Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm đáp ứng xu thế đổi mới quản lý giáo dục đại học hiện nay
Trong cơ sở giáo dục, đội ngũ giảng viên, chuyên viên đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực nòng cốt vận hành bộ máy hành chính trên tất cả các phương diện hoạt động. Chiến lược phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-ĐHNN ngày 26 tháng 7 năm 2021 đã nêu rõ quan điểm về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý và phục vụ đào tạo: “Tăng cường đào tạo,bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và cán bộ thuộc diện quy hoạch của các đơn vị trực thuộc” để phù hợp với định hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao và sứ mệnh của Trường. Năm học 2023-2024, Hội đồng trường, Giám Giám hiệu Trường ĐHNN đã tổ chức thành công hai khóa bồi dưỡng kiến thức về Quản trị đại học, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo đội ngũ cán bộ giảng viên trong toàn trường.
Khóa Quản trị đại học lần thứ I được triển khai theo Thông báo số 1462/TB-ĐHNN ngày 05 tháng 9 năm 2023 dành cho 47 cán bộ quản lý và chuyên viên chủ chốt từ các phòng chức năng, các trung tâm trực thuộc Trường, Khoa Đào tạo và Bồi dưỡng Ngoại ngữ và Khoa Sau Đại học. Khoá I diễn ra từ ngày 11/9/2023 đến 16/10/2023 với 6 buổi học trực tiếp; ban cố vấn học tập bao gồm 9 giảng viên đến từ các thành viên Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các đơn vị trực thuộc trường. Các chủ đề của Khoá I tập trung phát triển năng lực quản trị đại học, thúc đẩy năng lực, hiệu quả quản lý cùng những ý tưởng xây dựng mô hình quản trị đại học cho Trường Đại học Ngoại ngữ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ đào tạo. Cụ thể, các chủ đề được trình bày bao gồm: (i) giới thiệu Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục AUN-QA phiên bản 3.0 và hệ thống đảm bảo chất lượng của Trường ĐHNN; (ii) các chính sách và kết quả về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; nguồn nhân lực, các mạng lưới và quan hệ đối ngoại; (iii) Nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất; (iv) kết quả tài chính và thị trường; (v) hệ thống quản lý thông tin chất lượng nội bộ, vấn đề nâng cao chất lượng; (vi) lãnh đạo và chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh, văn hoá và quản trị.
Khóa Quản trị đại học lần thứ II được triển khai theo Thông báo số 145/TB-ĐHNN ngày 31 tháng 01 năm 2024, khóa học diễn ra từ ngày 19/02/2024 đến 22/4/2023 với sự tham gia của 83 giảng viên là Ban chủ nhiệm khoa, Trưởng/phó tổ bộ môn các đơn vị đào tạo. Ban cố vấn học tập của khoá gồm 15 giảng viên, dẫn dắt các nội dung liên quan đến những yêu cầu mới trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo (CTĐT), hoạt động hỗ trợ người học, giảng viên theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA phiên bản 4.0. Các chủ đề bồi dưỡng tập trung bàn luận, đưa ra ý tưởng, giải pháp nâng cao chất lượng CTĐT, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá, hoạt động hỗ trợ người học, kết quả đầu ra và chất lượng giảng viên. Khoá II được triển khai theo hình thức kết hợp với thời lượng 11 buổi, bao gồm 6 buổi tập huấn chuyên môn, 4 buổi dành cho các nhóm học viên báo cáo kết quả nghiên cứu và buổi tổng kết khoá học với những thảo luận, chia sẻ về phương hướng, nội dung đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn tiếp theo.
Kết quả thu được từ hai khoá Quản trị đại học là các đề án, kế hoạch khả thi, có tính ứng dụng cao, là hệ thống giải pháp thiết thực làm nguồn tài liệu tham khảo giúp Ban Giám hiệu triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường trong giai đoạn tới. Trong đó, sản phẩm của Khoá I bao gồm 20 giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2023-2024; sản phẩm của Khoá II là 6 đề án trải rộng theo các nội dung: (i) chuẩn đầu ra CTĐT; (ii) cấu trúc, nội dung CTĐT; (iii) phương pháp dạy và học; (iv) đánh giá người học; (v) giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên; (vi) hoạt động hỗ trợ người học; (vii) cơ sở vật chất và trang thiết bị; (viii) giải pháp nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn, có việc làm của người học.
Để công tác đào tạo bồi dưỡng tiếp tục được tiến hành hiệu quả, thời gian tới đây, Trường ĐHNN sẽ đánh giá tác động của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với chất lượng công việc của cán bộ, giảng viên, đồng thời Nhà trường tiếp tục căn cứ trên các Thông tư, Nghị định, Hướng dẫn mới của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, ĐHQG Hà Nội, nghiên cứu các xu thế mới trong quản lý giáo dục đại học trên thế giới, xây dựng nội dung, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, hướng tới từng vị trí việc làm tại từng đơn vị. Mục đích của các khóa bồi dưỡng nhằm đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tham mưu, phân tích tổng hợp xử lý thông tin, triển khai thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ chuyên viên.
Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo bồi dưỡng giảng viên, chuyên viên và cán bộ quản lý là một trong những nhiệm vụ đổi mới căn bản của công tác quản lý giáo dục. Hoạt động đào tạo bồi dưỡng giúp cán bộ, giảng viên Nhà trường cập nhật, xây dựng, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp, phong cách làm việc, đáp ứng với những yêu cầu mới trong quản lý giáo dục đại học hiện nay ở Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN./.
Một số hình ảnh khác: