Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019 và phương hướng năm 2020 của Trường ĐHNN-ĐHQGHN
Triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm học 2019-2020, ngày 28/9/2019 tại Hải Phòng, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019 và Phương hướng, Nhiệm vụ năm 2020. Hội nghị có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2019 của các bậc học: THCS, THPT chuyên, ĐHCQ, CTĐT thứ 2, ĐH VLVH, ĐH LKQT, Sau đại học; đồng thời thảo luận, đề ra phương hướng, giải pháp cho công tác tuyển sinh các bậc học năm 2020.
Tham dự hội nghị có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch HĐ TV KH&ĐT Nguyễn Hòa, Chủ tịch HĐ TV HT&PT Nguyễn Lân Trung, các thành viên trong Hội đồng Tuyển sinh và Ban truyền thông Tuyển sinh đại học chính quy năm 2019.
Hội nghị khởi động bằng chương trình Đố vui có thưởng trên Kahoot sôi động
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã ghi nhận sự tích cực, chủ động và đóng góp của từng đơn vị, cá nhân vào thành công chung của công tác tuyển sinh đại học năm 2019 của Trường ĐH Ngoại ngữ. Trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục ngày càng gay gắt, Phó Hiệu trưởng kỳ vọng các đơn vị tiếp tục nỗ lực triển khai chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2020-2021.
Trong báo cáo công tác tuyển sinh năm 2019 và phương hướng tuyển sinh năm 2020 của Trường, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long đã trình bày kết quả tuyển sinh ở các hệ đào tạo. Ở bậc THCS, Trường THCS Ngoại ngữ có 3.000 thí sinh tham gia kiểm tra ĐGNL với 95 học sinh nhập học và chia thành 4 lớp. Ở bậc THPT, THPT Chuyên Ngoại ngữ có 3.805 thí sinh dự thi và 343 học sinh nhập học hệ chuyên, 382 nhập học hệ không chuyên. Ở bậc đại học có 16.115 đăng ký nguyện vọng (4514 NV1), có 225 em được tuyển thẳng và 1.403 trúng tuyển theo hình thức xét tuyển nhập học. CTĐT thứ hai (bằng kép) có 500 hồ sơ đăng ký và 351 nhập học. Bậc ĐH LKQT tuyển sinh được 113 sinh viên. CTĐT Văn bằng 2 Đại học Hệ VLVH có 202 thí sinh trúng tuyển. Ở bậc sau đại học tuyển sinh được 136 học viên cao học và 11 hồ sơ đăng ký dự tuyển NCS.
Công tác tuyển sinh có thuận lợi là: (1) Được sự ủng hộ của ĐHQGHN, chỉ đạo sát sao của BGH và sự hợp tác hiệu quả của các đơn vị trong ĐHNN; (2) Các đơn vị hoàn toàn tin tưởng và đồng lòng với chính sách của Nhà trường; (3) Ban truyền thông tuyển sinh các cấp học và các đơn vị tham gia công tác tuyển sinh có đội ngũ năng động, nhiều ý tưởng và sản phẩm truyền thông tốt, sử dụng thành thạo các ứng dụng và phần mềm phục vụ công tác tuyển sinh; (4) Chính sách xét tuyển THPT có sự thay đổi giúp công tác xét tuyển nhanh gọn, hiệu quả hơn; (5) Sinh viên, đoàn TN trường tích cực, chủ động tham gia công tác truyền thông, hỗ trợ tổ chức thi. Phó Hiệu trưởng cũng đưa ra những gợi ý định hướng cho tuyển sinh năm học 2020-2021.
Báo cáo công tác truyền thông trong tuyển sinh năm 2018-2019 của Đoàn thanh niên do ThS. Nguyễn Hoàng Giang tập trung vào hoạt động của chương trình Đại sứ ULIS. Tham gia hoạt động này năm nay có 440 sinh viên gồm 170 đại sứ thực địa và 270 đại sứ online. Lợi ích của chương trình là Xây dựng kênh truyền thông tuyển sinh hiệu quả; Tạo sự kết nối với học sinh và các trường THPT; Rèn luyện kỹ năng và nâng cao ý thức trách nhiệm cho sinh viên. Trải qua hành trình Tuyển chọn-Tập huấn-Lên đường, các em sinh viên đã từng bước trưởng thành hơn. Kết quả trong năm 2019, chương trình Đại sứ ULIS đã tiếp cận được 135 trường THPT, 24.065 học sinh và có 10.000 thành viên tham gia nhóm ULIS Support for K53.
Sau đó, hội nghị đã chia thành 4 nhóm để thảo luận về 4 nội dung: Tuyển sinh THCS, THPT; Tuyển sinh đại học chính quy; Tuyển sinh LKQT và các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên; Tuyển sinh sau đại học. Các ý kiến góp ý về kế hoạch tuyển sinh, chương trình đào tạo, hoạt động truyền thông,… đã được các nhóm đưa ra và thảo luận sôi nổi, đem lại kết quả là phần trình bày hấp dẫn sản phẩm theo cách riêng của từng nhóm.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết hội nghị này chính thức đánh dấu khởi động chương trình tuyển sinh năm 2020. Hiệu trưởng nhận định cách truyền thông tốt nhất là truyền thông về chất lượng, hiệu quả các CTĐT hiện hành nên các hoạt động dạy, học, trải nghiệm cho người học cần là điểm nhấn trong công tác truyền thông. Nhà trường cũng cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý, xem xét quy mô đào tạo các bậc học để công bố sớm những thông tin liên quan đến tuyển sinh 2020. Công tác tuyển sinh cần giữ vững những gì đã làm tốt, hoàn thiện hệ thống văn bản, đánh giá những hoạt động hiệu quả, bỏ bớt các hoạt động kém hiệu quả, tập trung vào vai trò trách nhiệm và chủ động cao hơn ở các khoa đào tạo, động viên tinh thần cao hơn của các sinh viên tham gia vào quá trình truyền thông và quảng bá để tạo ra một diễn đàn, sân chơi cho các em phát huy ý tưởng. Qua phần thảo luận và trình bày thảo luận của các nhóm, Hiệu trưởng đặt niềm tin tuyển sinh trong những năm tới của Trường ĐHNN-ĐHQGHN tiếp tục trên con đường phát triển, tự chủ, ổn định.
ULIS Media