Câu chuyện giành giải thưởng Nghiên cứu khoa học với đề tài tiếng Nhật của sinh viên Khoa NN&VH Pháp
Hoàng Vân Linh là sinh viên lớp 20F2 khóa QH.2020, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN. Vân Linh được biết đến là cô sinh viên năng nổ luôn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và công tác xã hội. Cô đã vinh dự 2 lần đạt học bổng Khuyến khích học tập của trường, nhận giải thưởng của Đại sứ Maroc trong cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ 2022, tham gia chương trình Đại sứ Học tập của Khoa Pháp 2023,…
Mặc dù là sinh viên năm 4 Khoa NN&VH Pháp, Vân Linh đã là chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì bằng tiếng Nhật cấp trường đợt 2 năm học 2022 – 2023. Với châm ngôn sống “Dù sớm hay muộn, cuộc đời sẽ mang đến cho bạn những gì bạn xứng đáng” đã giúp cô vượt lên trên những khó khăn, thách thức để chinh phục nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhì nghiên cứu khoa học. Nhưng hơn hết, đối với Vân Linh, đó là một hành trình quý giá mà mọi sinh viên đều nên trải nghiệm.
Cơ duyên đến với con đường nghiên cứu khoa học
Vân Linh tâm sự: “Đối với QH.2020 hệ CLC của tụi mình, khóa luận tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Khi còn là sinh viên năm nhất, mình đã có nhiều trăn trở và lo lắng khi nghĩ đến khóa luận tốt nghiệp trong tương lai. Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đối với mình lúc đó là những khái niệm xa vời mà mình nghĩ bản thân sẽ chẳng bao giờ làm được.”
Thế nhưng, thật may mắn với Vân Linh, sau khi tham gia tọa đàm “Sinh viên làm chủ hoạt động Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, & khởi nghiệp” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ULIS Innovation phối hợp cùng Khoa NN&VH Pháp tổ chức và được lắng nghe những chia sẻ hữu ích và thực tế, cô đã quyết định thực hiện nghiên cứu khoa học. “Trong suốt chuyến hành trình ấy, bên cạnh mình luôn có sự đồng hành của một người bạn ở Khoa NN&VH Nhật Bản. Thật may mắn rằng, sau nỗ lực không ngừng nghỉ đã bỏ ra, chúng mình đã gặt hái được giải Nhì.”
Từ đam mê đa văn hóa đến đề tài nghiên cứu bằng tiếng Nhật
Là một sinh viên học chuyên ngành tiếng Pháp, thế nhưng, thay vì chọn ngôn ngữ Pháp để nghiên cứu khoa học, Linh lại chọn một ngôn ngữ khác hoàn toàn – tiếng Nhật làm đề tài nghiên cứu. Cô gái đã thẳng thắn chia sẻ: “Từ lúc tìm hiểu về Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, & khởi nghiệp, mình đã có dự định sẽ thực hiện ít nhất 2 dự án trong quãng thời gian thanh xuân của mình. Mang trong mình hứng thú tò mò với mọi thứ xung quanh, đặc biệt, bản thân mình là người có sở thích trong việc khám phá những nền văn hóa khác nhau. Mình không chỉ có niềm yêu thích ẩm thực và văn hóa nước Pháp lãng mạn, mà cũng ham thích nghiên cứu về văn hóa và lịch sử của Trung Hoa, cũng như có niềm đam mê với các bộ manga, bộ phim anime và văn hóa Nhật Bản.”
Cô bạn cũng chia sẻ một bí mật nhỏ về khả năng ngôn ngữ “hơn người” của mình. Ngoài ngôn ngữ chính học tại ULIS là tiếng Pháp và tiếng Anh, Vân Linh tự mày mò học thêm về tiếng Trung và tiếng Nhật. Đó cũng là lý do cô bạn trở thành chủ nhiệm đề tài tiếng Nhật “Vai trò của phương pháp chép từ trong việc cải thiện vốn từ vựng tiếng Nhật” đã đạt giải Nhì nghiên cứu khoa học của ULIS.
“Trong suốt quá trình tự học, mình đã gặp những khó khăn về phương pháp học chữ viết. Quả thực, học chữ tượng hình khác hẳn so với chữ viết Latinh, việc nhận định mặt chữ trong các ngôn ngữ khác nhau cũng trở nên khó khăn hơn. Vậy nên, để cải thiện việc đó, mình quyết định đi từ thực tiễn để rút ra cho bản thân kinh nghiệm học tập hiệu quả. Vì vậy, dự án nghiên cứu khoa học của mình đã được ra đời. Hiện tại, mình cũng đang ấp ủ thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học nữa bằng ngôn ngữ chính – tiếng Pháp của mình.”
