Hội nghị triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2025 – 2030 tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THCS Ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội nghị triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2025 – 2030 tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THCS Ngoại ngữ

Tối ngày 27/5/2025, trên Zoom Webinar, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch chuyển đổi số tại trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và THCS Ngoại ngữ giai đoạn 2025 – 2030. Hội nghị nhằm hướng đến việc ứng dụng AI vào trong quá trình tiếp cận, sử dụng trí truệ nhân tạo trong quản trị trường học, trong dạy học, trong kiểm tra đánh giá và trong tương tác nhà trường- học sinh- phụ huynh.

Tham dự Hội nghị, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có sự hiện diện của TS. Đỗ Tuấn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng ủy, TS. Nguyễn Xuân Long – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, PGS.TS Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Lâm Quang Đông- Phó Hiệu trưởng, TS. Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng.

Về phía hai trường phổ thông, có sự tham dự của thầy Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, cô Đỗ Thị Ngọc Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ; cô Nguyễn Huyền Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ, thầy Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ; sự tham gia đông đủ của thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh tại hai trường phổ thông.

Mở đầu Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường – Thầy Đỗ Tuấn Minh đã có những lời chia sẻ, mong muốn, dự định về công tác chuyển đổi số trong giai đoạn phát triển sắp tới tại hai trường phổ thông của trường Đại học Ngoại ngữ giai đoạn 2025 – 2030. Những chia sẻ của thầy là những định hướng có ý nghĩa quan trọng trong công tác chuyển đổi số tại trường THCS Ngoại ngữ và trường THPT chuyên Ngoại ngữ.

Hội nghị được nghe những lời chia sẻ từ chuyên gia AI, Giáo sư Hồ Tú Bảo – Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) về mối quan hệ giữa AI và Con người. GS Hồ Tú Bảo nhấn mạnh rằng, AI là điều tất yếu xuất hiện trong cuộc sống hiện đại ngày nay nhưng AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người trong tương lai. Những thông điệp của thầy Bảo về hai giá trị cốt lõi của AI với con người, phải sống với AI thế nào có tác động sâu sắc tới người tham dự.

Tiếp nối lời chia sẻ của thầy Bảo, phần trình bày của Thầy Nguyễn Phú Chiến – Hiệu trưởng trường THPT Chuyên ngoại ngữ đã mang đến những thông tin hữu ích với chủ đề: Khung năng lực số của người học với những khía cạnh: Năng lực số là gì? Mục đích sử dụng năng lực số, Cấu trúc và những miền năng lực số, đối tượng áp dụng và hiệu lực thi hành của Khung năng lực số, …

Bức tranh về thực tế ứng dụng AI trong giảng dạy tại Trường THCS Ngoại ngữ được thể hiện qua tham luận của thầy Nguyễn Mạnh Linh – Giáo viên Tiếng Anh Trường THCS Ngoại ngữ và thầy Nguyễn Hoàng Giang- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ cùng em Nguyễn Quỳnh Chi – Học sinh lớp 8A3. Những nền tảng ứng dụng/ app hữu ích được sử dụng trong quá trình giảng dạy, kiểm tra, đánh giá như ELSA hay I CORRECT hay những khảo sát chi tiết về chủ đề: AI với Umser: Khảo sát về việc sử dụng AI trong học sinh Trường THCS Ngoại ngữ với những con số thực tế đã minh chứng cho quá trình, tần suất sử dụng AI trong học tập đang trở nên phổ biến trong học sinh.

Chuyển đổi số không chỉ có ý nghĩa trong giảng dạy, học tập mà còn có tính ứng dụng trong hoạt động văn phòng trường phổ thông tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Thầy Nguyễn Hồng Quang – chuyên viên Văn phòng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã có phần trình bày về tính ứng dụng của chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính đối với học sinh, trong công tác văn phòng với quy trình làm việc đơn giản, ngắn gọn, nhanh chóng trên website. Khép lại tham luận của Hội nghị là phần chia sẻ với chủ đề thú vị: “Bẫy AI” đến từ Cô Hồ Thị Giang – Giáo viên Trường THPT CNN và em Nguyễn Thuỳ Dương – Học sinh lớp 11G, em Đặng Thị Thanh Mai – học sinh lớp 11E Trường THPT CNN. Theo cô Giang, tư duy ngôn ngữ có tính ứng dụng cụ thể trong việc sử dụng AI, nhưng “Thử thách AI” đã thu hút được sự hứng thú của học sinh khi chính học sinh là đối tượng tham gia trực tiếp vào dự án “Bẫy AI” bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Chia sẻ trực tiếp của em Nguyễn Thuỳ Dương và em Đặng Thị Thanh Mai đã trở thành minh chứng cho việc AI không hoàn toàn đúng trong mọi trường hợp mà người học, người ứng dụng AI trong quá trình học tập cần phải tỉnh táo, phân biệt được tính đúng/sai để sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách thông minh hơn, hiệu quả hơn.

Chuỗi chia sẻ trong Hội nghị triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 2025 – 2030 đã thu hút sự chú ý của những người tham gia và tạo được những ấn tượng cũng như mở rộng hơn lượng kiến thức về AI về tính chất và tính ứng dụng AI trong học tập và làm việc. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện, mỗi cơ sở giáo dục không chỉ cần thích ứng mà còn phải chủ động tìm kiếm con đường riêng để tạo nên những dấu ấn khác biệt. Trong giai đoạn 2025 – 2030, Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ có những phương án, kế hoạch cụ thể, chi tiết để hướng đến công tác chuyển đổi số tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và Trường THCS Ngoại ngữ với mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học, quản trị hiệu quả và phát triển năng lực số cho học sinh và giáo viên.

Hy vọng rằng với những bước chuyển mình mạnh mẽ, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ và THCS Ngoại ngữ sẽ là những đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số không chỉ là công cụ mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, góp phần đưa hai nhà trường trở thành trung tâm học tập số tiên tiến, hiện đại và hiệu quả. 

Phạm Thị Nga