“Chuyện của rừng xanh”- Hành trình tìm hiểu thiên nhiên tuyệt vời của học sinh UMS – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Chuyện của rừng xanh”- Hành trình tìm hiểu thiên nhiên tuyệt vời của học sinh UMS

“Rất bổ ích!

Rất tuyệt vời ạ!

Con mong con người nâng cao nhận thức để bảo vệ môi trường sống cho các loài thực vật.

Buổi hôm nay rất vui ạ, con mong là hết dịch để có thể trải nghiệm trực tiếp.”

Đó là những gì các bạn học sinh đã chia sẻ sau khi trải nghiệm “Chuyện của rừng xanh”. Các bạn có muốn biết buổi trải nghiệm tuyệt vời như thế nào không? Hãy cũng theo chân UMSer trên hành trình khám phá thiên nhiên thú vị này nhé!

Trong hai ngày 05 và 06 tháng 3 năm 20222, Trường THCS Ngoại ngữ phối hợp với Tổ chức Trải nghiệm thiên nhiên (Nature Expedition) tổ chức chương trình trải nghiệm “Chuyện của rừng xanh” dành cho học sinh toàn trường. Dù diễn ra trực tuyến, nhưng tất cả học sinh đều cảm thấy thú vị, bổ ích, các bạn được tăng thêm vốn hiểu biết về thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo tồn hệ sinh thái.

100% học sinh toàn trường tham gia lắng nghe “Chuyện rừng xanh”

Sau phần ổn định và làm quen, các bạn học sinh tham gia vào chương trình đố vui bằng hình ảnh, âm thanh về các loài động thực vật hoang dã trong tự nhiên qua ứng dụng Blooket. Những câu hỏi thú vị về thế giới sự sống, sự đo tài của các bạn học sinh đã khiến cho không khí lớp học trở nên vui vẻ ngay từ đầu, tạo nên sự kết nối thân thiết. Trò chơi cũng đã giúp các bạn học sinh nhận thấy được sự đa dạng, phong phú của các loài động thực vật đang sinh sống trong các hệ sinh thái tự nhiên xung quanh chúng ta.

Tại hoạt động thứ hai, học sinh vượt qua thử thách gọi tên các mẫu tiêu bản động vật, kể ra một số đặc điểm nổi bật của chúng. Quả là thiên nhiên diệu kỳ khi mang đến cho chúng ta quá nhiều loài vật, loài côn trùng… mà những tương đồng về hình thể khiến chúng ta khó nhận ra. Rất nhanh, các bạn học sinh đã tìm ra câu trả lời, và dưới sự tận tình của các giảng viên, một một số thông tin thú vị và nhận dạng đặc trưng cho loài đó đã được cung cấp cho học sinh khiến việc nhận diện các loài trở nên đơn giản hơn khá nhiều.

Những tiêu bản côn trùng, giúp các bạn quan sát rõ ràng và chi tiết hơn từng tiến hóa thích nghi của sinh vật

Tạm biệt đầu cầu Hà Nội, UMSer khám phá sự chuyển mình bên trong cánh rừng già tại điểm cầu Vườn Quốc gia Cúc Phương – Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam, nơi được mệnh danh là “mái nhà của đại gia đình bảo tồn” – là nơi tập trung đầu não của nhiều trung tâm nghiên cứu, bảo tồn hàng đầu cùng nhiều loài sinh vật quý hiếm.

Các thầy giảng dạy trực tiếp tại Vườn Quốc gia Cúc Phương với sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật

Những câu chuyện thực tế, sinh động kết hợp với những âm thanh thú vị sẽ được truyền tải trực tiếp tới học sinh từ khu rừng nơi chuyên gia đang có mặt.

Trên đường di chuyển của các chuyên gia, học sinh được gặp gỡ, lắng nghe các câu chuyện thú vị của một số loài sinh vật đặc trưng tại địa điểm đó. Từ đó, các nhóm ngành động thực vật hiện lên một cách chân thực dựa trên kết nối thời gian lâu dài trong các tiến trình diễn thế sinh thái cũng như sự tương tác lẫn nhau của các sinh vật sống, của các vật không sống và vai trò quan trọng của chúng với nhau trong cùng một nơi sống hiện lên rõ nét trước mắt học sinh. Nội dung của buổi học cũng được thay đổi linh hoạt trên đường di chuyển của chuyên gia cho phù hợp với học sinh từng khối lớp.

Cuộc sống của các sinh vật được hiện lên rõ nét

Nhiều bạn đã thốt lên hoảng hốt, khuôn mặt tỏ rõ sự ngạc nhiên khi các thầy cầm rết trên tay, ngắm những con tắc kè sống trong rừng, phân biệt cóc và ếch, hay nhìn loài bọ bơi ngửa với cách di chuyển tựa như vận động viên chuyên nghiệp… Cũng qua những câu chuyện trong hành trình khám phá rừng xanh, các thầy đã trang bị cho các bạn một trong những kỹ năng quan trọng khi di chuyển trong rừng: hãy bình tĩnh, hãy quan sát và lắng nghe âm thanh của cuộc sống, của muôn vàn loài vật trong rừng với sự trân trọng – cánh rừng sẽ đưa chúng ta đến với nhiều kỳ quan tiến hóa hằng triệu năm trong tập tính, đặc điểm của các loài sinh vật.

