Trường Đại học Ngoại ngữ tham dự Hội thảo quốc tế và Lễ khai mạc Hợp tác giáo dục quốc tế không biên giới – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trường Đại học Ngoại ngữ tham dự Hội thảo quốc tế và Lễ khai mạc Hợp tác giáo dục quốc tế không biên giới

Hội thảo quốc tế và Lễ khai mạc chương trình Hợp tác giáo dục quốc tế không biên giới các trường đại học (International Borderless Campus – IBC) là hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Tuần Hợp tác giáo dục Trung Quốc – ASEAN 2022 (CAECW 2022), được chủ trì bởi Liên minh dự bị giáo dục du học Trung Quốc (China Campus Network – CCN).

Sáng ngày 23/8, tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, buổi hội thảo đã được long trọng diễn ra với sự tham dự của hơn 240 đại biểu và khách mời đến từ Trung Quốc và 11 quốc gia khác, bao gồm Nga, Kasakhstan, Việt Nam,… với chủ đề “Thúc đẩy liên thông toàn cầu giữa các trường đại học – Chiến lược hạ tầng cơ sở và Sáng kiến hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp.” Sự kiện năm nay được diễn ra theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.

Về phía Việt Nam, sự kiện có sự góp mặt của đại diện Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội, Tập đoàn giáo dục Equest, Hệ thống giáo dục Hoà Bình – Latrobe,… và nhiều các tổ chức, cá nhân khác.

Tại Tuần Hợp tác giáo dục Trung Quốc – ASEAN 2017, Liên minh giáo dục dự bị đại học Trung Quốc (CCN) gồm 37 trường đại học danh tiếng của Trung Quốc đăng kí thành viên, chính thức được thành lập dưới sự chứng kiến của bộ trưởng bộ giáo dục TQ Trần Bảo Sinh, bí thư, chủ tịch tỉnh Quý Châu Tôn Chí Cương.

Trải qua 6 năm hoạt động với nhiều thành tựu, CCN đã trở thành tổ chức phi chính phủ duy nhất có khả năng cung cấp cho học sinh, sinh viên quốc tế chương trình giáo dục dự bị du học Trung Quốc, với mạng lưới chi nhánh hoạt động trên 13 quốc gia, từ châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi.

Việt Nam là quốc gia thứ 14 và là thành viên trẻ nhất trong mạng lưới này. Đây là lần thứ sáu CCN tham gia chủ trì hội thảo chuyên đề tại CAECW, đánh dấu sự ra đời của chương trình Hợp tác giáo dục quốc tế không biên giới các trường đại học (IBC), một sáng kiến của CCN nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học, giữa trường học và doanh nghiệp các nước; xây dựng cơ chế giao lưu, trao đổi hai chiều toàn diện cho sinh viên, giáo viên và các nguồn lực giảng dạy khác; kết nối nhân tài quốc tế, cung cấp cho sinh viên các con đường đa dạng để tiếp nhận giáo dục quốc tế, với khả năng cạnh tranh nghề nghiệp mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên kinh tế số.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trịnh Thị Vĩnh Hạnh, phó khoa phụ trách Hợp tác quốc tế của khoa Tiếng Trung Quốc, trường Đại học Hà Nội cho biết, khoa Tiếng Trung Quốc trường đại học Hà Nội đánh giá cao sáng kiến này của CCN, và tin tưởng rằng, hợp tác này sẽ thúc đẩy sự hợp tác giáo dục chất lượng cao trên phạm vi toàn cầu nói chung, và là nền tảng phát triển cho các hợp tác tiềm năng của CCN với khoa Tiếng Trung Quốc, đại học Hà Nội nói riêng, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các thế mạnh và tài nguyên của từng bên. Bà hy vọng những hợp tác này sẽ đóng góp đắc lực cho mục tiêu chung là bồi dưỡng những nhân tài với tầm nhìn quốc tế cho khoa và trường, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Cũng trong chương trình, PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Hiệu phó trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội đã cùng các đại biểu các nước và hơn 240 khách mời đã chứng kiến nghi thức khai mạc và gửi lời chúc mừng tới chương trình Hợp tác giáo dục quốc tế không biên giới các trường đại học (IBC).

Sau hội nghị, nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan điểm, trong thời kì hậu Covid-19, trước những cơ hội và thách thức cùng tồn tại, làm thế nào để tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, thúc đẩy sự phát triển song phương, đa phương ở cấp độ cao hơn, đào tạo những nhân tài với tầm nhìn quốc tế là một chủ đề mà những người làm giáo dục đều đã và đang suy nghĩ sâu sắc và tích cực tìm hiểu. Trong bối cảnh này, sự ra đời của CCN IBC là vô cùng thiết thực để cùng phát triển, xây dựng không chỉ là cộng đồng học thuật, mà còn là một thế hệ công dân toàn cầu với tài năng, tầm nhìn đóng góp cho xã hội và cho quốc tế.

Theo Thanhnienviet.vn