[ULIS CONNECT] Hơn 1.000 giáo viên tham gia Tọa đàm “Vượt kỳ thi chuyển cấp – Về đích điểm cao”
Ngày 13/4/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Vượt kì thi chuyển cấp – Về đích điểm cao: Những sai lầm thường gặp khi ôn thi giai đoạn nước rút”. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hoạt động của “Kênh hỗ trợ giáo dục Ngoại ngữ bậc phổ thông trong toàn quốc” (gọi tắt là ULIS CONNECT, đặt tại địa chỉ: ulisconnect.edu.vn).

Tham dự tọa đàm có Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hoa Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ Nguyễn Phú Chiến, Phó Trưởng phòng KHCN-HTPT Lưu Mạnh Kiên.
Diễn giả của tọa đàm là cô Phạm Thị Mai Hương – Giáo viên Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Tổ phó Tổ Tiếng Anh). Đặc biệt, tọa đàm đã thu hút hơn 1.000 thầy cô giáo, chuyên gia, nhà quản lý đến từ 36 tỉnh thành tham dự.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn gửi lời cảm ơn các thầy cô đã tham gia buổi tọa đàm lần này. Trong thời gian qua, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tích cực triển khai các hoạt động của Kênh ULIS CONNECT nhằm hỗ trợ các thầy cô và kết nối giáo viên ngoại ngữ trên cả nước. Trong thời điểm chuẩn bị đến các kỳ thi quan trọng, Nhà trường tin tưởng tọa đàm này sẽ giúp hỗ trợ giáo viên và học sinh trong quá trình ôn thi chuyển cấp vào THPT môn tiếng Anh; đồng thời là diễn đàn để các thầy cô giáo tiếng Anh trên toàn quốc cùng tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hữu ích và phương pháp giảng dạy hiệu quả cho học sinh trong giai đoạn ôn thi nước rút.
Trong chương trình, cô Phạm Thị Mai Hương đã chia sẻ về những điểm giống và khác của đề thi Tiếng Anh vào 10 tại Hà Nội năm 2025 so với đề thi năm 2024; cũng như điểm giống và khác của đề thi Tiếng Anh vào THPT Chuyên Ngoại ngữ năm 2025 so với đề thi năm 2024; và đưa ra các cơ sở lý luận liên quan.



Sau đó, diễn giả tập trung vào những sai lầm thường gặp trong giai đoạn ôn thi nước rút và gợi ý giải pháp phù hợp. Theo đó, về cơ bản có 10 sai lầm như là: (1) Không làm bài kiểm tra định kỳ, theo dõi và điều chỉnh tài liệu học phù hợp theo năng lực của học sinh; (2) Chưa có kế hoạch ôn tập cho các học sinh yếu; (3) Không rèn học sinh kĩ năng làm bài thi; (4) Ôn tập quá nặng trong thời gian ngắn; (5) Chưa tối ưu hóa việc học ở nhà; (6) Lạm dụng việc học thuộc lòng thay vì hiểu sâu; (7) Thiếu sự phân chia thời gian hợp lý; (8) Quá tập trung vào những phần dễ mà bỏ qua những phần khó; (9) Bỏ qua tâm lý học sinh, quá căng thẳng, thiếu sự động viên; (10) Quá tập trung vào lý thuyết, ít thực hành.



Diễn giả nhấn mạnh khi chỉ còn 2 tháng trước kỳ thi, việc có một chiến lược ôn thi hợp lý và cân đối giữa lý thuyết, thực hành, và động viên tâm lý học sinh là rất quan trọng. Do đó, hãy tập trung vào việc củng cố kiến thức, luyện kỹ năng làm bài, và giúp học sinh duy trì tinh thần thoải mái và tự tin khi bước vào kỳ thi.


Sau thời gian trao đổi và thảo luận, hỏi – đáp, tọa đàm “Vượt kỳ thi chuyển cấp – Về đích điểm cao” đã khép lại với những phản hồi tích cực từ các thầy cô giáo tham gia.