Khi hiểu, chúng ta sẽ thấy cả rết và cuốn chiếu đều hiền lành và thật có ích chứ không hề độc ác.

Tại rừng, các thầy còn trực tiếp làm một thí nghiệm thể hiện vai trò của rừng già và tầng thảm mục trong việc chống xói mòn, lũ quét, hỗ trợ hình thành hệ nước ngầm. Học sinh quan sát thực tế thí nghiệm trên mô hình tại thực địa, đưa ra các quan sát và nhận xét về vai trò, chức năng cũng như tầm quan trọng của khu rừng cùng các sinh vật sống đối với con người và cuộc sống. Tuy nhiên, nếu xét theo chiều ngược lại, những hành động của con người trong suốt chiều dài lịch sử có tác động như thế nào tới khu rừng và các loài động thực vật. Và rồi, chính học sinh đã “Oà” lên, khi biết chính con người đang biến đổi thiên nhiên theo hướng xấu đi, qua đó nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Thí nghiệm về sự xói mòn của đất, khiến học sinh nhận thức rõ hơn vai trò của rừng đối với sự sống

Trong lúc các thầy tại Vườn Quốc gia di chuyển đến Trung tâm Cứu hộ các loài linh trường, UMSers được tham gia vào một trò chơi thú vị. Các bạn được chia vào các breakout room và thực hiện thử thách trên Jamboard xây dựng một cây sự sống với hệ thống ổ sinh thái, lưới thức ăn đa dạng, phong phú, gắn kết chặt chẽ trong tự nhiên. Sau khi các nhóm hoàn thành, dưới sự phân tích của giảng viên, học sinh đã hiểu hơn về tầm quan trọng của lưới thức ăn, đặc biệt là các loài đứng đầu các chuỗi, bên cạnh đó, tham số con người sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cục diện lưới, cùng chờ đón những tranh luận thú vị của các bạn học sinh!

Trò chơi trí tuệ trên cơ sở kiến thức đã học khiến các bạn cảm thấy hào hứng

Đang hào hứng với trò chơi, các bạn giật mình nghe tiếng kêu của một loài động vật. Tiếng “hót” của các chú vượn tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp EPRC đưa các bạn trở lại nơi rừng xanh, phía sau những tấm lưới. Nơi đây, các cô chú của Trung tâm đang ngày đêm cứu hộ, chăm sóc, bảo vệ các loài linh trưởng tuyệt đẹp của Việt Nam, biến nơi đây trở thành Ngôi nhà thứ 2 của các bạn ấy. Những câu chuyện về hành trình phát hiện, bảo tồn và phát triển các loài linh trưởng của các nhà khoa học, những nhân viên kiểm lâm, hay các cô chú bảo hộ không chỉ chứa đựng sự đam mê đối với nghiên cứu khoa học, mà hơn tất cả, là tình yêu đối với muôn loài, sự hi sinh thầm lặng để bảo vệ đa dạng sinh học khiến các bạn nhỏ thực sự cảm động.

Thú vị với loài Voọc chà bá chân nâu với cái tên “nữ hoàng linh trưởng”

Cuối buổi học, rất nhiều bạn mong muốn được đi trải nghiệm thực sự tại Vườn Quốc gia, bạn Ái Quốc – học sinh lớp 6A4 dành lời cảm ơn tới các thầy cô: “Con xin cảm ơn các cô và thầy đã cho bọn con tham quan và tìm hiểu nhiều loài sinh vật ở rừng Cúc Phương con xin cảm ơn các cô và thầy đã cho bọn con được tìm hiểu nhiều hơn về sinh học ạ”.

Bạn Đỗ Minh Quân, học sinh lớp 8A2 chia sẻ: “Con thấy buổi trải nghiệm rất hay, rất hữu ích. Buổi trải nghiệm làm con biết thêm rất nhiều động vật, thực vật, những sự thật rất hay về các loài động vật. Thêm nữa phần trò chơi rất vui, mang tính tương tác. Đây là lần đầu tiên con trải nghiệm online nên con rất là vui. Con xin gửi đến các thầy các cô những lời cảm ơn chân thành nhất vì đã dành ra rất nhiều thời gian để truyền đạt kiến thức và đem lại những thời gian vui vẻ cho chúng con mặc dù dịch bệnh gây khó khăn nhưng các thầy cô vẫn không để nó cản bước”.

Trang padlet chứa nhiều cảm xúc của học trò

“Chuyện của rừng xanh” đã khiến cuối tuần của UMSers trở nên thú vị và tuyệt vời hơn bao giờ hết. Xin được gửi lời cảm ơn và khâm phục sự đam mê, lòng nhiệt thành và tình yêu của các thầy cô Tổ chức Trải nghiệm thiên nhiên. Hy vọng rằng, sau hành trình khám phá đầy thanh và sắc này, các bạn nhỏ sẽ bồi dưỡng thêm tình yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Hẹn gặp lại những cánh rừng già khi dịch bệnh đã đi qua, để các bạn nhỏ UMS được trực tiếp kể câu chuyện rừng xanh của chính mình với những khát khao khám phá.

UMS Media – Nature Expedition