Nghiên cứu khoa học theo nhóm: Trải nghiệm trưởng thành của đời sinh viên
Với đề tài “Khái lược về tranh dân gian Việt Nam và so sánh bốn dòng tranh dân gian tiêu biểu của bốn nước Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản”, nhóm sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN gồm Phạm Nguyễn Tuấn Anh (16.F1.J8), Hà Linh Hương (17.F1.K3), Trịnh Thị Kim Ngân (17.F1.J2), Hoàng Thị Mai Phương (17.F1.J5), Lê Thị Thu Thường (17.F1.C1) nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Thị Thu Hương đã giành Giải Ba Công trình nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018.
Chúng ta hãy cùng trò chuyện để tìm hiểu về đề tài cũng như quá trình nghiên cứu của các bạn nhé.
PV: Xin chào các em. Trước tiên hãy giới thiệu về nhóm của mình trước nhỉ?
Nhóm nghiên cứu: Nhóm NCKH của chúng em gồm 5 thành viên đến từ 3 khoa: Nhật, Trung, Hàn. Xin giới thiệu… Khá là tình cờ, trong thời gian học môn Cơ sở văn hóa Việt Nam mà nhóm chúng em đã gặp được nhau. Ban đầu, nhóm chúng em có 11 người nhưng sau đó, vì các bạn khác có lịch học tập khá bận rộn, nên cuối cùng chỉ có 5 thành viên tiếp tục quá trình NCKH.
Các thành viên trong nhóm
PV: Các em có thể chia sẻ về đề tài nghiên cứu của mình được không?
Nhóm nghiên cứu: Vào một ngày đẹp trời, trong chuyến đi trải nghiệm về làng tranh Đông Hồ, chúng em được tiếp xúc với quá trình làm ra những bức tranh dân gian của Việt Nam. Từ đó nảy sinh sự hứng thú nhất định với tranh dân gian Việt Nam nói chung, dân gian các nước Châu Á nói riêng (đặc biệt là ở những nước mà sở hữu thứ ngôn ngữ chúng em đang theo học).
PV: Nghiên cứu theo nhóm có những thuận lợi và khó khăn riêng. Các em có thể chia sẻ trải nghiệm về điều này được không?
Nhóm nghiên cứu: Vì nhóm chúng em khá đông người, nên lượng công việc được chia đều trên đầu người cũng ít hơn các nhóm khác. Điều đó khiến cho không ai phải phụ trách quá nhiều việc, và mọi người đều có thể làm tốt phần việc được giao. Hơn nữa chúng em đến từ nhiều khoa khác nhau, mà mỗi nước ấy đều có một loại tranh dân gian riêng, đặc biệt thuận tiện cho việc chúng em tìm hiểu thêm về văn hoá của các nước chúng em đang theo học.
Nhưng ngược lại, vì chúng em khá đông người nên không thể gặp nhau thường xuyên để bàn bạc, trao đổi. Hầu như mọi thứ chúng em đều trao đổi qua Facebook, đôi khi ý tưởng và ý kiến của bản thân không thể truyền đạt rõ ràng tới các thành viên khác trong nhóm. Nếu đã làm việc theo nhóm thì giao tiếp chính là chìa khoá quyết định liệu nhóm đó có thành công hay không. May mắn thay, chúng em đã may mắn vượt qua khó khăn để có thể đạt được thành tích như bây giờ. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin cũng đã trở thành một trở ngại không nhỏ. Phần lớn thông tin chúng em cần tìm để thực hiện nghiên cứu đều không thể tìm thấy ở các nguồn Việt chính thống. Do đó chúng em đã phải tìm thêm thông tin từ nhiều nguồn tin nước ngoài khác nhau rồi dịch thuật lại về tiếng Việt. Điều đó thực sự đã tạo ra nhiều vấn đề cho nhóm chúng em.
PV: Trường ĐHNN-ĐHQGHN rất chú trọng đến công tác Nghiên cứu khoa học sinh viên. Các em có đánh giá gì về điều này và đã được các thầy cô, Nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện như thế nào trong quá trình nghiên cứu?
Nhóm nghiên cứu: Để trả lời câu hỏi này, thì trước hết chúng em xin đặt cho chị PV một câu hỏi nhỏ có được không ạ? “Tại sao vào dịp đầu năm người dân Việt Nam lại cúng gà trống mà không phải một loài động vật nào khác?”. Chị biết không, câu hỏi này đã được cô Hương – giáo viên hướng dẫn đặt cho chúng em, và cô chính là nguồn cảm hứng bất tận cho nghiên cứu của chúng em. Sự hỗ trợ của các thầy cô trong trường và đặc biệt là sự hướng dẫn chi tiết tận tâm của cô Hương đã giúp đỡ chúng em rất nhiều trong việc nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thành và trình bày kết quả nghiên cứu. Thành quả mà chúng em đạt được bây giờ cũng là nhờ có những giúp đỡ vô cùng nhiệt tình của các thầy cô. Trong quá trình nghiên cứu, đôi khi chúng em mắc phải những lỗi như chậm thời gian nộp bài; lúc đó, cô cũng rất nghiêm khắc nhắc nhở. Nhưng cô vẫn vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ chúng em. Qua đây, chúng em cũng xin giành món quà là giải Ba NCKH cấp ĐHQGHN để gửi tặng đến cô.
PV: Nếu có một vài câu để động viên các bạn sinh viên khác tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, các em sẽ nói gì?
Hương: Theo em, việc nghiên cứu khoa học giúp chúng ta bổ sung những kiến thức mà không được học ở môi trường đại học, lấp đầy những kiến thức về đời sống xã hội để làm giàu vốn sống bản thân. Do đó, em hy vọng các bạn sinh viên khác cũng sẽ tích cực tham gia NCKH để có thể có thêm những trải nghiệm thú vị trong những năm tháng học ĐH.
Thường: Em chỉ muốn nói với các bạn là hãy cứ nghiên cứu khoa học đi đừng ngại ngùng. Đừng sợ khó sợ khổ vì nghiên cứu khoa học sẽ giúp các bạn có được kiến thức và cả những kỹ năng sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn sau này. Và cũng đừng quá quan tâm đến giải thưởng bởi vì cho dù không được giải thì ít nhất các bạn cũng sẽ có thêm những người bạn mới, những mối quan hệ thân thiết giống như nhóm của bọn mình nè.
Ngân: Sau khi đã hoàn thành bài NCKH, bây giờ nhìn lại em thấy bản thân em cũng như cả nhóm đã trưởng thành lên rất nhiều. Em không chỉ tự hào rất nhiều về thành quả của nhóm mà còn tự hào vô cùng về các thành viên còn lại. Những gì chúng em đã trải qua thực sự là một kỉ niệm khó quên, bổ ích và đáng nhớ. Việc NCKH này đã giúp em cải thiện rất nhiều mặt, kỹ năng đặc biệt như trong cách xử lý thông tin, làm việc nhóm, thuyết trình,… Em nghĩ rằng nếu đã làm sinh viên thì đây chắc hẳn phải là một trong số những việc chúng ta cần và nên làm. Vì vậy nếu ai chưa có cơ hội cũng hãy thử làm một lần, rồi bạn sẽ nhận ra việc này giúp ích cỡ nào.
Phương: Vì chúng ta còn trẻ nên hãy thử sức với những cái mới, bắt tay vào 1 nghiên cứu sẽ giúp các bạn có cái nhìn sâu sắc, khách quan và toàn diện hơn về cuộc sống, cái mà chúng ta không được dạy ở giảng đường. Thêm vào đó, nckh sẽ giúp những tháng năm đại học của chúng ta bớt nhàm chán.
Tuấn Anh: NCKH là một cơ hội rất lớn để các bạn học hỏi mọi điều lý thú, cần thiết nhất để trau dồi kiến thức, phục vụ cho quá trình học tập và làm việc sau này. Mình muốn gửi gắm đến các bạn một thông điệp sau: “有終の美を飾る” (có công mài sắt có ngày nên kim). Khi NCKH để có được thành quả tốt, thì phải kiên trì, nhẫn nãi và quyết tâm không ngừng. Thành công sẽ đến!
PV: Cảm ơn các em về cuộc trò chuyện!
Theo Bản tin ĐHQGHN