Gặp mặt Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngày 17/06/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).
Tham dự buổi gặp mặt có đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám hiệu; đại diện lãnh đạo và cán bộ các đơn vị phụ trách công tác báo chí, tạp chí, truyền thông trong trường; cùng đại diện các cơ quan báo chí như: báo VnExpress, báo VietNamNet, báo Dân trí, báo VTC News, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, báo Sinh viên Việt Nam, báo Tiền Phong, báo Kinh tế & Đô thị, báo Dân Việt…
Ngày 21/6/1925, báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra mắt số đầu tiên và dòng báo chí cách mạng Việt Nam bắt đầu hình thành từ đó. Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6 làm ngày Báo chí Việt Nam nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 21/6 hàng năm không đơn thuần là ngày lễ kỷ niệm mà còn là dịp để những người làm báo, người làm truyền thông có cơ hội được nhìn lại những năm tháng làm nghề của mình. Trường Đại học Ngoại ngữ cũng nhân dịp quan trọng này tổ chức buổi gặp mặt để các cán bộ làm công tác báo chí, tạp chí, truyền thông của trường cùng các nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí có dịp giao lưu và trao đổi kinh nghiệm.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhìn lại thành quả công tác truyền thông của Nhà trường trong năm học 2023 – 2024 với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ làm công tác truyền thông và báo chí của trường.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông gửi lời cảm các tới các thầy cô giáo và các nhà báo đã tham dự buổi gặp mặt. Đánh giá cao những đóng góp không thể phủ nhận của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục công dân và tạo dựng một xã hội thông tin mở cửa, minh bạch, Phó Hiệu trưởng cũng bày tỏ niềm tự hào về những cố gắng của đội ngũ truyền thông và báo chí của Trường Đại học Ngoại ngữ đã tạo ra những sản phẩm thông tin chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của ULIS. PGS. TS. Lâm Quang Đông đề nghị xây dựng mối quan hệ giữa Nhà trường và các cơ quan báo chí ngày càng bền chặt, với mong muốn rằng cả hai bên cùng phát triển và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong tương lai.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, PGS.TS. Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Mạng lưới Cựu học sinh sinh viên ULIS ALUMNI đã ghi nhận nhà báo tuy là một nghề vất vả, gặp nhiều khó khăn nhưng cũng đóng vai trò rất quan trọng bởi nhà báo không chỉ là người ghi chép sự kiện mà còn là người tạo dựng nên những giá trị, là tiếng nói của công lý và sự thật. Cho dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, nhà báo vẫn luôn giữ vững lập trường và tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực, góp phần lớn trong việc quảng bá hình ảnh và thông điệp sâu sắc tới cộng đồng. PGS.TS. Nguyễn Lân Trung cũng bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới, Trường Đại học Ngoại ngữ và các cơ quan báo chí truyền thông bên ngoài sẽ có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, qua đó nâng cao chất lượng thông tin và mở rộng tầm ảnh hưởng của truyền thông trong công tác giáo dục.
Ngoài ra, buổi gặp mặt cũng là dịp để các nhà báo và các cán bộ, sinh viên ULIS có cơ hội giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra những ý kiến đóng góp quý giá cho hoạt động báo chí, tạp chí, truyền thông của Nhà trường.
Tại buổi gặp mặt, đại diện Nhà trường đã trao quà tri ân cho các nhà báo và cán bộ làm công tác báo chí, tạp chí, truyền thông của ULIS. Chương trình gặp mặt khép lại với phần chụp ảnh lưu niệm.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 21/6, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Ngoại ngữ đã đi chúc mừng nhiều lãnh đạo, cơ quan báo chí.
Thăm và tặng quà chúc mừng Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc.