Cô gái khiếm thị trở thành giáo viên khi chạm ngõ với đam mê Tiếng Anh
Khuyết tật chỉ là bất tiện, không phải là bất hạnh
Tháng 7/2021 vừa qua, cô sinh viên khiếm thị Khương Thị Bích Hằng đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ. Sau 4 năm miệt mài với đam mê Tiếng Anh và với nghị lực phi thường để vượt lên số phận, Hằng hiện là Trưởng ban nội dung của dự án The EYES Project – dự án kết nối cộng đồng người khiếm thị và cộng đồng người không khiếm thị. Đồng thời, Hằng còn tham gia tình nguyện, dạy Tiếng Anh cho các bạn nhỏ cùng tổ chức Vietnam And Friends.
Để có được những thành công như hiện tại, Hằng luôn tự nhủ rằng: “Trong cuộc sống, mình không coi khiếm khuyết của bản thân là khó khăn mà luôn coi nó là động lực”. Gia đình cũng luôn là điểm tựa vững chắc, đồng hành cùng cô gái nhỏ. Bố mẹ Hằng luôn động viên con: “Con cứ học đi, học để có thêm nhiều trải nghiệm”.
Chạm ngõ với đam mê Tiếng Anh
Ngay từ khi sinh ra Hằng đã được chẩn đoán bẩm sinh không có dây thần kinh thị giác. Vượt lên số phận, cô gái nhỏ đã luôn cố gắng vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Khi nhận thức được khuyết điểm của bản thân, Hằng cảm thấy rất buồn vì mình khác với các bạn, không được vui chơi và phải học cách hòa nhập với mọi người xung quanh. Đến 8 tuổi, Hằng bắt đầu học lớp 1 ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, Hằng được làm quen với Tiếng Anh và mỗi ngày đều nghe chương trình dạy Tiếng Anh trên đài. Cứ thế, chẳng biết từ bao giờ, Hằng đã yêu thích Tiếng Anh đến vậy.
Khi ấy thì Hằng học chủ yếu qua các đồ vật xung quanh. Nếu thích bài hát nào, Hằng sẽ nhờ các anh chị tình nguyện viên đọc cho rồi tự chép lại bằng chữ nổi. Cuối cấp 2, được thầy cô định hướng theo học Tiếng Anh, Hằng đã quyết tâm học chuyên sâu vào môn học này. “Khi đã có mục tiêu rõ ràng rồi thì mình chỉ cần đi theo nó để phấn đấu”.
Khi bắt đầu quá trình học tại Đại học Ngoại ngữ (ULIS), Hằng gặp khó khăn lớn về tài liệu học tập. Do không có tài liệu chữ nổi nên các bạn khiếm thị phải dùng phần mềm đọc tài liệu máy tính. Tất cả tài liệu Hằng muốn có đều phải đi xin các thầy cô bản mềm của tài liệu. Khi đã có bản mềm thì lại gặp vấn đề lỗi phông chữ. Nhờ có các bạn trong câu lạc bộ “Niềm tin ánh sáng” của ULIS đã giúp Hằng đánh máy lại hoặc thu âm để có tài liệu học tập.
Ngay từ năm nhất đại học, Hằng đã ở ký túc xá với các bạn cùng lớp. Cô gái nhỏ đã nhận được sự giúp đỡ từ các bạn rất nhiều. Sự chủ động của bản thân đã giúp Hằng hòa nhập với các bạn cùng phòng rất nhanh. “Cùng nhau đi qua 4 năm Đại học, mình rất biết ơn thầy cô và các bạn học đã giúp đỡ mình. Nếu không có mọi người chắc mình cũng không được như bây giờ”, Hằng chia sẻ.
Lan tỏa những điều tích cực
Hiện nay, Hằng đang đồng cùng tổ chức Vietnam and Friends, dạy học cho các khiếm thị. Hằng cho biết: “Được mang những gì mình có để giúp đỡ các bạn cùng hoàn cảnh khiến mình cảm thấy rất hạnh phúc”.
Với kinh nghiệm của bản thân, Hằng đã đưa ra các biện pháp học tập phù hợp với người khiếm thị như học tiếng anh qua các đồ vật, các hoạt động hằng ngày, các bài hát… Các bạn học sinh rất chăm chỉ, nhiệt tình với việc học và hưởng ứng các hoạt động mà Hằng đưa ra. Đó là nguồn động viên to lớn để Hằng tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Tuy rằng quá trình học tập vất vả, khó khăn hơn các bạn bình thường nhưng không một ai bỏ cuộc. Hằng luôn chia sẻ với các học sinh rằng: “Khuyết tật chỉ bất tiện một chút chứ không bao giờ là bất hạnh cả. Dù mình có khiếm khuyết nhưng nếu cố gắng, tận dụng cơ hội để vươn lên thì đó cũng chỉ là một thử thách giống như bao người bình thường khác”.
Có tấm gương học tập của Khương Thị Bích Hằng, các bạn học sinh khiếm thị như có thêm động lực để cố gắng học tập, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống./.