. Thời gian đại hội không quá 01 ngày.
– Đại hội công đoàn Trường: Hoàn thành trước 30/5/2023. Thời gian đại hội không quá 01 ngày.
4. Một số yêu cầu khác
4.1. Báo cáo trình đại hội
– Báo cáo cần xây dựng ngắn gọn, có số liệu phân tích, đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ theo 8 nội dung hoạt động của công đoàn giáo dục các cấp; làm rõ khuyết điểm yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm.
– Về phướng hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới cần nêu rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, tập trung vào những vấn đề mà đoàn viên và CBNGNLĐ trong đơn vị mình quan tâm như: Điều kiện làm việc, đời sống, việc làm, thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường và của Ngành trong tình hình mới…
4.2. Thảo luận tại đại hội
– Không tham luận theo hình thức báo cáo thành tích tại đại hội, cần tập trung thảo luận các thách thức đặt ra đối với tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới phương thức tổ chức và nội dung hoạt động công đoàn ở đơn vị; bổ sung những nội dung quan trọng được các cấp công đoàn giáo dục quan tâm và các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, nâng cao chất lượng đội ngũ CBNGNLĐ trong đơn vị.
– Khuyến khích việc đối thoại, chất vấn tại đại hội về những vấn đề cụ thể được đoàn viên, người lao động quan tâm, đề xuất kiến nghị.
– Thảo luận nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam (nếu có).
III. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI
1. Thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội
Căn cứ tình hình thực tế, ban chấp hành/Tổ công đoàn các cấp có thể thành lập một số tiểu ban giúp việc và chuẩn bị đại hội, nhưng tối đa không quá 02 tiểu ban: Tiểu ban nội dung và tuyên truyền; Tiểu ban nhân sự và tổ chức.
2. Công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành công đoàn các cấp
2.1. Tiêu chuẩn chung của ủy viên ban chấp hành
– Có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn vững vàng, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; quyết tâm thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo, có uy tín với CBNGNLĐ trong đơn vị và có khả năng đoàn kết tập hợp được đoàn viên và lao động; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và lao động.
– Có năng lực tham gia xây dựng và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào công tác công đoàn; có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, pháp luật, am hiểu về ngành nghề; có kỹ năng hoạt động và nghiệp vụ công tác công đoàn trong ngành.
– Có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có đạo đức, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng.
2.2. Điều kiện tham gia ban chấp hành
Người tham gia ban chấp hành ngoài đảm bảo theo tiêu chuẩn trên, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Người tham gia lần đầu: Còn đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất một nhiệm kỳ đại hội công đoàn.
– Người tái cử: Còn đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ. Những đồng chí đang tham gia cấp ủy đảng, quá trình chuẩn bị nhân sự, công đoàn cần chủ động trao đổi với cấp ủy đảng để báo cáo, xem xét, quyết định.
2.3. Cơ cấu ban chấp hành công đoàn các cấp
– Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có số lượng hợp lý, cơ cấu đảm bảo tính đại diện của đoàn viên theo các lĩnh vực, địa bàn, để đáp ứng việc lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ; có tính kế thừa và sự phát triển, được chuẩn bị theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên ban chấp hành.
– Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có độ tuổi phù hợp bảo đảm tính phát triển, kế thừa, trẻ hóa. Coi trọng cơ cấu đoàn viên đang trực tiếp giảng dạy,
2.4. Số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra:
Số lượng ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp nào do đại hội cấp đó quyết định, song không vượt quá số lượng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII, cụ thể như sau:
– Ban chấp hành công đoàn bộ phận: Từ 3 đến 7 ủy viên.
– Tổ công đoàn trực thuộc: tối đa 3 ủy viên
(trường hợp cần phải tăng thêm số lượng ban chấp hành vượt quá quy định phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý. Số lượng ủy viên ban chấp hành tăng thêm không vượt quá 10% so với quy định trên). Công đoàn các cấp báo cáo dự kiến nhân sự, số lượng với BCH Công đoàn Trường trước khi tổ chức Đại hội.
– Những đơn vị có từ 5 đến 7 ủy viên ban chấp hành trở lên thì bầu 01 Chủ tịch, 01 Phó chủ tịch, số lượng uỷ viên ban thường vụ không quá 1/3 số uỷ viên ban chấp hành cấp đó. Đối với Tổ công đoàn bầu 01 Tổ trưởng và các ủy viên.
+ Công đoàn bộ phận và các tổ công đoàn trực thuộc không bầu UBKT công đoàn mà cử 01 ủy viên ban chấp hành làm công tác kiểm tra.
3. Số lượng đại biểu đại hội và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên
3.1. Đại biểu dự đại hội
Số lượng đại biểu chính thức của đại hội do ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội quyết định căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng công đoàn cơ sở và tình hình cụ thể của đơn vị theo Hướng dẫn thi hành Điều lệ khóa XII. Các đơn vị có thể tổ chức đại hội theo 02 hình thức là đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu.
3.2. Đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên
Việc bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI và Hướng dẫn số 238/HĐ-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.
– Số lượng đại biểu dự Đại hội Công đoàn Trường sẽ có văn bản phân bổ sau.
4. Đại biểu khách mời
– Số lượng đại biểu khách mời dự đại hội công đoàn các cấp không quá 20% tổng số đại biểu chính thức đại hội. Trường hợp đại biểu khách mời vượt quá số lượng quy định thì phải được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Việc chuẩn bị và tổ chức đại hội công đoàn là trách nhiệm của tập thể ban chấp hành. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, ban chấp hành công đoàn phải báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng, chủ động phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, chuyên môn đồng cấp; đồng thời đề nghị chính quyền có sự phối hợp để giải đáp kiến nghị của đoàn viên tại đại hội.
2. Nhà trường bố trí phòng họp tổ chức Đại hội cho các đơn vị. Công đoàn các đơn vị báo cáo thời gian tổ chức Đại hội Công đoàn của đơn vị mình về VP Công đoàn Trường trước 5 ngày để đăng ký và bố trí địa điểm.
2. Các công đoàn trực thuộc căn cứ Kế hoạch này và điều kiện cụ thể của đơn vị, xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội cho phù hợp, đảm bảo đúng các quy định của Điều lệ và các văn bản chỉ đạo của công đoàn cấp trên; báo cáo kết quả đại hội về Công đoàn Trường chậm nhất 7 ngày sau thời gian tổ chức Đại hội.
5. Công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Công đoàn Trường lần thứ XX, có kế hoạch riêng.
Ban Thường vụ Công đoàn Trường yêu cầu công đoàn các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về Công đoàn Trường đúng thời gian quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị đơn vị phản ánh về Văn phòng Công đoàn Trường để thống nhất thực hiện./.