10 sự kiện và thành tựu nổi bật của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN năm 2018 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

10 sự kiện và thành tựu nổi bật của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN năm 2018

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trân trọng giới thiệu 10 sự kiện và thành tựu nổi bật trong năm 2018. Đây là một năm Nhà trường có nhiều sự kiện, hoạt động về nhiều mặt.

Clip 10 sự kiện và thành tựu nổi bật của ULIS năm 2018 

  1. Tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế One Asia Hanoi 2018

Từ ngày 3 đến ngày 4/8/2018, tại Khách sạn Lotte-Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế One Asia tại Hà Nội 2018 với chủ đề “Hy vọng tương lai”. Hội thảo do Quỹ One Asia phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đăng cai tổ chức đã thu hút hơn 600 đại biểu (trong đó có 525 đại biểu quốc tế) đến từ 300 trường đại học và cao đẳng thuộc 31 quốc gia châu Á và các khu vực khác trên thế giới. Hội thảo là diễn đàn cho các chính khách, các nhà quản lý và các nhà khoa học chia sẻ kiến thức, ý tưởng, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả nhằm thực hiện tôn chỉ là tạo lập cộng đồng châu Á trong tương lai không xa. Hội thảo bao quát các chủ đề đa dạng như tiến trình hình thành, tạo lập Cộng đồng châu Á, chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội, lịch sử, giáo dục, tư tưởng, triết học, tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật, truyền thông và những vấn đề liên quan khác.

Đọc thêm: TẠI ĐÂY.

  1. Ban hành và triển khai Đề án đổi mới thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN giai đoạn 2018-2020

Đề án đổi mới thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên Trường ĐHNN-ĐHQGHN, giai đoạn 2018-2020 (Tên rút gọn: Đề án học tập qua trải nghiệm – Tên tiếng Anh: The Learning by Doing Project/ LBD Project) được ký quyết định ban hành vào ngày 1/6/2018. Đề án được áp dụng cho toàn bộ sinh viên chính quy trong trường với 4 định hướng cụ thể là: Tạo thay đổi căn bản về hoạt động thực hành, thực tập và đào tạo kỹ năng bổ trợ tại trường theo hướng đẩy mạnh việc tích hợp đào tạo kỹ năng bỏ trợ trong chính hoạt động thực hành, thực tập; Tăng cường sự tích cực của sinh viên trong việc tự rèn luyện kỹ năng bổ trợ, xây dựng thái độ làm việc nghiêm túc và tính chủ động trong tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm; Nâng cao ý thức của cán bộ, giảng viên về vai trò đồng hành cùng sinh viên tạo điều kiện tối đa để sinh viên được rèn luyện trong môi trường phát triển năng lực, phẩm chất, thái độ bản thân; Tăng cường kết nối doanh nghiệp, kết nối các cơ sở giáo dục đào tạo và đẩy mạnh xã hội hóa trong việc đào tạo kỹ năng bổ trợ và giới thiệu các hoạt động kiến tập, các công việc thực tập có trả lương.

Mục tiêu chung của đề án là đổi mới hoạt động thực hành, thực tập và phát triển kỹ năng bổ trợ cho sinh viên trường thông qua việc xây dựng Hồ sơ thực tập theo hướng tích hợp các hoạt động, tạo ra môi trường rèn luyện kỹ năng, phẩm chất và thái độ đồng thời nâng cao tính chủ động, tích cực của sinh viên nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên trong quá trình học tập và ngay sau khi ra trường. Đề án học tập qua trải nghiệm bao gồm 5 nội dung (từ khóa) quan trọng là “Học đi đôi với hành”, “Hồ sơ thực tập”, “Thực hành”, “Thực tập” và “Các kỹ năng mềm” sẽ được thể hiện qua các sản phẩm cụ thể.

Đọc thêm: TẠI ĐÂY.