Chia sẻ về hành trình và kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học
Nhớ lại khoảng thời gian làm nghiên cứu khoa học, Linh tâm sự rằng quá trình ấy giống như một chuyến đi đầy ý nghĩa. Chuyến hành trình ấy mang lại cho cô bạn nhiều trải nghiệm đầy màu sắc, giúp cô trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ trăn trở rồi lo lắng, nản chí, đến cảm giác hào hứng chinh phục và khát khao chiến thắng.
“Nghiên cứu khoa học không phải là một hành trình suôn sẻ từ đầu đến cuối. Thú thực, từ giai đoạn mở đầu cho đến cuối vạch đích, mình và bạn đồng hành đã gặp khá nhiều khó khăn như nhiều lúc bất đồng quan điểm, hay bí bách trong việc tìm tư liệu nghiên cứu, và đôi lúc còn là cảm giác mơ hồ trong chính nghiên cứu của mình nữa,… Tuy nhiên, vượt lên trên hết, chúng mình rút ra được những bài học để khắc phục những khó khăn cho những dự án khác.”
Vân Linh đã gửi gắm những chia sẻ hết sức thực tế trong quá trình thực hiện đề tài. Đầu tiên, để đạt được thành công, chủ nhiệm dự án phải là người biết điều hành teamwork sao cho hiệu quả. Một người cộng sự đồng hành không chỉ là người sẵn sàng thực hiện dự án, mà cần phải trình bày rõ ràng quan điểm, mục đích thực hiện nghiên cứu. Các thành viên đều phải cam kết với nhau ngay từ đầu để hiểu rõ nhau hơn, cũng như thống nhất thời gian làm việc và quy tắc thực hiện dự án. Điều này sẽ giúp cho teamwork bớt được những tranh cãi không đáng có và giúp dự án đi đúng lộ trình hơn.
Tiếp theo, sau khi thống nhất được đề tài nghiên cứu, trong quá trình tìm tư liệu nghiên cứu để phục vụ cho cơ sở lý luận và làm sáng tỏ đề tài chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm nghiên cứu khoa học và tư liệu.
“Mình vẫn nhớ như in giai đoạn đó, mình rất bí bách, đôi khi đọc cả chục bài nghiên cứu mà vẫn không thấy tìm được thông tin nào. Thế rồi, mình và bạn đồng hành đã quyết định để bản thân nghỉ ngơi, sau đó chắt lọc những nghiên cứu uy tín trên Google scholar, thư viện VNU-LIC, các chuyên san tạp chí khoa học,… và nghiên cứu, nghiền ngẫm từ 1 đến 3 bài mỗi ngày. Chính khoảng thời gian đó, chúng mình nhận ra rằng nghiên cứu khoa học không thể “ăn xổi ở thì” được, mà cần quá trình tích lũy và nghiền ngẫu sâu sắc. Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta phải khai thác được đúng thông tin, và không nên nóng vội, nản chí.”
Vân Linh tại buổi bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học
Cô bạn cũng chia sẻ thêm, trong quá trình thu thập kết quả nghiên cứu, khi gặp những khó khăn về số lượng phản hồi còn ít và chậm hơn so với dự tính, cả nhóm đã mạnh dạn liên hệ nhờ lớp trưởng của các lớp lan tỏa khảo sát đến được với nhiều đối tượng hơn. Vì vậy, làm nghiên cứu khoa học ngoài cần sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, và kiên trì, chúng ta còn cần phải mạnh dạn, tự tin và chủ động nữa.
“Sau khi hoàn thành dự án, mình có cảm giác giống như bản thân vừa chinh phục một đỉnh núi cao vậy. Mệt mỏi, nản chí có, nhưng hào hứng và nhiệt huyết cũng đều có. Mình tin rằng cảnh đẹp và ánh hào quang phía sau đỉnh núi mà chúng mình nhận được hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực và vất vả trước đó. Nhiều hơn thế, chúng mình đã gặt hái được kinh nghiệm quý báu cho khóa luận tốt nghiệp. Quả thực, đó quả là một hành trình ý nghĩa phải không nào?”.
Lời gửi gắm tới các bạn sinh viên
Vân Linh hy vọng rằng với những chia sẻ của mình, các bạn sinh viên đã có thêm một góc nhìn mới về nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, cô bạn cũng mong muốn nhắn nhủ tới tất cả các bạn sinh viên: “Thanh xuân 4 năm ở ULIS tưởng chừng như dài nhưng thật ra rất ngắn, thực hiện Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, & khởi nghiệp sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm và bài học vô cùng ý nghĩa và quý báu. Bất cứ với mỗi bạn sinh viên có phải làm khóa luận tốt nghiệp hay không thì hành trình làm Nghiên cứu khoa học cũng sẽ mang đến cho phần thưởng trân quý và quãng thời gian xứng đáng với những gì bạn bỏ ra. Hơn thế nữa, mình tin rằng thực hiện Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, & khởi nghiệp sẽ là hành trình tô điểm cho năm tháng thanh xuân của chúng mình thêm rực rỡ tại ULIS!”
Lê Khánh Huyền/ULIS Media