Bài luận về cốc nước cam giúp nữ sinh Chuyên Ngoại ngữ giành suất học bổng hơn 6 tỷ
Bài luận kể về cốc nước cam không đường được mẹ pha cho đã giúp Lan Nhi giành được học bổng hơn 6 tỷ đồng từ đại học Mỹ.
Giữa tháng 12, Vũ Ngọc Lan Nhi, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận được thư báo trúng tuyển trong đợt tuyển sinh sớm của 2 ngôi trường tại Mỹ. Trong đó, Nhi nhận được suất học bổng bằng 95% học phí khi theo học tại Grinnell College (top 11 Liberal Art College).
Đạt mức điểm SAT 1520/1600, IELTS 8.0, Nhi từng lo lắng vì nghĩ sẽ có nhiều hồ sơ xuất sắc hơn mình. Vì thế, nữ sinh chuyên Ngữ cảm thấy bất ngờ trước kết quả này.
Ước mơ du học của Nhi bắt đầu nhen nhóm kể từ khi em học lớp 7. Thời điểm đó, Nhi đang theo học tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm). Em là một trong những học sinh của trường được lựa chọn tham gia cuộc thi Khoa học quốc tế (ISC).
Trong 2 năm tham gia cuộc thi, ngoài các giải thưởng, điều giá trị hơn cả Nhi nhận về là cơ hội được giao lưu, trao đổi với bạn bè đến từ nhiều quốc gia. “Em ấn tượng với những người bạn Singapore, có thể vì môi trường học cạnh tranh nên các bạn rất ưu tú và tài năng. Trải nghiệm trong sự đa văn hóa ấy càng khiến em muốn được vươn ra ngoài thế giới”. Vì thế lên cấp 3, Nhi bắt đầu lên kế hoạch từng bước hiện thực hóa ước mơ này.
Từng “cày cuốc” để thi đỗ vào 3 trường chuyên “đình đám” ở Hà Nội, hiểu được những băn khoăn, lo lắng của học sinh THCS khi chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, Nhi tham gia vào một dự án nhằm tư vấn, cung cấp thêm thông tin cho các em cấp THCS.
Năm lớp 11, Nhi đóng vai trò là phó ban tổ chức của dự án, trực tiếp tổ chức các “tour” đi tới từng trường THCS để tư vấn, chia sẻ thông tin tới các phụ huynh và học sinh lớp 9.
“Khi được nói chuyện với học sinh và phụ huynh, em nhìn thấy hình ảnh của bố mẹ mình trước đây. Nhiều phụ huynh tâm sự rằng họ lo lắng vì việc ôn thi vào trường chuyên sẽ rất vất vả, tốn tiền của, công sức mà chưa chắc đã đỗ vào trường.
Thậm chí, họ cho rằng đây là một ván cược khá lớn. Vì thế, dự án sẽ giúp phụ huynh và học sinh có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn, đồng thời cung cấp cho học sinh tài liệu để ôn tập nếu có nhu cầu”.
Đến hiện tại, dự án này đã có hơn 60.000 lượt theo dõi trên nền tảng xã hội. Nhi cho biết, điều em cảm thấy vui là sau dự án, em được gặp lại nhiều bạn từng có những băn khoăn, khi được tư vấn đã lựa chọn và thi đỗ vào trường.
Ngoài ra, Lan Nhi còn tham gia Hội vui Khoa học tự nhiên do Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ tổ chức với vai trò là Trưởng nhà. Đây là hội thao thường niên được tổ chức với nhiều hoạt động thi đua, thực hành thí nghiệm giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với kiến thức về các môn tự nhiên hơn.
Lần đầu tiên quản lý hơn 400 người, Nhi từng lo lắng làm sao giữ được tinh thần hứng khởi, không khí vui vẻ cho mọi người khi tham gia. Vượt qua những trăn trở, gần 2 tháng ấy đã giúp Nhi trưởng thành hơn và nhận ra nhiều bài học giá trị về cách quản lý.
“Sự trưởng thành” này cũng được Nhi đưa vào bài luận chính. Em kể về việc mỗi ngày đều được mẹ pha cho một cốc nước cam không đường nên rất khó uống. Nó cũng giống như ngôi nhà màu cam của em tại hội thao và việc em tham gia với vai trò quản lý, nhiều khi cũng rất khó nhằn.
