Cơ hội nào đề án Ba Vì mang lại cho sinh viên ULIS? – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cơ hội nào đề án Ba Vì mang lại cho sinh viên ULIS?

Đề án Ba Vì đã và đang được triển khai và nhận được nhiều kết quả, phản hồi tích cực từ cả trường Đại học Ngoại ngữ và huyện Ba Vì. Đối với những bạn sinh viên ULIS đang hoạt động với vai trò là giáo sinh tại Ba Vì, đây là một đề án mang lại rất nhiều cơ hội quý giá. 

Nỗi đồng cảm sâu sắc

Đối với Nguyễn Thị Ngọc, giáo sinh tại trung học cơ sở Vạn Thắng đồng thời cũng từng là một học sinh tại Ba Vì, bạn hiểu hơn ai hết khó khăn mà các em học sinh tại đây phải trải qua khi học tiếng Anh. Nhất là trong giai đoạn học trực tuyến, nhiều em học sinh không có đủ thiết bị học tập, thường xuyên gặp vấn đề về đường truyền và khó tập trung. Tuy nhiên, khi được trở thành giáo sinh quay về chính quê hương của mình giảng dạy, bạn lại càng hiểu rõ thầy cô đã gặp phải những khó khăn, vất vả như thế nào trong việc dạy tiếng anh tại một nơi khó khăn như Ba Vì. Chính từ đó mà Ngọc đã có một sợi dây kết nối, một sự cảm thông chân thành dành cho các em học sinh và các thầy cô tại Ba Vì. Ngọc mong rằng mình có thể dùng khả năng mình có để giúp đỡ các em học sinh và san sẻ gánh nặng với các thầy cô tại nơi đây. 

           Nguyễn Thị Ngọc, giáo sinh tại trung học cơ sở Vạn Thắng

Trau dồi kĩ năng sư phạm

Để nói về cơ hội Đề án Ba Vì mang lại không thể không nhắc đến việc giúp sinh viên ULIS trong việc nâng cao năng lực chuyên môn và cải thiện kĩ năng sư phạm bản thân. Đây cũng là những chia sẻ tâm đắc đến từ bạn Nguyễn Phương Quỳnh, giáo sinh tại THCS Thuần Mỹ. Quỳnh cho rằng tham gia vào đề án là một trong những cơ hội cọ xát thực tế đáng để trải nghiệm, nhất là đối với các bạn sinh viên chuyên ngành sư phạm. Chính những giờ đứng lớp đã giúp bạn có thể rèn luyện kĩ năng sư phạm qua quá trình chuẩn bị, xây dựng giáo án, lên ý tưởng hoạt động cho học sinh và thực hành giảng dạy trực tiếp.  Bên cạnh đó, bạn còn được học hỏi, trau dồi từ chính các giảng viên đầy nhiệt huyết và dày dặn kinh nghiệm của ULIS.

        Nguyễn Phương Quỳnh, giáo sinh tại THCS Thuần Mỹ

Thời gian để khám phá bản thân

Mai Lan, giáo sinh tại THCS Phú Đông cũng giống một số sinh viên còn cảm thấy mông lung, mơ hồ về nghề nghiệp của mình sau này. Là sinh viên ngành Ngôn ngữ, không thuộc ngành Sư phạm nhưng cô bạn nghĩ rằng đề án Ba Vì sẽ là một bước đi mới để hiểu được bản thân mình có hợp với ngành này hay không. Nếu có đó sẽ là điều may mắn, nếu không, cũng sẽ giúp bản thân biết được điều mình muốn là gì. 

“Mình cảm thấy đề án này là một cơ hội tốt cho chúng ta, có thể bạn không học ngành Sư phạm nhưng hãy cứ DÁM THỬ, DÁM LÀM, DÁM DẤN THÂN. Vì mình sống là để khám phá, tại sao lại không thử khi cơ hội đang trong tầm tay chứ?”. Mai Lan tâm sự.

   Nguyễn Mai Lan, giáo sinh tại THCS Phú Đông

Áp dụng công nghệ vào giảng dạy

Do diễn biến của đại dịch Covid-19, hoạt động giảng dạy, học tập phải tiến hành online tạo ra nhiều thử thách hơn đối với thầy cô và các bạn học sinh. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các bạn giáo sinh tiếp cận với công nghệ và áp dụng chúng vào việc giảng dạy. Đó là điều rất cần trong xu thế phát triển và hội nhập. Các bạn sẽ sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn, biết thêm nhiều phần mềm học trực tuyến tiện ích từ đó làm chủ công nghệ và đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. 

      Đặng Hà Anh – giáo sinh tại trường THCS Cam Thượng & Đông Quang

Chắc hẳn đây cũng là cơ hội chung mà tất cả các bạn giáo sinh đều nhận thấy khi tham gia đề án Ba Vì.Mong rằng các bạn bạn sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ các em học sinh và mang lại hiệu quả cao nhất mà bản thân có thể. 

Khánh Huyền – ULIS Media