Búp bê Daruma – Biểu tượng may mắn của người dân Nhật Bản
Đây được coi là biểu tượng mang lại may mắn cho người dân Nhật Bản. Vì vậy, búp bê Nhật Bản Daruma là một trong những món quà nhỏ xinh xắn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa mà người Nhật thường hay tặng nhau trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật.
Búp bê Daruma xuất hiện vào thời kỳ Edo của Nhật Bản, được mô phỏng hình dáng ngồi thiền của Phật Bồ Đề Lạt Ma và cái tên Daruma cũng bắt nguồn từ tên của vị Phật này theo tiếng Nhật Bản. Chuyện kể rằng, đức Bồ Đề Đạt Ma ngồi thiền suốt 9 năm không nghỉ. Trong thời gian đó, tay chân của Bồ Đề Đạt Ma đã trở nên teo đi, nhăn nheo và thoái hóa. Ngài cũng cắt mí mắt của mình do tức giận vì ngủ quên trong lúc thiền định. Người Nhật đã dựa vào điển tích này để tạo ra những con búp bê Daruma hình tròn, không có chân tay hay mắt, mô phỏng theo tư thế thiền định của đức Bồ Đề Đạt Ma.
Búp bê Daruma được các nghệ nhân Nhật Bản làm thủ công bằng giấy bồi truyền thống, có hình dạng tròn, rỗng và nặng ở phía dưới. Búp bê Daruma không bao giờ bị ngã tượng trưng cho ý chí kiên cường, không bao giờ gục ngã trước khó khăn của người Nhật. Hiện nay, búp bê Daruma được gọt giũa và trông như một con lật đật tròn trải qua 18 bước thủ công vô cùng công phu, tỉ mỉ và vất vả.
Nói về việc sản xuất loại búp bê truyền thống này, ông Hirohisa Imai là thế hệ thứ 4 trong một gia đình có truyền thống làm búp bê Daruma ở Takasaki cho biết: “Hiện nay tôi đang áp dụng công nghệ vào việc thiết kế và sản xuất loại búp bê truyền thống này. Nhờ vào việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, tôi có thể tạo ra được sản phẩm đẹp hơn và số lượng nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng đây là những điều tốt nhất tôi có thể làm. Đó là sự sáng tạo của chúng tôi trong việc sản xuất búp bê Daruma truyền thống”.
Nét đặc trưng dễ thấy của búp bê Daruma là chúng hoàn toàn không có tròng mắt. Một ý nghĩa sâu xa khác liên quan tới việc người Nhật tạo ra những con búp bê Daruma để chúng theo dõi mục tiêu và đốc thúc họ thực hiện nhiệm vụ đó trong năm. Khi mua búp bê Daruma về, người Nhật sẽ dùng bút lông vẽ lên một bên mắt búp bê Daruma để thể hiện lòng quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi mục tiêu đã được hoàn thành, họ sẽ vẽ nốt bên mắt còn lại.
Sau một năm kể từ khi mua búp bê Daruma, người Nhật mang búp bê về ngôi chùa họ đã mua nó và thực hiện nghi thức đốt búp bê Daruma, dù điều ước của họ đã thành hiện thực hay chưa. Một số ngôi chùa tại Nhật Bản tổ chức nghi lễ daruma kuyo hay dondoyaki, tại đó hàng cột búp bê Daruma được đốt cùng lúc.
Màu sắc phổ biến nhất của búp bê Daruma là màu đỏ, bắt nguồn từ màu áo đỏ của Bồ Đề Đạt Ma. Một truyền thuyết khác lại kể rằng, màu đỏ của búp bê Daruma có thể liên quan tới giai đoạn xa xưa khi dịch đậu mùa hoành hành tại Nhật Bản. Người dân khi đó bắt đầu mặc các trang phục màu đỏ để yên lòng các vị thần và giúp đẩy lùi dịch bệnh. Những con búp bê Daruma được coi như lá bùa giúp xua đi bệnh tật và là biểu tượng của sự hồi phục.
Năm nay là năm Tân Sửu, do đó, những nghệ nhân tại đây đã tạo ra các con búp bê riêng cho năm Sửu với những mảng màu trắng và đen, tượng trưng cho sức khỏe và thành công trong năm mới.
Ngày nay, búp bê Daruma là món quà lưu niệm nổi tiếng với nhiều du khách khi du lịch tới Nhật Bản. Ngoài ra, nó còn được đông đảo người dân Nhật Bản ưa thích và mua trưng bày ở những góc trang trọng trong nhà với niềm tin những con búp bê sẽ giúp họ đạt được mục tiêu trong cuộc sống./.