Hội thảo “Xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành”
Ngày 10/11/2023, tại Hội trường Sunwah đã diễn ra Hội thảo “Xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành”. Là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo Quốc gia 2024 (UNC2024) “Nghiên cứu & giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam”, hội thảo tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn thảo luận về các vấn đề xung quanh công tác giảng dạy tiếng Anh, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị về việc đổi mới phương pháp giảng dạy.
Năng lực tiếng Anh đã trở thành một năng lực thiết yếu của người lao động trong thời đại toàn cầu hoá và công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay. Tuy nhiên, việc thiết kế chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo các học phần tiếng Anh thế nào cho hiệu quả và đạt được các mục tiêu đầu ra, cũng như đáp ứng được nhu cầu và tạo động cơ học tập tích cực cho người học vẫn đang là một câu hỏi lớn cho nhiều trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, đặc biệt là ở các trường đa ngành và liên ngành. Trên thực tế vẫn còn thách thức đối với nhà quản lý cũng như cán bộ chuyên môn ở những trường đại học này liên quan đến nội dung và phương pháp giảng dạy tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh cơ sở, tiếng Anh chuyên ngành, dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh,…
Để tạo diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, cũng như học hỏi các chuyên gia trong và ngoài nước về các vấn đề này, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp với Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo quốc tế chuyên đề về “Teaching English for Specific Purposes: Perspectives, Policies and Practices – Xu thế mới trong đào tạo tiếng Anh tại các trường đại học đa ngành và liên ngành”.
Diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo ba trường đồng tổ chức, chuyên gia quốc tế, giảng viên, nhà khoa học, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh và cán bộ quản lý đào tạo tiếng Anh.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Nguyễn Văn Định đã gửi lời chào mừng các đại biểu. Phó Hiệu trưởng cho biết tiếng Anh là một phần quan trọng trong xã hội hiện đại, do đó cán bộ giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và của các trường đại học nói chung phải trang bị cho sinh viên kiến thức và khả năng ứng dụng tiếng Anh một cách hữu dụng trong học tập và thực tế. Ông cũng hy vọng rằng hội thảo có thể tạo ra diễn đàn để các cán bộ giảng viên tham gia có thể chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng một cộng đồng để cải thiện công tác giảng dạy ngoại ngữ.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Tô Trung Thành đã đề cập tới việc sử dụng tiếng Anh trong những mục đích cụ thể. Ông cho rằng sinh viên ra trường đều phải đạt được những tiêu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, mỗi sinh viên bước ra xã hội cũng phải không ngừng trau dồi khả năng tiếng Anh, bởi phải biết cách sử dụng ngôn ngữ thứ hai cho lĩnh vực chuyên ngành mới có thể giúp bản thân phát triển thành công trong tương lai.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – PGS. TS. Lâm Quang Đông đã giới thiệu về nội dung của chương trình. Phó Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn với hai trường đồng tổ chức và bày tỏ kỳ vọng về những đóng góp, xây dựng phong phú của các báo cáo viên và đại biểu tại hội thảo.
Tại phiên toàn thể, báo cáo viên Shin Yong Sun đã có phần trình bày về “Đánh giá tiếng Anh chuyên ngành trong các chương trình tiếng Anh bậc đại học”. Theo báo cáo viên, nói về tiếng Anh chuyên ngành, sử dụng tiếng Anh cho mục đích cụ thể ESP (English for Specific Purpose) là một cầu nối giữa tiếng Anh thông thường và tiếng Anh là phương tiện giảng dạy EMI (English as Medium of Instruction). Ngoài ra, ông cũng cho biết các trường đại học cần cung cấp đầy đủ các thông tin và phương pháp cụ thể, để từ đó đáp ứng điều kiện tiên quyết giúp triển khai ESP thành công. Bên cạnh đó, các trường học cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để chuyển đưa cách thành quả nghiên cứu vào chương trình giảng dạy và phát triển bài kiểm tra.
Bên cạnh đó, hội thảo đã chia thành 4 tiểu ban để trình bày, thảo luận các vấn đề liên quan tới phương pháp giảng dạy đổi mới, việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn và ứng dụng công nghệ vào dịch thuật tiếng Anh.
Sau đó, các tiểu ban tập hợp để báo cáo và tổng kết các nội dung. Hội thảo kết thúc với phần chụp hình lưu niệm.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, trước đó đã diễn ra tọa đàm tiền hội thảo “Xu thế chung trong giảng dạy và kiểm tra, đánh giá tiếng Anh chuyên ngành” tại nhà Văn hoá Đại học Kinh tế Quốc dân nhằm bàn bạc với những vấn đề đang diễn ra trong công tác giảng dạy và đưa ra một vài đề xuất để phát triển trong tương lai.
Kiều Vân/ĐSTT