Tham gia Đề án Ba Vì là một trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ!
Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Ba Vì là dự án hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN và Huyện Ba Vì. Đến nay, đề án đã bước sang năm thứ 3, không chỉ mang lại những giá trị tích cực với các em học sinh cấp 2 trên địa bàn Huyện Ba Vì mà còn để lại những ấn tượng không thể nào quên đối với đội ngũ giảng viên, giáo sinh tham gia đề án.
Tiếp nối sự thành công của Đề án Ba Vì trong 2 năm học trước, năm học 2021 – 2022 này, Đề án tiếp tục được mở rộng cả về quy mô (35 Trường THCS) và nội dung triển khai, thu hút sự tham gia của 20 cán bộ giảng viên và 111 bạn giáo sinh trong toàn trường. Tuy mới chỉ được triển khai trong khoảng thời gian chưa lâu, nhưng Đề án Ba Vì năm học 2021 – 2022 đã để lại những ấn tượng khó quên đối với từng cá nhân tham gia dự án.
Hãy cùng ULIS Media lắng nghe những cảm xúc, chia sẻ của các giảng viên tham gia Đề án Ba Vì năm học 2021 – 2022 nhé!
Đối với cô Cấn Thị Chang Duyên, Đề án Ba Vì đã để lại cho cô rất nhiều ấn tượng đặc biệt và khó quên. Cô chia sẻ:“Tham gia Đề án Ba Vì là một trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ của em trong năm học này. Đây là cơ hội để em và các bạn đồng nghiệp ULIS, các đồng nghiệp ở Ba Vì được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Em đã được truyền cảm hứng từ các cô giáo đầy nhiệt huyết, cầu thị và trách nhiệm ở Ba Vì. Em xin chân thành cảm ơn Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ và Nhà trường đã tạo điều kiện cho em được tham gia Đề án rất ý nghĩa này.”
(Cô Cấn Thị Chang Duyên – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Cam Thượng & THCS Đông Quan)
Là một giảng viên có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cô Phan Thị Toán đã áp dụng những kiến thức mình có để sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ cho các em học sinh cấp 2 ở Huyện Ba Vì. Với cô, tham gia đề án còn là cơ hội để học hỏi và gắn kết nhiều hơn: “Bản thân cô thấy hạnh phúc khi tham gia chương trình. Cô cảm thấy mình học được rất nhiều, và cũng có ích ở mức độ nhất định trong chương trình này. Cô hy vọng sẽ có được nhiều cơ hội mở mang vốn hiểu biết và xây dựng các networks với giáo viên-sinh viên trên toàn quốc như thế này để tiếp tục được học hỏi hơn nữa. Cô rất muốn cảm ơn BTC chương trình vì 1 hoạt động rất ý nghĩa và bổ ích.”
(Cô Phan Thị Toán -Giảng viên hỗ trợ TTBC Bò, Đồng Cỏ và Vân Hòa)
Tham gia Đề án Ba Vì, cô Khắc Thị Ánh Tuyết chia sẻ chính bản thân đã học hỏi thêm được nhiều công cụ hỗ trợ học trực tuyến để áp dụng cho lớp học của mình bên cạnh việc chia sẻ và truyền giao kiến thức. Nói về khoảng thời gian tham gia Đề án, cô đã rất xúc động: “Các hoạt động (VD: các hoạt động warm-up, các hoạt động xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ, các trò chơi…) của các thầy cô và giáo sinh đều được chia sẻ nên tôi đã biết thêm được nhiều các công cụ hỗ trợ học trực tuyến để áp dụng cho chính lớp học của mình, chứ không phải chỉ chia sẻ với các thầy cô ở Ba Vì. Thông qua Đề án, tôi có dịp được chia sẻ các hoạt động chuyên môn với giáo viên và hiểu được những khó khăn nhất định của thầy và trò các trường THCS tại Ba Vì. Tôi rất vui khi nhận được những lời cảm ơn của các thầy cô khi cùng giáo sinh tham gia hỗ trợ các lớp học thêm cho học sinh.”
(Cô Khắc Thị Ánh Tuyết – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Phong Vân & THCS Phú Đông)
Đề án Ba Vì không chỉ là cơ hội để cô Nguyễn Thị Hải Hà giúp đỡ các em học sinh cấp 2 trên địa bàn Huyện Ba Vì trong việc học Tiếng Anh, gắn kết nhiều hơn với các bạn sinh viên mà còn là nơi cô chia sẻ những kiến thức chuyên môn, hỗ trợ các giáo viên trong quá trình giảng dạy. Cô kỳ vọng Đề án Ba Vì sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, giúp đỡ nhiều hơn cho cộng đồng: “Tôi kỳ vọng các thầy cô có cái nhìn sâu sắc hơn về những đặc điểm của người học thế hệ Z để từ đó thích ứng và sáng tạo hơn trong từng hoạt động dạy học của mình.”
(Cô Nguyễn Thị Hải Hà)
Là một giảng viên trẻ, tham gia Đề án Ba Vì là một trải nghiệm tuyệt vời để cô Nguyễn Thị Thu nâng cao chuyên môn, đặc biệt là phương pháp giảng dạy. Với cô, đây thực sự là một Đề án đáng nhớ: “Cá nhân em thấy đề án vô cùng có ý nghĩa đối với giảng viên, giáo sinh và các trường ở Ba Vì. Về phía giảng viên, đây là cơ hội nâng cao chuyên môn, đặc biệt là phương pháp giảng dạy. Không phải lúc nào chúng em cũng có cơ hội tiếp xúc với các bạn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như vậy, vì vậy việc thay đổi cách thức giảng dạy cho phù hợp với đối tượng học sinh này là một câu hỏi lớn em đặt ra trong đợt hỗ trợ đầu tiên này. Về phía giáo sinh, em tin rằng các bạn cũng đã có những trải nghiệm thú vị khi đứng lớp. Những trải nghiệm này cùng với góp ý từ giảng viên, giáo viên của trường sẽ là bước đệm để các bạn tiến xa hơn với công việc giảng dạy trong tương lai. Về phía nhà trường, thông qua chia sẻ của các cô và các bạn học sinh, em thấy rất vui vì chúng em đã phần nào hỗ trợ công tác giảng dạy và ôn tập tại các trường.”
(Cô Nguyễn Thị Thu – Giảng viên hỗ trợ trường THCS Yên Sơn & THCS Hợp Nhất)
Đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Ba Vì năm học 2021 – 2022 vẫn đang tiếp tục được triển khai ở các giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh ý nghĩa đồng hành cùng giáo viên, học sinh các trường THCS trên địa bàn Huyện Ba Vì trong dạy và học Tiếng Anh, Đề án còn tạo cơ hội cho đội ngũ giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ tiếp tục nâng cao trình độ giảng dạy và giúp sinh viên phát triển, rèn luyện chuyên môn, kỹ năng và tích lũy trải nghiệm. Chúc cho Đề án sẽ tiếp tục phát triển và mang lại những giá trị tích cực hơn nữa, thể hiện sứ mệnh và trách nhiệm cộng đồng của Nhà trường đối với toàn xã hội.
Thanh Hiền – ULIS Media