Hành trình khám phá thế giới “không giới hạn” của nữ giảng viên ULIS
Từ giảng đường ULIS đến những hội thảo quốc tế trải dài khắp châu Âu, đó là hành trình đầy dấu ấn của Tiến sĩ Trần Hoài Anh – giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. Với phương châm sống “Cứ tự xoay sở đi, trời xanh sẽ giúp bạn”, cô là minh chứng sống động cho tinh thần khát khao khám phá và vượt qua mọi giới hạn. Từng đặt chân đến nhiều quốc gia như Pháp, Romania, Singapore, Canada và sắp tới là Bỉ, cô không chỉ mang về tri thức mà còn truyền cảm hứng về sự đa văn hóa, đổi mới phương pháp giảng dạy và niềm đam mê mãnh liệt với tiếng Pháp. Mỗi chuyến đi là một lần làm giàu vốn sống, góp phần thổi hồn vào từng bài giảng, truyền lửa cho nhiều thế hệ sinh viên trên hành trình vươn ra thế giới.

Hãy cùng tìm hiểu về hành trình đầy ấn tượng và những bí quyết đã giúp cô Hoài Anh đạt được những thành tích đáng mơ ước này nhé!
Chặng đường trau dồi tri thức
Với 20 năm kinh nghiệm đi dạy, trong đó 13 năm gắn bó với Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, là một giảng viên đã hoàn thành cả ba bậc học cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành tiếng Pháp tại Việt Nam, cô Trần Hoài Anh không chỉ sở hữu nền tảng chuyên môn vững chắc mà còn đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp giảng dạy của mình. Nhờ sự tận tâm và tinh thần đổi mới không ngừng, cô đã xuất sắc giành được các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Sáng tạo 2024 do Đại sứ quán Pháp trao tặng và Giải thưởng Nhà giáo Đổi mới Sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023, qua đó khẳng định không chỉ năng lực chuyên môn mà còn là niềm đam mê và sự cống hiến không ngừng với nghề giáo. Những thành tích này còn thể hiện tinh thần cầu tiến, luôn tìm kiếm những phương pháp giảng dạy sáng tạo để mang lại giá trị tốt nhất cho học trò.


Nhận giải thưởng Nhà giáo dục Đổi mới sáng tạo ĐHQGHN 2023

Nhận giải thưởng sáng tạo 2024 của Đại sứ quán Pháp
Đặc biệt, nữ giảng viên chia sẻ rằng khoảng thời gian mà bản thân thực sự được chìm đắm trong ngôn ngữ và văn hóa yêu thích là vào năm 2013, đó là lần đầu tiên cô được đặt chân đến Pháp để học tập trong vòng 3 tháng. “Năm 2013, lần đầu tiên cô được đi Pháp 3 tháng để nâng cao trình độ giảng dạy và thực sự được “tắm” trong ngôn ngữ và văn hóa mình yêu. Đó là học bổng do tổ chức Préfasse dành cho các giáo viên trẻ của khoa Pháp, một hiệp hội đầy tình yêu thương và nhân văn dành cho “sự tỏa sáng của giảng dạy tiếng Pháp tại Đông Nam Á”, đây cũng là ý nghĩa tên tổ chức này. Chuyến đi Pháp năm 2013 đó đã thay đổi nhân sinh quan và ảnh hưởng đến cách giảng dạy của cô” – cô Hoài Anh chia sẻ.
Trong khoảng thời gian học tập và tham gia hội thảo ở Pháp cũng như ở nhiều nước trên thế giới, cô chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng bởi tính cách tò mò và một tinh thần luôn cởi mở, sẵn sàng đón nhận và trải nghiệm những điều mới mẻ nên việc hòa nhập khá dễ dàng. Với nguồn năng lượng tích cực dồi dào, cô luôn nhìn cuộc đời qua lăng kính đa sắc màu và luôn vững tin rằng, dù sẽ luôn có những lúc gian truân, thử thách, cuộc sống luôn công bằng và những nỗ lực sẽ được đền đáp bằng những mối quan hệ quý giá và những thành quả xứng đáng.



