Giảng viên 9x Lào và mong muốn truyền đam mê tiếng Lào cho sinh viên Việt Nam
Ngày 24/1/2019, Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN chính thức được thành lập. Đây là chủ trương của Nhà trường với mong muốn phát triển các ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Bộ môn cũng như công tác giảng dạy tiếng Lào, Nhà trường đã tuyển dụng hai giảng viên nam với tuổi đời còn rất trẻ. Đặc biệt, trong hai thầy giáo 9x có một chàng thanh niên quốc tịch Lào. Với ước mơ trở thành giảng viên và truyền tình yêu ngôn ngữ quê hương mình cho các bạn trẻ Việt Nam, thầy Phoumphithath OUPASEUTH đã đăng ký ứng tuyển và xuất sắc trải qua kỳ thi để trở thành giảng viên của Trường Đại học Ngoại ngữ.
PV: Chào Phoumphithath OUPASEUTH. Trước tiên hãy giới thiệu đôi điều về bản thân cho các thầy cô và sinh viên biết về mình nhé!
Sabaidee! Xin chào các bạn. Mình tên là Phoumphithath OUPASEUTH hay còn gọi là Phúc, quốc tịch Lào. Mình tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và hiện đang tiếp tục chương trình học Thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ quốc tế tại đây. Mình đã có thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam khoảng 5 năm.
Phoumphithath OUPASEUTH hay Phúc là giảng viên ngoại quốc mới nhất của ULIS
PV: Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao nhưng lý do gì mà Phúc lại muốn trở thành giảng viên?
Đây cũng là cái duyên! Trước đây, mình chưa từng nghĩ sẽ trở thành giảng viên bởi bản thân khi sang Việt Nam, mình đã có mong ước trở thành một nhà đối ngoại chính trị kết nối tình hữu nghị hai nước Việt – Lào nên mình đã đăng kí học tập tại Học viện Ngoại giao. Trong quá trình học tập tại đây, sống trong môi trường yêu cầu nhiều kỹ năng mềm, mình đã thử sức với việc giảng dạy tiếng Lào tại các trung tâm.
Ban đầu là để tiếp thu thêm kinh nghiệm, nhưng càng về sau, mình lại càng say mê công việc này lúc nào không hay và đó cũng là lý do khiến mình quyết định gắn bó với ULIS. Và công việc giảng viên đã đến với mình như một cơ duyên.
Thầy giáo 9x trẻ thành thạo tiếng Việt đã có nhiều kinh nghiệm dạy học
PV: Tuy mới chỉ gắn bó với trường vài tháng, bạn cảm thấy ULIS có những điểm gì đặc biệt khiến bản thân cảm thấy mình đã quyết định chính xác?
Ngay lúc này mình có thể kể ra hai điều mà mình thích nhất tại ULIS và cảm thấy đây là nơi làm việc lý tưởng cho bản thân. Một là ngôi trường có truyền thống đào tạo Ngôn ngữ hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng chính là môi trường tốt nhất để phổ biến ngôn ngữ Lào, tăng cường sự nhận biết văn hóa Lào tương xứng như quan hệ hai nước anh em
Thứ hai là sự nhiệt tình, thân thiện của các thầy cô trong trường. Phải thừa nhận rằng tuổi nghề bản thân mình vẫn còn hạn chế nhưng chính sự giúp đỡ hết sức của thầy Hiệu trưởng và các giảng viên bộ môn khiến mình thấy ngôi trường là sự lựa chọn mà mình hài lòng nhất cho đến giờ.
Phúc cũng có nhiều kinh nghiệm dịch thuật tại các sự kiện lớn
PV: Bạn nghĩ tiếng Lào có những điểm gì hấp dẫn với sinh viên Việt Nam? Hãy chia sẻ một số lời động viên học tiếng Lào với các em sinh viên nào!
Thực sự, tiếng Lào không quá phổ biến so với tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác nhưng rõ ràng nhu cầu tiếng Lào là rất lớn khi quan hệ hai nước Việt – Lào ngày càng bền vững. Vậy thì lợi ích thứ nhất là cơ hội nghề nghiệp rộng mở, sự cạnh tranh về nghề nghiệp ít hơn.
Một nỗi sợ điển hình là sợ khó mà sự thật thì ngược lại. Mặc dù là chữ cái tượng hình, không phải hệ thống chữ Latinh nhưng quy tắc tiếng Lào giống tiếng Việt vậy, không có quá nhiều sự khác biệt. Đừng quá lo lắng nhé!
Văn hóa Lào thì siêu thú vị, rất đáng để tìm hiểu.
Cái cuối cùng mà mình muốn động viên các bạn chân thành: Thường cái gì ít thì hiếm, một mình trong môi trường đầy tiềm năng thì bạn sẽ có nhiều lựa chọn.
Với Phúc, truyền tình yêu tiếng Lào cho học viên là điều ý nghĩa nhất khi trở thành giảng viên
PV: Hãy chia sẻ một vài dự định của bạn và Bộ môn trong thời gian tới?
Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Nam Á là bộ môn chỉ vừa mới thành lập. Nhưng mình và các thầy cô trong bộ môn cũng đang có rất nhiều dự định mà trước tiên là phải tập trung vào công tác giảng dạy tiếng Lào, tiếng Thái. Trong tương lai gần, Nhà trường cũng có kế hoạch thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Lào. Đây là dự án đi vào thực tế, giúp các bạn có cái nhìn rất rõ về Lào, một nước Lào thu nhỏ trong ĐH Ngoại Ngữ. Về tiếng Thái, tổ chức ngày hội tiếng Thái tại trường và mở thư viện tiếng Thái cũng là những dự định của Bộ môn.
PV: Cảm ơn Phúc về cuộc trò chuyện. Chúc bạn sẽ thực hiện được đam mê truyền tình yêu tiếng Lào cho thật nhiều sinh viên Việt Nam!
Theo bản tin ĐHQGHN