Hội thảo góp ý chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức
Trong buổi hội thảo, các thầy cô và các chuyên gia đều khẳng định khả năng sử dụng thành thạo các ngoại ngữ 1 và 2; có kiến thức tốt về văn hóa, kinh tế, xã hội; được bồi dưỡng về các kỹ năng bổ trợ là những điểm mà sinh viên theo học chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức được thụ hưởng.
Ngày 24/10/2018, trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo góp ý chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức.
Tham gia buổi hội thảo có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo Giáo sư. Nguyễn Hòa Trưởng phòng Đào tạo Hà Lê Kim Anh, ban chủ nhiệm khoa và các thầy cô giảng dạy tại Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Khoa Tiếng Anh, Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa các nước nói tiếng Anh, Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Pháp, Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa Đức và các chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp.
Mở đầu buổi hội thảo, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã có những chia sẻ về việc thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao của Nhà trường Hiệu trưởng nói: “Theo chủ trương chung, từ năm 2016 Nhà trường đã tiến hành lên kế hoạch và thực hiện các chương trình đào tạo chất lương cao theo Thông tư 23/TT-BGDĐT cho phép nâng cao chất lượng đào tạo đại học ở các cơ sở đào tạo đủ kiện để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh trong thời đại mới”.
Hiệu trưởng cũng đưa ra một số số liệu về đợt tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao lần đầu tiên của ba ngành tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để các thầy cô và các chuyên gia tham khảo. Cụ thể, Nhà trường đã tuyển được 322 sinh viên với điểm trung bình đầu vào của ngành tiếng Trung Quốc là 28,73 điểm, ngành tiếng Nhật Bản là 29,25 điểm và ngành tiếng Hàn Quốc là 30,02 điểm. Các số liệu trên đã chứng minh cho sự thành công bước đầu của chương trình là tuyển được sinh viên có chất lượng đầu vào rất tốt.
Bên cạnh đó một số sinh viên ở chương trình đào tạo chuẩn đã nộp đơn để được chuyển sang theo học tại các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Hiệu trưởng nhấn mạnh về định hướng xây dựng 3 chương trình đào tạo chất lượng cao ngành tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức như sau: “Thứ nhất, các chương trình cần mang tính thực tiễn và thực dụng cao. Học sinh Nhà trường khi ra trường được tung vào thị trường lao động và ngay lập tức được tuyển dụng. Hình thức giảng dạy mang tính chất hàn lâm và không mang tính áp dụng thực tế cao cần được hạn chế. Thứ hai, phấn đấu đưa số lượng giáo viên thỉnh giảng vào trong giảng dạy đạt 1/3 số lượng giảng viên”.
Tiếp nối phát biểu của Hiệu trưởng, lãnh đạo các ngành đào tạo Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức đã trình bày các bài thuyết trình về khung chương trình đào tạo các ngành Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức theo thông tư 23/2014/TT-BGDĐT.
Bài thuyết trình về ngành Ngôn ngữ Anh chất lượng cao
Bài thuyết trình về ngành Ngôn ngữ Pháp chất lượng cao
Bài thuyết trình về ngành Ngôn ngữ Đức chất lượng cao
Các bài thuyết trình đều chỉ ra những điểm riêng biệt, điểm mạnh và mới của chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó khả năng về năng lực ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, kiến thức về văn hóa, kinh tế, xã hội và các kỹ năng bổ trợ là những điểm nổi bật của chương trình đào tạo này.
Cũng trong buổi hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ sở đào tạo đã đưa ra các ý kiến đóng góp cũng như đưa ra các tiêu chí tuyển dụng dành cho sinh viên.
Giáo sư Nguyễn Hòa phát biểu trong buổi hội thảo
Buổi Hội thảo đã khép lại bằng với những lời tổng kết của Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, trong đó, Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn đến các khoa đào tạo và các vị khách mời, chuyên gia vì đã đến đóng góp ý kiến để xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao Ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức được hiệu quả và thành công.
Đào Trung-Việt Khoa/ULIS Media