Cựu nữ sinh Chuyên Ngoại ngữ và trải nghiệm sống hết mình tại Israel
Sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, vào lớp 10, Hà Khánh Linh thi đỗ lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên ngữ (Hà Nội). Hai năm sau, em giành học bổng 85% học tiếp chương trình phổ thông ở Israel – một lựa chọn không mấy phổ biến.
Hoàn thành chương trình phổ thông ở Israel, Linh là một trong 11 học sinh trên toàn thế giới được nhận vào chương trình Babson Global Scholars (Học giả Toàn cầu Babson) với suất học bổng trị giá 69.250 USD/ năm trong vòng 4 năm.
Hà Khánh Linh và 2 người bạn thân trong lễ tốt nghiệp phổ thông ở Israel. Ảnh: NVCC |
“Israel chọn em”
Năm lớp 11, sau khi thất bại với học bổng UWC, Linh được giới thiệu tới EMIS (Eastern Mediterranean International School) – ngôi trường đã nhận và trao cho em suất học bổng 85% – mức cao nhất mà trường dành cho học sinh quốc tế. Linh trở thành học sinh Việt Nam đầu tiên của trường.
EMIS là một trường nội trú quốc tế với học sinh từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có 20% học sinh người Israel, 20% học sinh đến từ các nước Ả Rập (như Palestine, Morocco, Yemen) và 60% học sinh quốc tế.
Là trường phổ thông quốc tế đầu tiên tại Israel – nơi xảy ra một trong những cuộc xung đột dài hơi nhất thế giới, và cũng là khu vực có tình hình chính trị phức tạp nhất trên thế giới – EMIS được thành lập với sứ mệnh: Dùng giáo dục là lực đẩy cho hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông.
Linh cho biết: “Trường được đặt tại Israel, nơi xung đột vẫn tiếp diễn, nên học sinh chúng em thực sự được chứng kiến và hiểu cái giá của chiến tranh và trân trọng hòa bình hơn ai hết”.
Cô gái sinh năm 1998 chia sẻ chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình đi học ở Israel. Tuy nhiên, sau 2 năm sinh sống và học tập ở đất nước này, Linh đã có những trải nghiệm thực sự tuyệt vời. “Em cảm thấy nếu như nơi em đến không phải là Israel thì chắc chắn em đã không thể có cơ hội được khai thác hết các tiềm năng của bản thân, tìm thấy đam mê của mình, sống hết mình những năm tháng tuổi trẻ, có những người bạn tuyệt vời và rất nhiều những thứ tuyệt vời khác nữa”.
Chính vì thế mà cô bạn gọi mối duyên với Israel không chỉ là “em chọn Israel, mà còn là Israel chọn em”.
Linh và các bạn ở trường EMIS. Ảnh: NVCC |
Tinh thần khởi nghiệp từ trường học
Tinh thần “Chutzpah” và “Firgun” là những thứ mà cô gái Việt Nam nhắc đến nhiều trong những chia sẻ của mình. Theo Linh, đó là thứ tinh thần làm nên thành công của Israel như một Quốc gia khởi nghiệp.
Trong xã hội Israel hiện đại, “Chutzpah” miêu tả tinh thần táo bạo, gai góc, dám nghĩ dám làm.
Còn “Firgun” là một từ trong tiếng Do Thái hiện đại, chỉ hành động chia sẻ niềm vui, hay thậm chí là cống hiến cho sự thành công của người khác với một trái tim rộng mở, không toan tính, đố kỵ.
Ngay trên chính đất nước này, Linh đã nhận được tinh thần “Firgun” từ những người mà em không hề quen biết, thậm chí chưa từng gặp mặt. Bất kể người đó là Bộ trưởng, CEO của một công ty lớn hay sáng lập viên của một start-up triệu đô, em đều nhận được sự giúp đỡ không toan tính từ họ, chỉ cần em lên tiếng xin sự giúp đỡ.
“Ở EMIS, ba trụ cột mà trường định hướng phát triển cho học sinh là: Hòa bình – Ổn định – Khởi nghiệp, nên tất cả các hoạt động trong năm học đều xoay quanh 3 vấn đề này” – Linh chia sẻ.
Một trong những hoạt động nổi bật của trường là Jerusalem Week. Trong một tuần này, học sinh được di chuyển đến Jerusalem để có các hoạt động chung như dự các hội thảo, lắng nghe chính trị gia từ cả 2 phía của cuộc xung đột phát biểu, gặp tổng thống Israel và chia thành các nhóm nhỏ để tự hòa mình tìm hiểu về Jerusalem.
Vì Khởi nghiệp là một trong ba nội dung được trường tập trung phát triển cho học sinh nên ngay trong năm nhất đã có một lớp học bắt buộc về Khởi nghiệp, nơi học sinh được gặp và lắng nghe từ những doanh nhân ở Israel, chia nhóm và lên ý tưởng start-up. Trường cũng rất tạo điều kiện cho học sinh tham gia các sự kiện về khởi nghiệp ở ngoài trường.