Cột mốc chuyển mình trong sự nghiệp
Chuyến đi Pháp năm 2013 không chỉ là một chuyến du lịch, mà là một cuộc “gặp gỡ định mệnh”, một bước ngoặt có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời và sự nghiệp của cô. Nơi “Kinh đô ánh sáng” đã thắp lên ngọn lửa đam mê, khơi dậy một khát khao mãnh liệt trong trái tim nữ giảng viên bởi tại đây, các bác và giáo viên luôn sống hết mình, sống dấn thân và cô đã mang triết lí đó đi dạy: Làm có thể đúng hoặc sai nhưng không làm thì sai ngay từ đầu, và, cứ đi đi rồi sẽ đến. Họ sống và làm việc với tất cả trái tim, không ngần ngại dấn thân và theo đuổi những giá trị mà họ tin tưởng. Triết lý đó đã thấm nhuần vào nhận thức, trở thành kim chỉ nam cho hành trình giảng dạy đầy tâm huyết của cô.
Không chỉ dừng lại ở chuyến đi học ngắn ngày tại Pháp, cô giáo còn có cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế uy tín, như Đại hội giáo viên tiếng Pháp tại Singapore, hay tại Rumani – quốc gia Đông Âu xinh đẹp. Mỗi lần tham gia, cô Hoài Anh không chỉ học hỏi được những kiến thức và phương pháp giảng dạy mới, mà còn có cơ hội chia sẻ những nghiên cứu của mình với các đồng nghiệp trên toàn thế giới. Và điều đặc biệt khiến cô tâm đắc nhất là mỗi khi trình bày nghiên cứu của mình, tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe và đặt câu hỏi. Cảm nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ các đồng nghiệp quốc tế, đây chính là một trong những nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy cô không ngừng phát triển bản thân trên con đường nghiên cứu và giảng dạy. Sau mỗi hội thảo, cô và các đồng nghiệp vẫn giữ liên lạc, kết nối với nhau để tạo thành một cộng đồng tiếng Pháp vững chắc, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Trình bày báo cáo khoa học tại Roumanie
Sự thay đổi trong tư duy và phương pháp giảng dạy của cô đã tạo nên những điều kỳ diệu. Những bài giảng của cô ngày càng trở nên sinh động và hấp dẫn, khơi dậy niềm đam mê học tập trong lòng sinh viên. Cô đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ sinh viên, giúp họ khám phá vẻ đẹp của tiếng Pháp và văn hóa Pháp.
Có thể khẳng định, những thành công mà cô Hoài Anh đạt được tại ULIS không chỉ là minh chứng cho tài năng và sự nỗ lực của cô, mà còn là sự lan tỏa của tinh thần dám nghĩ dám làm, dám dấn thân. Cô đã chứng minh rằng, chỉ cần có đam mê và lòng quyết tâm, chúng ta có thể vượt qua mọi giới hạn và đạt được những thành công rực rỡ.

Tham gia lớp học đa văn hóa tại Pháp

Tham dự hội thảo tại Roumanie

Trao đổi cùng trưởng khoa Pháp tại Đại học Ottawa (Canada)
“Cứ tự xoay sở đi, trời xanh sẽ giúp bạn”
“Sau một khoảng thời gian dài tập trung cho gia đình, cô mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu để đi báo cáo ở nước ngoài. Sắp tới, cô vinh dự được đi báo cáo tại Canada, Bỉ, Pháp và đồng thời cũng nhận được học bổng 3 tuần tại Bỉ. Cô dạy các môn về Văn hóa Pháp nên thật sự mong muốn đi để khám phá văn hóa các nước nói tiếng Pháp. Từ đó bản thân mình thấy mình “giàu có” và cũng sẽ mang những kiến thức đó vào bài giảng. Cô tin rằng học sinh thích học với những giáo viên nhiều trải nghiệm thực tế và cởi mở chia sẻ những điều này với học sinh – sinh viên”, cô Hoài Anh chia sẻ.

Tâm sự về câu nói tâm đắc nhất của mình: “aide-toi, le ciel t’aidera” (tạm dịch: “cứ tự xoay sở đi, trời xanh sẽ giúp bạn”), cô cũng muốn gửi lời khuyên dành cho các bạn sinh viên có ước mơ đi du học hay muốn theo đuổi nghề giảng dạy: “Theo cô, để trở thành một giáo viên, điều quan trọng là biết kiên trì, chịu khó và luôn giữ tình yêu đối với con người. Trước đây, bản thân từng làm việc không lương suốt ba năm tại một cơ sở giáo dục – khoảng thời gian đầy thử thách đã tôi luyện nên con người mình ngày hôm nay. Khi ấy, cô luôn tự nhủ rằng, nếu mình có giá trị, cơ quan mới tin tưởng và tiếp tục giao việc. Cô tin rằng, nếu chỉ nhìn vào số tiền kiếm được lúc đó, có lẽ mình đã không thể có những khoảnh khắc thăng hoa trong sự nghiệp giảng dạy tiếng Pháp như ngày hôm nay. Nếu có điều kiện, các bạn trẻ nên trải nghiệm du học, sống và học tập ở một môi trường mới ngoài quê hương để học cách chấp nhận sự khác biệt, khám phá tiềm năng bản thân và rèn luyện khả năng thích nghi. Khi mình còn trẻ, hãy nên thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, lúc đó mình mới biết mình là ai, những giới hạn của mình đến đâu. Và chính xác là cứ dấn thân thôi.”.
Hành trình trải nghiệm nghề giáo của cô Hoài Anh là một câu chuyện đầy màu sắc, trong đó có những gam màu của sự nỗ lực, của sự mệt mỏi nhưng cũng không thể thiếu đi những màu sắc tươi vui, năng động và đẹp đẽ để truyền một thông điệp quý giá tới các bạn sinh viên: Hãy nỗ lực, hết mình vì những gì bản thân cảm thấy xứng đáng. Hãy theo đuổi những điều mới lạ để khai phá những điều tiềm tàng mà bản thân chưa từng biết tới.
Hữu Phước/ĐSTT