“Một ngày khi em rất stress, mẹ đã pha cho em một cốc nước cam có đường. Khi nhận được cốc nước cam từ mẹ, em chợt nhận ra rằng việc đối xử “ngọt ngào” với mọi người, biết lắng nghe và tạo không khí vui vẻ sẽ đem lại những hiệu quả bất ngờ. Và quả thực, tinh thần ấy đã đưa chúng em giành được ngôi vô địch”.
Trong bài luận, Lan Nhi nói về những thay đổi của bản thân qua các trải nghiệm đã đem lại hiệu quả tích cực thế nào. “Em nghĩ điều này phù hợp với những điều trường đang tìm kiếm. Hồ sơ của em tuy không quá trau chuốt, nhưng nó thể hiện rất thật con người em”.
Lan Nhi bắt tay viết luận khá muộn, khi đã vào cuối tháng 9. Người luôn đồng hành, hỗ trợ em trong quá trình này là một người bạn cùng lớp.
“Chúng em thường ngồi nói chuyện với nhau về những chủ đề có thể đưa vào bài luận, cuối cùng nhận ra bài luận ý nghĩa nhất là “be yourself” – là chính mình và kể những câu chuyện của chính mình”.
Ngoài ra, theo Nhi, một điểm cộng của em khi “apply” hồ sơ Mỹ chính là sự chủ động. Vì yêu thích trường nên khi hay tin có đại diện tuyển sinh của trường đến Việt Nam, dù khi ấy chưa nộp hồ sơ và trường cũng không bắt buộc, Lan Nhi vẫn xin được tới phỏng vấn với ban tuyển sinh.
“Trong buổi phỏng vấn, em được hỏi rất nhiều câu như tại sao lại yêu thích trường, về sở thích, môn học em hứng thú và muốn tìm hiểu ở bậc đại học… Trước đó, em không biết phải chuẩn bị gì, vậy nên cứ là chính mình. Những thứ em thể hiện đều có sự nhất quán, thể hiện được hành trình của em tại sao lại đi được đến những dự định mong muốn ở đại học”.
Theo Nhi, khi được nói chuyện trực tiếp như vậy, đại diện trường cũng sẽ hiểu hơn về ứng viên và những thứ ứng viên có thể làm cho trường.
“Nếu mình tạo ra những thứ không phải là bản thân mình thì khi vào trường cũng sẽ không phù hợp. Do đó, em nghĩ câu chuyện của mỗi người sẽ khác nhau, quan trọng ứng viên cần chân thật với bản thân và thể hiện được hành trình của mình”.
Nhi cũng cho rằng, sẽ không có một công thức chung nào để vào các trường của Mỹ. Quan trọng nhất là sự kết nối phù hợp với trường.
“Sự phù hợp là điều quan trọng trong việc nộp hồ sơ vào các trường Mỹ. Khi mình thể hiện suy nghĩ qua các hoạt động, bài luận, trường sẽ thấy được định hướng, tư tưởng, suy nghĩ của mình có phù hợp với trường hay không. Do đó, chuyện đỗ trượt không hẳn chỉ phụ thuộc vào hồ sơ có mạnh hay yếu mà còn phụ thuộc vào việc ban tuyển sinh thấy được mình sẽ đóng góp được gì khi vào trường”.
Cho nên, với những bạn không đỗ trong đợt sớm, theo Nhi đây sẽ là cơ hội để giúp các bạn có nhiều thời gian tìm ra trường yêu thích. ”Việc bị từ chối đôi khi sẽ là một sự định hướng lại. Sau này khi nhìn lại, bạn sẽ thấy may mắn vì không đỗ vào ngôi trường đó, bởi ngôi trường mình đỗ vào chính là nơi yêu thích và phù hợp hơn”.
Tháng 8/2024, Lan Nhi sẽ lên đường tới Mỹ. Nhi cho biết em dự định sẽ theo học ngành Chính sách công. “Em từng đi xe ôm công nghệ và nhận ra một chính sách được đưa ra có thể tác động trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người. Vì vậy, em mong muốn có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách sau khi tốt nghiệp tại Mỹ”, Nhi nói.