Linh gặp Saul Singer – tác giả cuốn sách ‘Quốc gia Khởi nghiệp’. Ảnh: NVCC |
Trưởng thành từ Israel
Hai năm ở Israel là quãng thời gian tuyệt vời với Linh, không chỉ vì được gặp gỡ những người bạn từ khắp nơi trên thế giới, được học tập những điều mới lạ, mà đó còn là những ngày tháng giúp em trưởng thành.
Từ một cô bé ngoại tỉnh lên Hà Nội học, em trở thành đại diện học sinh Việt Nam đầu tiên ở EMIS, Israel. Từ một cô học sinh Việt Nam ngày đầu đến trường chỉ nói được đúng một câu “Xin chào. Tên tôi là Linh. Tôi đến từ Việt Nam”, rụt rè sợ hãi đến mức không dám giơ tay phát biểu trong lớp, em trở thành người dẫn chương trình 2 năm liên tiếp cho Hội nghị Hòa bình khu vực của trường và được bầu là đại diện học sinh phát biểu trong lễ tốt nghiệp. Từ một cô bé còn chưa biết làm gì với cuộc đời, tương lai mình, em phát triển được tinh thần Chutzpah, học được tinh thần Firgun, tìm được đam mê và thứ mà mình cần làm trong đời.
Chỉ 2 năm ngắn ngủi nhưng Linh đã kịp làm những thứ vô cùng thú vị ở đất nước này. Em cùng một nhóm 3 người bạn nữa người Israel xây dựng một ứng dụng dạy Toán cho trẻ từ 3-6 tuổi bằng cách phát triển cảm quan số học ở trẻ nhỏ. Tuy không có sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, nhưng ý tưởng và sản phẩm thử nghiệm được đại diện nhóm mang đi thi và đạt giải Nhất cuộc thi Beijing Youth Science Creation Competition và giải Nhì cuộc thi MIT Launch Club.
Em cũng là một trong hai người Việt đầu tiên được chọn vào chương trình Israel-Asia Leaders Fellowship – chương trình cung cấp các lớp tập huấn, kỹ năng lãnh đạo, các mối quan hệ cần thiết cho các sinh viên châu Á học tập và làm việc tại Israel, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Israel – Châu Á.
Linh là đại diện học sinh của trường lên đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC |
Hè năm ngoái, trong thời gian về Việt Nam, Linh tổ chức “talk show” mang tên“Du học Israel – Tại sao không?” với sự góp mặt của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, cung cấp các thông tin về học bổng và cơ hội học tập tại Israel cho các bạn trẻ Việt Nam.
Trên blog riêng, Linh cũng chia sẻ rất nhiều về những trải nghiệm của mình để mọi người hiểu hơn về Israel, hơn là hình ảnh một quốc gia Trung Đông chỉ có khói bụi và đạn bom.
Hiện tại, Linh đang ở Việt Nam nghỉ hè và không để cho bản thân nghỉ ngơi, tháng 8 này em tiếp tục tổ chức sự kiện Fuckup Nights Hanoi Vol.1. Fuckup Nights là một sự kiện được tổ chức tại hơn 250 thành phố trên hơn 80 quốc gia. Khác với nhiều sự kiện khác, Fuckup Nights là chuỗi sự kiện toàn cầu nơi các doanh nhân chia sẻ về một dự án kinh doanh thất bại trong quá khứ.
“Từng có cơ hội được tham gia Fuckup Nights ở Israel, em thực sự rất thích chương trình và thấy sẽ rất hay nếu có thể mang chương trình ở Việt Nam, nơi mà văn hóa Á Đông trọng thành công khiến các bạn trẻ ngày nay sợ thất bại” – Linh chia sẻ.
Không đi xa như vậy chỉ để dừng lại quá sớm
Linh nói gia đình luôn là nguồn động viên, là động lực lớn trong cuộc đời mặc dù em không thực sự có nhiều thời gian được ở cùng.
“Ngày bé vì gia đình khó khăn nên em ở cùng bà ngoại, bố mẹ em đi làm xa. Cộng với việc đi học xa nhà và ở một mình từ năm 14 khi ở Hà Nội nên em không thực sự có nhiều thời gian được ở với mọi người”.
Linh vẫn còn nhớ câu chuyện mà mẹ kể em nghe hồi em mới đi du học: Cậu em trai một lần đang chơi ở sân nhà thì nhìn thấy máy bay đi qua, cu cậu cứ ngẩng cổ lên trời, chạy theo cái máy bay đấy gọi tên chị Linh rồi ngã.
“Vậy nên hình ảnh bà còng lưng đạp xe, những cuộc điện thoại của bố mẹ khi xa nhà, lần vấp ngã của em trai luôn là lời nhắc nhở rằng em đã đi một chặng đường rất xa. Và em không đi xa như vậy chỉ để dừng lại ở đây, bởi em không chỉ cố gắng cho bản thân em mà còn cho gia đình mình nữa”.
Ước mơ của em là muốn có một “start-up” của riêng mình và góp phần xây dựng hệ thống sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trở thành một hệ thống phát triển, vững chắc và gắn kết như ở Israel. Đó cũng chính là lý do em chọn ĐH Babson – ngôi trường đứng số 1 của Mỹ trong 3 năm liên tục về giảng dạy khởi nghiệp.
(*Bài viết đã được đặt lại tiêu đề)