  1. Tuyển sinh và tổ chức đào tạo có hiệu quả 3 chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung Quốc)

Trong đợt tuyển sinh năm 2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã có khoảng 1.500 em trúng tuyển và nhập học ở 18 ngành đào tạo đại học chính quy, có 132 sinh viên nhập học hệ liên kết quốc tế và 312 sinh viên nhập học CTĐT thứ hai. Ở bậc THPT, Chuyên Ngoại ngữ chào đón 833 tân học sinh K50. Ở bậc sau đại học, Nhà trường tiếp nhận 141 học viên cao học, 10 NCS. Năm nay cũng là năm ULIS tuyển sinh CTĐT thạc sĩ Ngôn ngữ Hàn Quốc đầu tiên trên cả nước.

Trong thành công của công tác tuyển sinh năm nay, một điểm đáng chú ý là Nhà trường đã tuyển sinh thành công 322 em sinh viên CTĐT CLC theo Thông tư 23 (CLC Ngôn ngữ Trung Quốc, CLC Ngôn ngữ Hàn Quốc và CLC Ngôn ngữ Nhật Bản). Đây là các chương trình mới bắt đầu được triển khai từ năm nay nhưng đã thu hút sự quan tâm đông đảo của thí sinh và phụ huynh. Các CTĐT này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao với cam kết chất lượng cao về chương trình học, chuẩn đầu ra, cơ sở vật chất,… với nhiều chính sách đặc biệt. Các CTĐT CLC đều đang được triển khai và thu nhận được những phản hồi tích cực.

Đọc thêm: TẠI ĐÂY.

  1. Xây dựng thành công 3 chương trình đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức)

Trong năm 2018, với định hướng đầu tư phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao, Nhà trường tiếp tục xây dựng và hoàn thành thêm 3 CTĐT CLC mới là Ngôn ngữ Anh CLC, Ngôn ngữ Pháp CLC, Ngôn ngữ Đức CLC. Các chương trình này sẽ bắt đầu triển khai tuyển sinh từ năm 2019.

Đọc thêm: TẠI ĐÂY.

  1. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển của Trường

Năm 2018, Trường Đại học Ngoại – Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai công tác tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển. Một số dự án đã được thực hiện là: Cải tạo và bổ sung thêm 10 phòng học ở các khu nhà B2 và C2; hoàn thành lắp đặt hệ thống điều hòa, máy chiếu cho 100% số lượng phòng học (192 phòng); lắp đặt hệ thống camera tại nhà A2; lắp đặt hệ thống Wifi miễn phí trong khu vực trường; mở cửa Không gian tự học của sinh viên,…

  1. Hoàn thành đúng thời hạn và vượt mức các sản phẩm về đề tài khoa học trọng điểm cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Bắc

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng để thực thi công vụ và dịch vụ trong xu thế hội nhập quốc tế ở vùng Tây Bắc” (gọi tắt là Đề tài Tây Bắc) thuộc Chương trình Tây Bắc là dự án trọng điểm cấp Nhà nước lớn nhất từ trước đến nay mà Nhà trường đã đấu thầu thành công, được Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Chương trình phê duyệt và ký hợp đồng ngày 30/10/2017.

Đề tài có sự tham gia của những cán bộ khoa học, chuyên gia đào tạo nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức và quản lý đào tạo cho các đối tượng khác nhau, cả sinh viên, học viên chuyên ngữ lẫn không chuyên với mục đích và nhu cầu sử dụng ngoại ngữ đa dạng. Được thừa hưởng các thành quả của các công trình nghiên cứu đi trước, trên quan điểm kế thừa những giá trị trong kho tàng văn hóa bản địa, tiếp thu những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết từ những dự án, đề tài hứa hẹn có những đề xuất mang tính đột phá về mặt hiệu quả trong việc xây dựng mô hình nâng cao năng lực tiếng Anh và tiếng Trung Quốc phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc biệt nhấn mạnh việc đáp ứng đúng và hiệu quả nhu cầu sử dụng của cán bộ viên chức các ngành Hải quan, Ngoại vụ, Du lịch và Biên phòng trong thực tế thực thi công vụ và dịch vụ.

Sau một năm tích cực triển khai, Đề tài đã hoàn thành đúng kế hoạch và vượt mức với hệ thống sản phẩm cụ thể có tính ứng dụng cao phù hợp với nhu cầu của xã hội. Tổng cộng có 35 sản phẩm bao gồm 14 chương trình và 21 tài liệu đã được Nhà trường thiết kế và biên soạn trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước mã số KHCN-TB.26X/13-18.

