Chìa khóa phát huy bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên mới
NDO – Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng trên Báo Nhân Dân với chủ đề “Học tập suốt đời”, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân xây dựng một xã hội học tập. Qua học tập suốt đời, không chỉ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn, mà còn giữ gìn, xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến về thăm Làng cổ Đường Lâm. |
Từ nền tảng quan niệm, định hướng của Đảng, có thể nói, một xã hội học tập là một xã hội biết trân trọng lịch sử, nuôi dưỡng và phát huy giá trị văn hóa cốt lõi. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là kim chỉ nam cho sự kết hợp giữa học tập suốt đời và giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, mà còn mở ra một tầm nhìn chiến lược: lấy giáo dục làm cầu nối giữa truyền thống và tương lai.
Những người gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Trong đời sống, có nhiều tấm gương điển hình về việc học tập suốt đời, tạo nền tảng vững chắc để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời bồi đắp lòng yêu nước, tự tôn dân tộc.
Là tác giả của tác phẩm múa nổi tiếng “Vũ điệu kết đoàn”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sau những cống hiến to lớn cho đất nước vẫn tiếp tục miệt mài với công việc nghiên cứu, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. Với tình yêu sâu sắc dành cho nghệ thuật dân tộc, bà đã dày công biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết từng động tác trong “Vũ điệu kết đoàn”. Công trình không chỉ giúp việc truyền dạy trở nên bài bản, dễ tiếp cận hơn, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giữa dòng chảy sôi động của xã hội hiện đại.
![]() |
Tác giả cùng các nghệ sĩ múa “Vũ điệu kết đoàn” tại quảng trường Tây Bắc, tỉnh Sơn La. |
Hay như câu chuyện về các lớp học trải nghiệm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cũng là minh chứng cho việc học suốt đời, giữ gìn di sản. Những lớp học của họa sĩ tài ba này không chỉ bảo tồn nghề thủ công truyền thống như: làm tò he, tranh in khắc gỗ, trải nghiệm làm sơn mài, làm gốm, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch cho địa phương.
Du khách tham gia không chỉ học nghề mà còn thấu hiểu sâu sắc văn hóa đặc sắc của làng cổ, từ đó góp sức xây dựng giá trị văn hóa bền vững và hình ảnh làng nghề Việt Nam ra thế giới.
Một điển hình đáng chú ý khác cho việc học tập suốt đời gắn với bảo tồn văn hóa là tại Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh việc thực hiện tốt mục tiêu đào tạo, nhà trường mới đây thành lập Khoa Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, nhằm giới thiệu và quảng bá tiếng Việt, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua ngôn ngữ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Long, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đối tượng của chuyên ngành này không chỉ bao gồm người Việt Nam mà còn cả người nước ngoài và kiều bào.
![]() |
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng say mê với công việc nghiên cứu, gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống. |
Sinh viên không chỉ được mở rộng kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, phương pháp giảng dạy tiếng Việt, mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động thực tế như chương trình Tết Việt, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam và các địa điểm nổi tiếng khác. Những trải nghiệm này giúp sinh viên nâng cao khả năng giao tiếp, hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp đồng bộ để thúc đẩy học tập suốt đời, nâng cao dân trí và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Trước tiên là tăng cường tuyên truyền, nhất là trong các cơ quan, tổ chức, về vai trò của học tập suốt đời trong gìn giữ văn hóa; đồng thời, đề xuất Chính phủ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, phát triển các nền tảng học tập trực tuyến về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật truyền thống, mở rộng chương trình “Xe thư viện lưu động” để phục vụ cộng đồng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh số hóa tư liệu văn hóa, xây dựng bảo tàng số, triển lãm thực tế ảo và nền tảng học tập trực tuyến, giúp bảo tồn và mở rộng khả năng tiếp cận văn hóa, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Đồng chí Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: “Các giải pháp đồng bộ sẽ tạo ra một hệ sinh thái văn hóa bền vững, bảo tồn di sản và mở rộng cơ hội học tập cho mọi đối tượng, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
![]() |
Lớp trải nghiệm làm tò he của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. |
Cụ thể hóa tinh thần học tập suốt đời
Tới đây, Quốc hội sẽ sửa đổi và ban hành luật nhằm tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc phổ cập tri thức, nâng cao nhận thức cũng như khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, chia sẻ: “Vừa qua, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 91-KL/TW trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo, Luật về học tập suốt đời… Ủy ban Văn hóa và Xã hội đang khẩn trương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rất tích cực xây dựng Dự án Luật Học tập suốt đời. Ủy ban Văn hóa và Xã hội sẽ chủ động tổ chức các đoàn khảo sát tình hình thực tiễn, làm việc với các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để phối hợp xây dựng chính sách, nhất là các nội dung lớn về tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.
![]() |
Đoàn thí sinh Hoa hậu Áo dài đến trải nghiệm làm nghề truyền thống tại Làng cổ Đường Lâm. |
Sau khi Dự án Luật được bổ sung vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ để thẩm tra theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Ủy ban sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp…để cụ thể hóa tinh thần học tập suốt đời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: “Ngành văn hóa đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tuyên truyền qua báo chí và mạng xã hội đóng vai trò quan trọng. Lồng ghép giáo dục văn hóa vào trường học, cộng đồng, và khuyến khích tinh thần tự học trong gia đình là những chiến lược then chốt”.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp có thể tham gia tài trợ các dự án giáo dục, hỗ trợ nghệ nhân truyền nghề truyền thống và tổ chức các chương trình quảng bá di sản văn hóa đến thế hệ trẻ.
Số hóa tư liệu văn hóa và triển khai nền tảng học trực tuyến là hướng đi quan trọng, giúp thế hệ trẻ tiếp cận linh hoạt với tri thức. Mô hình đào tạo kết hợp lý thuyết và thực hành tại làng nghề và trung tâm văn hóa cần được đẩy mạnh.
![]() |
Các thầy cô của Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn các đồng nghiệp quốc tế cách gói bánh chưng, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam. |
Mặt khác, bảo tồn văn hóa cần gắn kết với phát triển du lịch bền vững. Mô hình du lịch văn hóa, trải nghiệm kết hợp với học tập suốt đời giúp du khách và cộng đồng hiểu rõ di sản, đồng thời tạo cơ hội học hỏi thực tiễn qua các sự kiện như ngày hội văn hóa, festival nghề truyền thống hay hội chợ ẩm thực.
Học tập suốt đời không chỉ nâng cao dân trí mà còn bảo tồn hồn cốt dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện tầm nhìn này, cần có sự phối hợp của toàn hệ thống chính trị, sự chủ động của mỗi cá nhân và hỗ trợ mạnh mẽ từ công nghệ.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Mỗi người cần tích cực học hỏi, lan tỏa tinh thần học tập và bảo vệ những giá trị văn hóa cốt lõi, từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên hội nhập mà vẫn giữ gìn hồn cốt dân tộc.