Giới thiệu Bài thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU Tests)
Ngày 6/12/2023, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Giới thiệu bài thi Đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội (gọi tắt VNU Tests).
Hội nghị diễn ra nhằm thực hiện nhiệm vụ do Đại học Quốc gia Hà Nội giao để triển khai Đề án “Xây dựng định dạng và tổ chức bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp tại Đại học Quốc gia Hà Nội” (VNU Tests).
Tham dự Hội nghị, về phía ĐHQGHN có đại diện lãnh đạo Ban Giám đốc và lãnh đạo, cán bộ các đơn vị thành viên. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ có sự góp mặt của Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh, Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh bày tỏ sự vinh dự khi Trường Đại học Ngoại ngữ được giao trọng trách tổ chức VNU Tests nói riêng và giữ vai trò đầu mối trong thực hiện các cuộc thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong khối ĐHQGHN nói chung. TS. Đỗ Tuấn Minh cho rằng trong bối cảnh hiện nay không thể quá phụ thuộc vào các bài thi ngoại ngữ quốc tế mà chúng ta còn cần có trách nhiệm xây dựng một chương trình thi phù hợp với sinh viên để đánh giá khách quan nhất năng lực tiếng của các em. VNU Tests sẽ là một bước tiến mới giúp giải quyết vấn đề xét đầu vào và đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên các trường.
Cũng tại Hội nghị, các thầy cô đã được nghe ý kiến chỉ đạo đến từ Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải. Bày tỏ tin tưởng khi giao cho Trường Đại học Ngoại ngữ phụ trách xây dựng bài thi quan trọng này và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Nhà trường trong công tác triển khai Đề án, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải kỳ vọng VNU Tests có thể giúp đánh giá năng lực sinh viên ĐHQGHN một cách chính xác và hiệu quả nhất.
Tại hội nghị đã có phần trình bày 3 báo cáo. Với báo cáo “Bối cảnh xây dựng và thực hiện Đề án “Xây dựng định dạng và tổ chức bài thi ĐGNL NN theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp tại ĐHQGHN (VNU Tests)”, TS. Nguyễn Thúy Lan (Phòng Đào tạo, Trường ĐHNN, ĐHQGHN) đã khẳng định sự cần thiết của bài thi VNU Tests trước tình trạng nhiều sinh viên không thể xét tốt nghiệp đúng hạn do thiếu CĐR ngoại ngữ hay khó trúng tuyển vào khoa sau đại học do không đạt đầu vào ngoại ngữ. Cô cũng chia sẻ thêm về cấu trúc Đề án và các điều kiện đảm bảo chất lượng khi thực hiện đề án.
“Định dạng và quy trình đảm bảo chất lượng bài thi ĐGNL NN theo định hướng giao tiếp nghề nghiệp tại ĐHQGHN (VNU Tests)” là nội dung bài báo cáo của TS. Nguyễn Thị Quỳnh Yến (TTKT, Trường ĐHNN, ĐHQGHN). Cô cho biết ngoài tiếng Anh, hệ thống bài thi VNU Tests sẽ bao gồm 9 thứ tiếng khác là Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật, Hàn, Thái, Lào và Ả Rập. Các tác vụ, chủ đề cũng như kỹ năng, kiến thức đánh giá được xây dựng bám sát theo nội dung trong chương trình học của sinh viên. Điểm mới của kỳ thi VNU Tests lần này là thời hạn sử dụng giấy chứng nhận sẽ do đơn vị sử dụng giấy chứng nhận quy định thay vì đơn vị tổ chức thi. Lịch thi của VNU Tests dự kiến bắt đầu tổ chức từ đầu năm 2024 và được thông báo bằng văn bản gửi tới các đơn vị, các tổ chức có liên quan và đăng tải trên chuyên trang điện tử của Trường ĐHNN – ĐHQGHN để các đơn vị, cá nhân có nhu cầu được biết.
Bài báo cáo cuối cùng là của TS. Vũ Thị Thanh Nhã (Khoa tiếng Anh, Trường ĐHNN, ĐHQGHN) với chủ đề “Dạy tiếng Anh cho nhu cầu đa dạng trong ĐHQGHN”. Xuyên suốt báo cáo, cô đã đề cập tới các chính sách liên quan tới ngoại ngữ hiện nay và những định hướng sắp tới trong tương lai. Đồng thời, cô cũng bày tỏ sự quan tâm và đưa đề xuất trong việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ sinh viên, bồi dưỡng giáo viên và tăng cường sự hợp tác giữa các đơn vị trong ĐHQGHN.
Hội nghị đã tiếp tục với phiên thảo luận về hoạt động giảng dạy và xác định CĐR Ngoại ngữ bằng bài thi VNU tests trong ĐHQGHN.
Đại diện trường ĐH Kinh tế cho rằng triển khai đề án VNU Tests là một định hướng rất đúng đắn của ĐHQGHN, không chỉ giúp sinh viên có thêm lựa chọn về việc học ngoại ngữ và chứng chỉ để tốt nghiệp mà còn trau dồi năng lực tiếng sử dụng trong nghề nghiệp sau này.
Đại diện đến từ Trường ĐH Việt – Nhật bày tỏ sự nhất trí với chủ trương thực hiện đề án VNU Tests và mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong đào tạo ngoại ngữ đến từ trường Đại học Ngoại ngữ, từ đó giúp tăng tỉ lệ sinh viên ra trường đúng hạn.
Đại diện trường ĐH Giáo dục đề xuất một số hoạt động như tổ chức các khóa học bồi dưỡng kiến thức cho người học, xây dựng đề cương chi tiết phù hợp với từng đối tượng, linh hoạt thời gian giảng dạy và có sự phân hóa trình độ đầu vào của học viên…
Đại diện đến từ ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn bày tỏ hy vọng được cung cấp các thông tin đầy đủ về lịch thi, cấu trúc đề thi, định dạng bài thi cũng như các bài thi mẫu để thuận tiện cho việc truyền thông tới sinh viên; có thêm các buổi trao đổi về cách thức đào tạo ngoại ngữ trong ĐHQGHN, phối hợp với trường ĐHNN giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh….
Bế mạc Hội nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Nguyễn Xuân Long cam kết với Ban lãnh đạo ĐHQGHN và các đơn vị trong ĐHQGHN là Nhà trường sẽ hoàn thiện bài thi một cách tốt nhất, xây dựng quy trình thi đảm bảo tính nghiêm túc và học thuật. Hiệu trưởng khẳng định Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các trường thành viên ĐHQGHN trong công tác giảng dạy ngoại ngữ cũng như mong muốn được trao đổi sâu hơn với đại diện các trường về cách thức hỗ trợ sinh viên nhằm nâng cao chất lượng ngoại ngữ sau này.
Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp sau thời gian làm việc khẩn trương, tích cực và hứa hẹn giúp cho việc triển khai Đề án VNU Tests trong ĐHQGHN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.
Đọc thêm thông tin về bài thi tại ĐÂY.
Xem thêm ảnh tại ĐÂY.
Khánh Huyền/ULIS Media