Học sinh Chuyên Ngoại ngữ giành giải Ba cuộc thi Tranh biện quốc tế tại Nhật Bản
Là cuộc thi quốc tế quy mô và uy tín do tổ chức Wakupro Foundation (Nhật Bản) thực hiện, cuộc thi Tranh biện và Giao lưu văn hóa dành cho học sinh phổ thông – Parliamentary Debate World Competition and Conference (PDWC) năm 2018 đã thu hút được sự tham gia của 24 đội thi đến từ 13 quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, New Zealand, Hungary, Mông Cổ,… Ba học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ– ĐHQGHN) vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất được nhận lời mời tham dự và xuất sắc giành giải tại cuộc thi PDWC tổ chức từ ngày 18 đến 25/01/2018 tại Nhật Bản.
Từ trái qua phải: Nguyễn Hoàng Bách (11B), cô Nguyễn Thu Hằng (GV tiếng Anh), Nông Ngọc Mai (11A), Đỗ Nguyên Tùng (11A)
Họ đã thể hiện như thế nào?
Ngày 18/01/2018, ba học sinh Nông Ngọc Mai (lớp 11A), Đỗ Nguyên Tùng (lớp 11A), Nguyễn Hoàng Bách (lớp 11B) cùng cô giáo Nguyễn Thu Hằng có mặt tại Nhật Bản. Thắng cả 4 trận đấu ở vòng loại, trong đó giành chiến thắng ấn tượng trước đương kim vô địch Cuộc thi PDWC năm 2017 là trường THPT Shibyua Nhật Bản, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ trở thành đội đầu tiên được xướng tên bước vào vòng bán kết. Mặc dù phải dừng bước ở vòng đấu sau, nhưng thành tích đồng giải ba cùng trường THPT Shibyua thực sự là kết quả xuất sắc của đội thi THPT Chuyên Ngoại ngữ. Kết quả chung cuộc, trường THPT Kobe Nhật Bản giành ngôi vô địch, đứng thứ hai là đoàn học sinh đến từ Scotland.
Thắng đội trường đương kim vô địch Shibuya để cùng vào bán kết
Họ đã học được những gì?
Enlightening – Khai sáng, đó là điều được em Nông Ngọc Mai chia sẻ khi được hỏi về cảm xúc sau cuộc thi. Những thông điệp về các vấn đề thực tiễn đang diễn ra trên toàn thế giới, các vấn đề về giáo dục, an ninh lương thực, hòa bình thế giới đã được truyền tải và lan tỏa ngay trong những bài thuyết trình của các đội thi. Đó là nơi các em tìm thấy tiếng nói, sứ mệnh của bản thân mình với cộng đồng và thế giới.Vượt lên trên tầm vóc của một cuộc thi tranh biện, các em học sinh đã thực sự được thể hiện vai trò là chủ nhân của tương lai.
Với em Đỗ Nguyên Tùng, thứ mà cuộc thi đem lại cho em là sự trưởng thành; 13 quốc gia tham dự cuộc thi và 13 sự khác biệt được chấp nhận. Tất cả trở thành một cộng đồng gắn kết; mọi ranh giới, xung đột, mọi tôn giáo, văn hóa, sắc tộc được hòa làm một.
Còn đối với em Nguyễn Hoàng Bách, điều tuyệt vời nhấtkhi tham gia cuộc thi lần này là em có thể vượt qua nỗi ngại ngùng của ngày đầu tiên bước chân vào cuộc thi, lần đầu tiên tiếp xúc với những con người không hề quen biết đến từ những đất nước xa lạ; là thực sự hòa mình vào một môi trường văn hóa đầy mới mẻ; là nảy nở tình bạn, quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau. Chuyến đi tới đất nước Nhật Bản là sự thúc đẩy ngoạn mục cho em và các bạn để cùng nhau học hỏi những cái mới và bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình, để có thể “nhìn lên và biết mình còn thấp, nhìn xuống để biết mình chưa cao”.
Việt Nam và Nhật Bản cùng trọng tài Debate Mates
Họ đã trải nghiệm những gì?
Cùng những người bạn quốc tế của mình, học sinh Chuyên Ngoại ngữ đã được đến thăm thị trấn Kowagoe – nơi vẫn còn nguyên những ngôi nhà với lối kiến trúc truyền thống của người Nhật xưa.Đường phố ở đây dù nhỏ nhưng sạch sẽ và thanh bình, có các cửa hiệu bán đồ lưu niệm và và những tiệm bánh nổi tiếng – bán những loại bánh bản địa cực kỳ ngon và hấp dẫn. Trải nghiệm mặc áo kimono, cầm ô, đi đôi guốc gỗ đặc trưng của người Nhật, ngắm phố phường dưới những bông tuyết trắng bay bay nhẹ nhàng thực sự để lại một ấn tượng ngọt ngào, một cảm giác không thể nào quên với tất cả các thành viên trong đoàn.
Trải nghiệm mặc kimono thật tuyệt!
Một trải nghiệm độc đáo và vô cùng đáng nhớ nữa đối các bạn học sinh Chuyên Ngoại ngữ là được trượt tuyết tại Angelland Skiing Resort.Đến từ một đất nước nhiệt đới, các bạn thậm chí còn chưa từng được nhìn thấy tuyết chứ chưa nói đến trượt tuyết, thế nên, ai ai cũng ngỡ ngàng, hồi hộp và háo hức. Khoác lên mình bộ đồ trượt tuyết, đi đôi giầy trượt, bước lên tuyết và đứng lên ván trượt, ai cũng cảm nhận như tim rơi ra khỏi lồng ngực. Nhưng rồi khi biết tiến, lùi, phanh, chống, đẩy và trượt được vài ba mét, dù toát mồ hôi nhưng cảm giác sợ hãi đã được thế chỗ bằng quyết tâm chinh phục môn thế thao lạ lầm này. Buổi chiều, cả đội được đưa tới một khu trượt xa hơn, có thang cuốn đưa lên cao, rồi luyện trượt thẳng, trượt zíc zắc, uốn lượn… Sự háo hức lại dần bị lấn át bởi nỗi hoảng hốt, có lúc lên đến kinh hoàng khi khả năng bị trượt ngã lên tới 90%.Dù vậy, khi nhìn ngắm các bạn Hungary trượt từ trên dốc cao thẳng đứng thật điệu nghệ, chẳng ai lại không ấp ủ giấc mơ sẽ có ngày thỏa sức trên ván trượt.
Trượt tuyết và đắm mình trong tuyết thật không bút nào tả xiết
Còn rất nhiều điều thú vị khác nữa mà có lẽ chúng ta chỉ có thể biết khi trò chuyện trực tiếp với Nguyễn Hoàng Bách, Đỗ Nguyên Tùng, Nông Ngọc Mai và cô giáo Nguyễn Thu Hằng – người đã đồng hành cùng các em trong suốt cuộc thi. Cuộc thi Tranh biện và Giao lưu văn hóa PDWC 2018 khép lại, nhưng một tuần ở đất nước Nhật Bản sẽ mãi là kỷ niệm đáng trân quý và không bao giờ quên đối với ba học sinh trường THPT Chuyên ngoại ngữ.
Thật khó nói lời tạm biệt sau những ngày gắn bó, học tập và trải nghiệm với cuộc sống, thiên nhiên và con người Nhật Bản
Tin bài: Thu Hằng (Giáo viên Tiếng Anh THPT CNN)
Biên tập: Thanh Tú/ FLSS Media