Hội thảo “Định hướng phát triển các ngành học mới và Góp ý xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội thảo “Định hướng phát triển các ngành học mới và Góp ý xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030”

Ngày 19/02/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Định hướng phát triển các ngành học mới và Góp ý xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030.

Tham dự hội thảo có Tập thể lãnh đạo trường, Chủ tịch Mạng lưới Cựu HSSV Nguyễn Lân Trung, đại diện lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, giảng viên quan tâm.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Xuân Long – Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh về vai trò của việc xây dựng định hướng ngành và triển khai kế hoạch chuyển đổi số tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Đánh giá cao những nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, người học thời gian qua trong việc thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, chuyển đổi số, Hiệu trưởng nhận định với xu thế hội nhập đi kèm với nhiều thách thức giai đoạn 2025-2030 yêu cầu Nhà trường cần có sự thay đổi để thích ứng bối cảnh mới. TS. Nguyễn Xuân Long tin rằng Hội thảo là cơ hội tốt để Trường Đại học Ngoại ngữ cùng nhìn lại công tác triển khai thời gian qua và cùng nhau đưa ra các ý kiến đóng góp cho nhiệm vụ xây dựng định hướng phát triển các ngành học mới và kế hoạch chuyển đổi số. 

Tại Hội thảo đã có 6 tham luận được trình bày.

Mở đầu, với tham luận “Quy định về điều kiện mở ngành đào tạo”, TS. Lê Thị Huyền Trang đã chia sẻ các quy định cụ thể về việc mở ngành đào tạo theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT; Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT và Quyết định số 4555/QĐ-ĐHQGHN. Báo cáo đã nêu cụ thể về: Nguyên tắc mở ngành, Điều kiện chung, Điều kiện với từng trình độ đào tạo, và Điều kiện mở ngành/duy trì ngành với 01 CTĐT các trình độ của Trường ĐHNN.

Nối tiếp là phần tham luận của TS. Nguyễn Thuý Lan với chủ đề “Định hướng mở ngành, chuyên ngành đào tạo tại Trường giai đoạn 2025-2030”. Đại diện Phòng ĐT&NH đã trình bày về các nội dung: Cơ cấu ngành nghề của Đại học Quốc gia Hà Nội, xu hướng dịch chuyển của các trường đại học trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, cũng như các đề xuất quy hoạch ngành, chuyên ngành mới giai đoạn 2025-2030. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thuý Lan đã chỉ ra những thách thức và tiền đề phát triển các ngành mới dựa trên giá trị cốt lõi, khẩu hiệu hành động và triết lý giáo dục mà Nhà trường đã và đang triển khai xuyên suốt. 

Tham luận “Quy định và Định hướng mở ngành liên kết đào tạo với nước ngoài” do TS. Trần Thị Thu Hiền trình bày không chỉ tập trung phân tích về các quy định hiện hành mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất mở rộng thêm các ngành liên kết quốc tế phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, trong bài tham luận này, báo cáo viên cũng đưa ra những nhận định về bối cảnh hiện nay, khi các quy định ngày càng thắt chặt, mức độ cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo ngày càng cao. 

“Định hướng mở các ngành học sau đại học” là chủ đề của tham luận do TS. Vũ Thị Thanh Nhã trình bày. Báo cáo đã đề xuất danh mục các ngành đào tạo sau đại học mới phù hợp với xu hướng phát triển của Nhà trường, đồng thời đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai các chương trình đào tạo, các hoạt động cần thiết trong quá trình mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên và hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, bài tham luận cũng đề cập đến thực trạng đào tạo sau đại học hiện nay, chỉ ra những thách thức và cơ hội trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. 

Tại hội thảo, ThS. Trịnh Hải Tuấn đã trình bày tham luận với tiêu đề “Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2025-2030”. Nêu ra thực trạng chuyển đổi số của Nhà trường hiện nay, báo cáo khẳng định Nhà trường cần xây dựng chiến lược để lấy chuyển đổi số làm nền tảng cho sự phát triển. Tham luận cũng đưa ra một số đề xuất các chỉ tiêu chuyển đổi số đến năm 2030.

Khép lại phần tham luận, TS. Đỗ Tuấn Minh – Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch Hội đồng trường đã trình bày “Định hướng chuyển đổi số tại Trường Đại học Ngoại ngữ giai đoạn 2025-2026 với 3 từ khoá AI 4U, MIS 4U, LMS 4U. Tham luận chỉ ra Nhà trường cần thực hiện các giải pháp: Tập trung vào ứng dụng AI có sẵn, thay vì đầu tư vào phần cứng hoặc lập trình; Hỗ trợ nhóm giảng viên trong việc khai thác sử dụng AI; Tập trung vào xây dựng chính sách khuyến khích người dùng, hướng dẫn sử dụng AI hiệu quả trong công việc, nâng cao nhận thức và kĩ năng, tích hợp đồng bộ AI 4U, MIS 4U, LMS 4U; Tập trung vào chuyển đổi số, triển khai nhanh chóng bài bản, đảm bảo tính hiệu quả thực tế và bền vững…

Trong phát biểu bế mạc, TS. Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh công tác duy trì ngành học là một nhiệm vụ trọng tâm, và Nhà trường phải tận dụng thế mạnh về Ngoại ngữ để có thể mở các ngành học liên quan. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng trường cũng đưa ra đề xuất trong việc hỗ trợ cảnh báo và phương án với các ngành học có nguy cơ báo động nhằm kịp thời có hướng giải quyết. Song song với quá trình đó, giai đoạn 2025-2030, Trường Đại học Ngoại ngữ cũng cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Hội thảo khép lại với nhiều ý kiến đóng góp giá trị.

Tài liệu hội thảo xem tại: https://bit.ly/4jSsw3D?r=qr 

Một số hình ảnh khác: