Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 19-5 là ngày ghi dấu nhiều sự kiện đặc biệt đối với lịch sử đất nước và dân tộc. Đó là ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Đây cũng là ngày truyền thống của rất nhiều đơn vị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 19-5-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 19-5

Sự kiện trong nước

19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Ngày 19-5-1941: Ngày thành lập Mặt trận Việt Minh. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm thu hút hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia chiến đấu chống đế quốc Nhật và Pháp.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu

Ngày 19-5-1949: Ngày mở màn Chiến dịch sông Thao. Đây là chiến dịch tiến công của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vào phòng tuyến sông Thao của Pháp ở khu vực Yên Bái, Lào Cai. Chiến dịch kết thúc thắng lợi vào ngày 18-7-1949. Lần đầu tiên, ta tiêu diệt hoàn toàn 2 phân khu của địch gồm nhiều căn cứ có công sự phòng ngự tương đối vững chắc, đánh dấu bước tiến bộ vượt bậc của bộ đội ta trong lối đánh công kiên.

Ngày 19-5-1956: Ngày truyền thống Nhà máy Z117 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).

Ngày 19-5-1959: Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) – đơn vị tiền thân của Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn) ngày nay – được thành lập, có nhiệm vụ mở tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam và tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Ngày này trở thành Ngày truyền thống Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đoàn 559 tổ chức vận chuyển bằng xe cơ giới chi viện cho chiến trường miền Nam, 1964-1965. Ảnh: Baotanglichsu.vn

Ngày 19-5-1961: Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.

Ngày 19-5-1965: Ngày truyền thống Sư đoàn Phòng không 361 và Sư đoàn Phòng không 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân).

Ngày 19-5-1966: Ngày truyền thống Lữ đoàn Phòng không 241 (Quân đoàn 1) và Lữ đoàn Công binh 28 (Quân chủng Phòng không-Không quân).

Ngày 19-5-1990: Khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác.

Ngày 19-5-2011: Ngày thành lập Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sự kiện quốc tế

Ngày 19-5-1802: Đệ nhất Tổng tài Pháp Napoléon Bonaparte thiết lập Bắc Đẩu bội tinh. Đây là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp.

Ngày 19-5-1919: Mustafa Kemal Atatürk đổ bộ lên Samsun ở ven bờ biển Đen, bắt đầu cuộc chiến được gọi là Chiến tranh giành độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo dấu chân Người

Theo tiểu sử chính thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 tại quê mẹ là làng Hoàng Trù (Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cha là Nguyễn Sinh Sắc và mẹ là Hoàng Thị Loan, được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung, là thứ ba trong gia đình có bốn con.

Lần đầu tiên, sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố vào năm 1946. Lúc đó, Bác đã là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Sáng 19-5-1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ. Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Ảnh: Hochiminh.vn

Ngày 19-5-1947, giữa lúc chiến tranh lan rộng ra cả nước, sinh nhật Bác diễn ra tại một địa điểm bí mật trên chiến khu ở Sơn Dương (Tuyên Quang). Chỉ có một bó hoa rừng của những người thân cận đang bảo vệ Người, Bác đã dành bó hoa ấy để đi viếng người cấp dưỡng của mình vừa qua đời vì sốt rét.

Vào dịp 19-5-1950, trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), đáp lại tình cảm của mọi người, Bác làm một bài thơ tự cảm về tuổi tác của mình:

    “Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,

So với ông Bành  vẫn thiếu niên.

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,

Trần mà như thế kém gì tiên!” 

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19-5-1950). Ảnh: TTXVN

Vào dịp tròn 63 tuổi (19-5-1953), Bác làm bài thơ chữ Hán “Thất cửu”:

“Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,

Ngã kim thất cửu chính khang cường.

Tự cung thanh đạm tinh thần sảng,

Tố sự thong dong nhật nguyệt trường”. 

Nhà thơ Xuân Thuỷ dịch:

“Chưa năm mươi đã kêu già,

Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.

Sống quen thanh đạm nhẹ người,

Việc làm thông rộng ngày dài ung dung”   .

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Bác Hồ đến thăm trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại Việt Bắc nhân dịp sinh nhật của Người, ngày 19-5-1953. Ảnh: TTXVN

Ngày 19-5-1954, lễ mừng sinh nhật hòa chung với không khí đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ bằng cuộc gặp gỡ của Bác đối với những đại biểu chiến sĩ có thành tích tiêu biểu từ chiến trường trở về chiến khu. Bác đã gắn huy hiệu cho chiến sĩ trẻ bắt sống tướng De Castries. Và trong cuộc gặp còn có một vị khách đặc biệt là nhà điện ảnh Xô viết Roman Karmen, người đang thực hiện những bộ phim về Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm chiến sĩ xuất sắc đại diện các đơn vị vừa chiến thắng ở Điện Biên Phủ được cử về Việt Bắc mừng thọ Bác Hồ nhân Ngày sinh của Người, 19-5-1954. Ảnh tư liệu

Ngày 19-5-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Người ân cần hỏi thăm tình hình đời sống và công việc của anh chị em công nhân nhà máy. Căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy phải đoàn kết chặt chẽ và thi đua lao động sản xuất.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đến thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Người nhắc nhở cán bộ, công nhân phát huy truyền thống cách mạng của nhà máy, ra sức thi đua xây dựng miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam (19-5-1955). Ảnh: Hochiminh.vn

Ngày 19-5-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu học sinh Trường Trưng Vương (Hà Nội) đến Phủ Chủ tịch chúc thọ Người.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại biểu học sinh Trường Trung Vương, Hà Nội chúc mừng sinh nhật Người (19-5-1956). Ảnh: TTXVN

Từ năm 1960 đến 1967, vào trung tuần tháng 5, Bác thường sang Trung Quốc để làm công tác ngoại giao tranh thủ nước bạn ủng hộ cuộc kháng chiến đang diễn ra ngày càng ác liệt ở trong nước. Riêng ngày 19-5-1965, trong dịp thăm Trung Quốc, Bác thăm Khúc Phụ, quê hương của Khổng Tử và làm bài thơ “Phỏng Khúc Phụ”:

“Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ

Cổ tùng cổ miếu lương y hy

Khổng gia thế lực kim hà tại

Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi

Đặng Thai Mai dịch:

Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ

Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa

Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?

Lấp loáng bia xưa chút ánh tà”.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các cháu thiếu nhi mừng sinh nhật Bác 70 tuổi, năm 1960, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TTXVN

Ngày 19-5 của năm 1968 và 1969, vào khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ, Bác đều dành để xem và sửa lại Di chúc.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2010 và Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2007)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.

Chờ cho kháng chiến thành công đã

Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Nhân dịp chuẩn bị sinh nhật lần thứ 59 của Bác, ngày 19- 5- 1949, nhiều ý kiến đề nghị tổ chức Lễ mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác tỏ ý không bằng lòng và Người đã tự làm thơ mừng thọ mình, cũng là câu trả lời cho các ý kiến về việc ý định mừng thọ cho Bác.

(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, t.6, tr. 72)

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thiếu nhi Việt Bắc đến chúc mừng sinh nhật Bác Hồ (19-5-1950). Ảnh: TTXVN

Bài thơ là hiện thân của sự giản dị, khiêm tốn nhất mực ở Người, toát lên một tinh thần lạc quan cách mạng, có niềm tin sâu sắc vào thắng lợi cách mạng, coi đó là điều kiện tiên quyết trong các tiệc mừng, cho ngày sinh nhật… Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khổ, thì không thể vui cho riêng mình và Bác cũng mong mọi cán bộ, đảng viên như vậy.

Hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đời sống vật chất, tinh thần của xã hội được nâng cao; nhưng triết lý sống phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước lên trên, lên trước, phải biết lo cho nhân dân, cho địa phương, cho đơn vị trước khi lo cho chính mình vì mọi người luôn khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm… của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với mọi người, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách mà nhân dân giao phó.

Học tập và làm theo phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị và tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, gương mẫu, đi đầu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội; đề cao tự phê bình và phê bình; đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân; kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bệnh thờ ơ, vô cảm, sùng bái cá nhân; ra sức xây dựng cơ quan, đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp, có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh; xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Ngày 19-5-1962, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng bức ảnh cán bộ và chiến sĩ bộ đội X hân hoan, phấn khởi đón mừng Hồ Chủ tịch đến thăm đơn vị.

Ngày 19-5-1964, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng lời Hồ Chủ tịch: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19-5-1962 và ngày 19-5-1964.

Ngày 19-5-1966, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng lời Bác dạy, trích trong Chỉ thị của Hồ Chủ tịch ở hội nghị chi bộ “bốn tốt”. Trong đó có đoạn: “Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt. Muốn đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên giáo dục mỗi đồng chí. Nhiệm vụ của đảng viên là gì? Tư cách của đảng viên là thế nào? Đồng thời giúp đỡ đảng viên hằng ngày tự kiểm điểm mình”.

Cũng trong số báo này đã đăng bài xã luận: “Mừng thọ Hồ Chủ tịch, toàn quân hãy thực hiện lời dạy của Người về xây dựng chi bộ, rèn luyện đảng viên”.

Ngày 19-5-1969, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài xã luận: “Học tập đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”. Trang nhất số báo này cũng đăng hình ảnh Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu lực lượng vũ trang nhân dân trên tuyến đầu của miền Bắc.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19-5-1966 và ngày 19-5-1969.

Ngày 19-5-1971, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài xã luận: “Làm theo thời dạy của Hồ Chủ tịch: Tăng cường đoàn kết, tăng cường sức mạnh chiến đấu của chúng ta”.

Ngày 19-5-1973, trang nhất Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài xã luận: “Giương cao ngọn cờ vẻ vang của Hồ Chủ tịch, tiến lên thắng lợi cuối cùng”, và hình ảnh Hồ Chủ tịch sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1954) và Bác Hồ nói chuyện thời sự với bộ đội trên đường hành quân trong kháng chiến chống Pháp.

Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19-5-1971 và ngày 19-5-1973.
Ngày 19-5-1890: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

KIM GIANG – QĐND (tổng hợp)