Đại sứ UAE Bader Almatrooshi thăm và thuyết giảng tại ULIS
Sáng ngày 23/04/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã vinh dự đón tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại Việt Nam Bader Almatrooshi đến thăm và thuyết giảng cho sinh viên.

Đón tiếp Đại sứ Bader Abdulla Almatrooshi có Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng KHCN&HTPT Lưu Mạnh Kiên, Trưởng khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á Trần Hữu Trí, Phó Trưởng khoa Nguyễn Thị Vân Chi.
Tại buổi làm việc thân mật với lãnh đạo trường, Đại sứ Bader Almatrooshi đánh giá cao những nỗ lực của ULIS trong giảng dạy và quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Ả Rập tại Việt Nam. Đồng thời, thay mặt Đại sứ quán UAE, ông cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi học thuật và giao lưu văn hóa.
Về phía Nhà trường, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Ả Rập đang ngày càng phát triển. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Ngoại ngữ cam kết sẽ tiếp tục tích cực đẩy mạnh hơn nữa trong đào tạo, quảng bá tiếng Ả Rập, xây dựng cầu nối ngôn ngữ – văn hóa để góp phần tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia khu vực Ả Rập, đặc biệt là UAE.


Đại diện hai bên trao quà lưu niệm
Sau đó, Đại sứ Bader Almatrooshi đã thuyết giảng cho sinh viên tham gia học phần Tìm hiểu cộng đồng châu Á với chủ đề “Câu chuyện kinh tế UAE”. Đây là cơ hội để sinh viên ULIS tìm hiểu về sự phát triển về kinh tế của Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, quan hệ ngoại giao giữa UAE – Việt Nam, đồng thời được trực tiếp giao lưu với Đại sứ.

Trong bài thuyết giảng của mình, Đại sứ Bader Almatrooshi nhấn mạnh những thành tựu nổi bật về kinh tế của UAE như kim ngạch ngoại thương phi dầu mỏ đạt 816 tỷ USD, hệ thống logistic hàng đầu thế giới,… Đại sứ UAE tại Việt Nam cũng khẳng định mối quan hệ đối tác toàn diện giữa UAE và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với Hiệp định CEPA giúp miễn 99% thuế quan và hàng trăm hoạt động kết nối doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư và giáo dục.

Khép lại bài trình bày, Đại sứ khẳng định: Mối quan hệ hợp tác giữa UAE và Việt Nam là câu chuyện về lòng tin, cơ hội và sự phát triển. Hai bên không chỉ là đối tác chiến lược về kinh tế mà còn những người bạn thân thiết và cùng hướng đến sự phát triển chung. UAE và Việt Nam có thể tiến về phía trước để xây dựng một tương lai – nơi sự hợp tác không có ranh giới và đạt được nhiều thành quả rực rỡ.





Buổi thuyết giảng đã khép lại với phần giao lưu giữa sinh viên với Đại sứ Bader Almatrooshi. Nhiều câu hỏi của sinh viên ULIS về ngôn ngữ, văn hóa, cơ hội việc làm tại UAE… đã được Đại sứ giải đáp tận tình.






GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HỌC PHẦN TÌM HIỂU CỘNG ĐỒNG CHÂU Á: Mục tiêu của học phần – Trang bị kiến thức về quốc tế học. – Trang bị kiến thức cơ bản về quan hệ quốc tế. – Trang bị kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội văn hóa của các nước châu Á, giúp người học vận dụng kiến thức để nâng cao nhận thức về các vấn đề chung toàn cầu hiện nay như xây dựng cộng đồng kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu, sự khác biệt văn hóa… Ngôn ngữ giảng: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn (có phiên dịch nếu chuyên gia nước ngoài giảng dạy) Điểm đặc biệt của môn học – Học theo chuyên đề cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, đến từ các trường đại học, học viên, cơ quan ngoại giao (1~2 chuyên gia nước ngoài, 3~5 chuyên gia ngoài trường, 3~5 chuyên gia trong trường). – Không tổ chức thi học kỳ, tính điểm cuối kỳ bằng 1 bài báo cáo khoa học (10 trang A4) và lựa chọn các sinh viên xuất sắc tham gia Cuộc thi ‘Thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á’. (Giải thưởng là Giấy xác nhận của Hiệu trưởng, tiền mặt và điểm 10 cho điểm cuối kỳ) – Feedback cho từng sinh viên/ từng nhóm về bài báo cáo cuối kỳ trong suốt khóa học. – Lấy phiếu đánh giá để điều chỉnh theo ý kiến và nguyện vọng của sinh viên theo từng học kỳ. Số lượng sinh viên đăng ký các năm học – Thử nghiệm giảng dạy (không tính điểm): 1 lần/ năm học (năm 2017, 2018, 2019) – Đưa vào giảng dạy chính thức và tính điểm như một môn chung cho các lớp CLC TT23 (mã môn học: FLF1005***, 3 tín chỉ) + Năm học 2019-2020: 120 sinh viên đăng ký + Năm học 2020-2021: 180 sinh viên đăng ký + Năm học 2021-2022: 360 sinh viên đăng ký + Năm học 2022-2023: 560 sinh viên đăng ký + Năm học 2023-2024: 650 sinh viên đăng ký + Năm học 2024-2-25: 600 sinh viên đăng ký. |