Giới thiệu môn học Các Tổ chức Quốc tế – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Giới thiệu môn học Các Tổ chức Quốc tế

Các Tổ chức Quốc tế (mã học phần ENG3083) là học phần bắt buộc đối với sinh viên định hướng Quốc tế học, ngành Ngôn ngữ Anh, thường được tổ chức giảng dạy vào học kỳ 2 của năm thứ 3, bắt đầu từ năm học 2017-2018. Học phần này cũng được đưa vào danh sách những môn tự chọn cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, hệ Chất lượng cao theo thông tư 23 với tên Các chủ đề trong Quốc tế học1. Môn học trang bị cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về cách các tổ chức quốc tế được thành lập và vận hành cũng như vai trò và tác động của các tổ chức này trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Trên thế giới, kiến thức về các tổ chức quốc tế nằm trong khối kiến thức chung về quản trị toàn cầu (global governance) và thường có trong chương trình cho sinh viên ngành ngoại giao, khoa học chính trị và quốc tế học. Mảng kiến thức này gắn với thực tiễn phát triển đa dạng của các tổ chức quốc tế từ sau thế chiến thứ 2. Sau thế chiến thứ 2, các quốc gia trên thế giới đứng trước hàng loạt các vấn đề khó khăn cần giải quyết. Bên cạnh nhu cầu hợp tác song phương ngày càng tăng giữa các quốc gia nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục nền kinh tế còn có mô hình hợp tác–gắn kết cộng đồng quốc tế, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt các tổ chức quốc tế. Trước chiến tranh chỉ có khoảng 400 tổ chức quốc tế, nhưng ngay sau chiến tranh con số đó đã tăng lên gần 1000 tổ chức. Ban đầu, các tổ chức quốc tế chủ yếu được hình thành giữa các quốc gia có tiềm lực mạnh. Sau đó, các tổ chức khu vực thể hiện sự kết nối và tương trợ lẫn nhau giữa các nước vừa và nhỏ cũng xuất hiện, với các ví dụ như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Liên minh châu Phi (AU). Phạm vi hợp tác trong các tổ chức quốc tế cũng mở rộng hơn, không chỉ dừng lại ở hợp tác về kinh tế, quân sự mà xu hướng hợp tác toàn diện ngày càng rõ nét.

Có nhiều cách tiếp cận mảng kiến thức này, trong đó một cách phổ biển là đi vào phân tích từng tổ chức quốc tế cụ thể để có thể hiểu được lý do cho sự ra đời, cách thức vận hành và vai trò của tổ chức đó. Tuy nhiên, học phần Các Tổ chức Quốc tế được giảng dạy bởi bộ môn Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh không trình bày kiến thức về một số tổ chức quốc tế tiêu biểu mà được xây dựng trên các lý thuyết về quản trị toàn cầu và nghiên cứu trường hợp (case studies) tại đó có sự hoạt động của các tổ chức quốc tế để giải quyết những vấn đề cụ thể trong các lĩnh vực khác nhau như giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình, bảo vệ nhân quyền, quản trị tiền tệ và thương mại, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, v.v. Bốn câu hỏi lớn được đưa ra để thảo luận xuyên suốt chương trình học bao gồm:

  • Vì sao các quốc gia thành lập ra các tổ chức quốc tế?
  • Vai trò của các tổ chức quốc tế, hay chung hơn là các thể chế quốc tế, trong việc thực hiện các nhiệm vụ tập thể là gì?
  • Các tổ chức quốc tế đã ảnh hưởng và tác động như thế nào lên sự hình thành trật tự thế giới?
  • Những hệ quả có tính chuyển đổi (transformational consequences) của các tổ chức quốc tế là gì và chúng có thể được giải thích như thế nào?

Câu hỏi về sự khác nhau về nghĩa của cụm từ “international organization” và “international organizations” (dạng số nhiều) luôn tạo hứng thú cho các bạn sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Tìm hiểu và phân tích những động cơ của các chính phủ cho việc thành lập hay tự nguyện tham gia vào các tổ chức quốc tế có thể đem lại những giây phút khai mở. Người học cũng nhìn ra cách vận hành, vai trò và tác động của các tổ chức quốc tế thông qua các sự vụ mà nhờ có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, cụ thể hơn là các tổ chức chính phủ hay phi chính phủ quốc tế, đã không bị đẩy lên thành “biến”. Môn học còn cho thấy cách hành xử của một số tổ chức “anh lớn”, những tình huống khó xử, “lực bất tòng tâm”, của các tổ chức do bị đặt trong mối quan hệ ngoại giao quốc tế phức tạp. Nếu như trong những buổi học đầu, người học mới chỉ nhìn thấy các sự vụ lẻ tẻ thì khi học phần đi vào những buổi cuối, sinh viên sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống các tổ chức quốc tế, có thể miêu tả chi tiết những biến đổi và đưa ra những lý giải hợp tình, hợp lý cho những thay đổi đó của hệ thống.

Học phần được tổ chức như một diễn đàn nơi sinh viên cùng thảo luận về thực tiễn và tiềm năng của quản trị toàn cầu và các tổ chức quốc tế. Đó là một quá trình trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bởi học phần cũng hướng tới sự nuôi dưỡng khả năng rung động và bao dung. Người học có thể đi từ sự phẫn nộ trước bất công trắng trợn đến niềm hân hoan khi công lý được thực thi.

Về kiểm tra đánh giá, môn học gồm các bài kiểm tra kiến thức hàng tuần, một bài thuyết trình và một bài viết thu hoạch cuối kỳ.

Hình 1: Chị Vũ Thị Hương Giang, khách mời đến từ CARE, trả lời câu hỏi của sinh viên lớp Quốc tế học 15E11

Hình 2: Sinh viên lớp Quốc tế học 15E11 tặng hoa khách mời

Ngoài ra, môn học cũng giúp sinh viên gặp gỡ những cá nhân hiện đang làm việc cho các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam. Trò chuyện về các dự án mà những khách mời đã và đang triển khai trong các lĩnh vực khác nhau là cơ hội cho sinh viên kiểm chứng lại các lý thuyết ngoại giao và quản trị toàn cầu đã học, chiêm nghiệm lại những thảo luận trước đó về vai trò và tác động của các tổ chức quốc tế, đánh giá lại các sự kiện và các dự án khác dựa trên những chia sẻ chân thật về thực tiễn công việc của các khách mời. Những cuộc gặp gỡ như thế còn mở ra cơ hội nghề nghiệp trong tương lai cho sinh viên. Nhiều bạn đã quyết định ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh hoặc trợ lý dự án tại một tổ chức của Liên hợp quốc hoặc một tổ chức phi chính phủ như Oxfam, AIESEC, hay PATH.

Hoàng Thị Thanh Hòa

Tổ Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh

Ghi chú: 1 Tên môn học khác đi vì có thể bao gồm những chủ đề khác, nội dung linh hoạt theo từng năm học. Tuy nhiên, “Các tổ chức quốc tế” là một chủ đề chính trong “Các chủ đề trong Quốc tế học”.