Thầy Nguyễn Đức Chính: Muốn “trồng người” phải có người thầy giỏi chuyên môn và tận tâm – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thầy Nguyễn Đức Chính: Muốn “trồng người” phải có người thầy giỏi chuyên môn và tận tâm

“Thời gian có thể lấy đi sức khoẻ hay hơi thở của chúng ta nhưng những câu chữ ta trao đi bằng tận tụy và nhiệt huyết cho thế hệ sau sẽ còn được các em mang đi và nghĩa là ta bất tử với đời”, thầy Nguyễn Đức Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHGQHN khẳng định.

Tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn vốn là những đạo lý tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trân trọng quá khứ, tri ân lớp người đi trước là yếu tố quan trọng trong giáo dục và để tạo lập những giá trị bền vững cho tương lai. Từ ý nghĩa đó, nhân dịp 65 năm kỷ niệm ngày thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội và cũng nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về GS.TS. Nguyễn Đức Chính – nguyên Hiệu trưởng của ngôi nhà chung ULIS giai đoạn 1990 – 1997 để lắng nghe những cảm xúc, ký ức và những điều thầy đã có với người bạn ULIS.

Hơn 55 năm gắn bó với ULIS

Hơn 55 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người và cho sự phát triển của mái trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và ngày nay là Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội, thầy Nguyễn Đức Chính đã đảm nhiệm công tác ở nhiều vị trí khác nhau. Từ một sinh viên Khoa Nga tới giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn, Phó Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm khoa, Phó Bí thư Đảng uỷ trường, Đảng uỷ viên ĐHQG và sau đó là người hiệu trưởng đầu tiên của Việt Nam được bổ nhiệm sau một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu của toàn thể 450 giảng viên của trường. 

Dù ở cương vị nào, thầy Nguyễn Đức Chính cũng là tấm gương xuất sắc trong nhiệm vụ được giao. Với những cống hiến trong sự nghiệp trồng người, thầy đã nhận được nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của thành phố Lêningrat… Đặc biệt, năm 1996 thầy đã được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2010 là Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2013, thầy đã được Ban Tổ chức Trung ương Đảng trao Danh hiệu Chuyên gia cao cấp về giáo dục.

Nhớ về những ngày đầu giữ chức vụ Hiệu trưởng, thầy nhận định đó là những ngày vô cùng khó khăn và vất vả của sinh viên. Sự từng trải và thấu cảm với cảm xúc của người học khiến việc đầu tiên thầy quyết tâm thực hiện là chú trọng cải thiện điều kiện sinh hoạt của sinh viên – hạt nhân của công tác giáo dục. Thầy đã chỉ đạo cho sửa lại nhà ăn, mua chiếc máy in offset thay thế roneo một thời. 

Thầy Nguyễn Đức Chính và lãnh đạo Nhà trường các thời kỳ trong buổi gặp mặt kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2019

Thầy Nguyễn Đức Chính tại buổi gặp mặt kỷ niệm 65 năm thành lập Khoa NN&VH Nga

Một trong những điều khiến thầy Nguyễn Đức Chính tự hào nhất trong quá trình gắn bó với Nhà trường, đó chính là việc mở lại tương lai cho tiếng Trung Quốc, Ả Rập, tiếng Nhật, tiếng Đức và tiếng Hàn Quốc.

Nhiều sinh viên cảm thấy may mắn vì học tập tại ULIS không chỉ là được theo đuổi thứ tiếng mình say mê mà còn được tìm hiểu, trải nghiệm về cả văn hoá của đất nước mơ ước đó. Ta có được sự lĩnh hội đầy đủ ấy là nhờ quan điểm của thầy. “Ngôn ngữ bao giờ cũng gắn liền với văn hoá. Ngôn ngữ thực ra chỉ là cái vỏ để truyền tải các nền văn hoá, chỉ khi kết hợp được ngôn ngữ và văn hoá mới có thể tạo ra năng lực giao tiếp hiệu quả”. 

Những lời nhắn gửi tâm huyết

Muốn “trồng người” thành công buộc phải có những “người làm vườn” thật giỏi không chỉ ở chuyên môn mà còn ở cả cái tâm với nghề. Với thầy Nguyễn Đức Chính, không cần ao ước có được thuốc trường sinh bất tử của Khổng Tử để sống mãi mà là nhà giáo đã là bất tử.

Thời gian có thể lấy đi sức khoẻ hay hơi thở của chúng ta nhưng những câu chữ ta trao đi bằng tận tụy và nhiệt huyết cho thế hệ sau sẽ còn được các em mang đi và nghĩa là ta bất tử với đời”. Đó cũng là lời nhắn gửi mà thầy muốn dành tặng cho những người đồng nghiệp của mình nhân ngày 20/11 sắp tới. Không chỉ gửi gắm tới những “người làm vườn” thầy còn nhắn nhủ tới thế hệ cây non chúng ta rằng “Ngoài là một nghề, ngôn ngữ phải là một công cụ đắc lực trong xu thế hội nhập này”. 

Thầy Nguyễn Đức Chính và các cựu sinh viên Khoa Nga, trong đó có Trưởng phòng CT&CTHSSV Vũ Văn Hải và Trưởng Khoa NN&VH Nga Ngô Thị Minh Thu

Nhìn lại quãng đường 65 năm đi qua của Nhà trường, thầy tự hào về cả chất lượng đào tạo, hướng đi đúng đắn, đáng học hỏi và cơ sở vật chất ngày một khang trang mà các hiệu trưởng kế tục đã làm được. Là người sống tình cảm, thầy luôn ghé thăm lại người bạn xưa – ULIS và theo dõi từng bước trưởng thành của ULIS. Thầy mong muốn rằng danh tiếng của trường sẽ ngày càng tăng lên và có thể mở rộng thêm những chuyên ngành dạy bằng ngoại ngữ để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên ngay sau khi ra trường. 

Thầy Nguyễn Đức Chính và Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh

Thời gian cứ lặng lẽ và vô tình, nhưng nó cũng là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình, nổi sắc, làm nổi lên những công lao chẳng thể phai nhoà. Cảm ơn thầy Nguyễn Đức Chính với những đóng góp và những chia sẻ giàu ý nghĩa mà thầy đã cống hiến trong cuộc đời sự nghiệp của mình. Chúc thầy luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và tiếp tục dõi theo những bước phát triển tiếp theo của trường. 

ULIS Media