Đọc thêm: TẠI ĐÂY.

  1. Ban hành và triển khai áp dụng Khung năng lực và phẩm chất học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ vào việc tổ chức dạy, học và rèn luyện ở Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ

Ngày 29 tháng 12 năm 2017, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu Trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 2728/QĐ-ĐHNN ban hành Khung phẩm chất và năng lực học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (còn gọi là Chân dung của học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ). Khung phẩm chất và năng lực học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ quy định các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, quy định những nguyên tắc và định hướng chung cho các hoạt động giáo dục của Trường (hoạt động dạy học, hoạt động bổ trợ và hoạt động ngoại khóa). Theo đó, một học sinh phải có đủ 10 năng lực gồm: thấu hiểu bản thân, tự chủ và tự học; giao tiếp, hợp tác và lãnh đạo; giải quyết vấn đề, năng động và sáng tạo; ngôn ngữ; tính toán; tìm hiểu tự nhiên và xã hội; công nghệ; tin học; thẩm mỹ; thể chất. Bảy phẩm chất gồm: yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, tự trọng, chăm chỉ và kỷ luật. Khung năng lực và phẩm chất đã và đang được áp dụng vào việc tổ chức dạy, học và rèn luyện tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ với những hiệu quả tích cực.

Đọc thêm: TẠI ĐÂY.

  1. Tổ chức thành công 3 kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn quốc cho đối tượng học sinh THPT chuyên, sinh viên chuyên và không chuyên các trường CĐ-ĐH trong cả nước

Năm 2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tổ chức thành công 3 kỳ thi Olympic tiếng Anh toàn quốc là: Olympic tiếng Anh không chuyên dành cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc (9/12); Olympic tiếng Anh chuyên dành cho sinh viên các ngành tiếng Anh tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc (30/11); Cuộc thi hùng biện tiếng Anh cho học sinh các trường THPT chuyên trên toàn quốc (2/11). Trong những năm trước, Nhà trường đã tổ chức một số cuộc thi tương tự nhưng đây là lần đầu tiên Trường được Đề án NNQG, Bộ GD&ĐT giao tổ chức cả 3 cuộc thi lớn này.

  1. Được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ và phê duyệt Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

Trong năm 2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ (theo quyết định số 2140/BGDĐT-QLCL ngày 25/5/2018 của Bộ trưởng Bộ G&ĐT về việc tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ chấm thi và cán bộ ra đề thi tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Triển khai quyết định này, Nhà trường đã đã tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng nâng cao năng lực khảo thí cho các giảng viên của nhiều trường đại học như: trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, trường Đại học Hà Nội, trường Đại học Thái Nguyên, trường Đại học Tây Bắc, trường Đại học Thủ Đô, trường Đại học Hồng Đức, trường Đại học Vinh, trường Đại học Hải Phòng,…

Sau đó, Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng được Bộ GD&ĐT phê duyệt và Nhà trường chính thức trở thành điểm tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

  1. Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Khoa Anh Văn và 40 năm thành lập Khoa Tại Chức

Tháng 11/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức 2 lễ kỷ niệm lớn là kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Anh Văn (Tiền thân của 3 khoa là Khoa Sư phạm tiếng Anh, Khoa tiếng Anh và Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Các nước nói tiếng Anh) vào ngày 18/11 và kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ (trước là Khoa Tại chức) vào ngày 3/11. Đây là hai khoa có lịch sử lâu đời và có nhiều đóng góp trong đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ của trường. Lễ kỷ niệm là cơ hội để nhìn lại chặng đường đã trải qua, là dịp giao lưu giữa giảng viên, cựu sinh viên các khóa.

Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN, các giảng viên, cán bộ, các em học sinh sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, học giả, chuyên gia quốc tế, các quý đối tác đã đồng hành tạo nên một năm thành công của Nhà trường. Nhà trường rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của quý vị!

ULIS ~ Creating Opportunities Together!

Tin bài liên quan:

*10 sự kiện và thành tựu 2017: Đọc tại ĐÂY.

*10 sự kiện và thành tựu 2016: Đọc tại ĐÂY.

ULIS Media