Bồi dưỡng chuyên đề “Ứng dụng ChatGPT trong Biên soạn Học liệu và Đề thi KTĐG môn tiếng Anh” cho giáo viên các trường THCS huyện Ba Vì – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Bồi dưỡng chuyên đề “Ứng dụng ChatGPT trong Biên soạn Học liệu và Đề thi KTĐG môn tiếng Anh” cho giáo viên các trường THCS huyện Ba Vì

Ngày 10/5/2025, trong khuôn khổ Đề án bồi dưỡng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên – học sinh các trường THCS và Tiểu học huyện Ba Vì năm 2025, Trường Đại học Ngoại ngữ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì đã tổ chức hoạt động bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên tiếng Anh bậc THCS huyện về chuyên đề: “Ứng dụng ChatGPT trong Biên soạn Học liệu và Đề thi KTĐG môn tiếng Anh”.

Trong buổi bồi dưỡng, cô Nguyễn Minh Hằng, giáo viên Trường THCS Ngoại ngữ nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một xu hướng công nghệ mà đã trở thành công cụ hỗ trợ thiết thực trong giáo dục. Đối với giáo viên ngoại ngữ, khả năng khai thác AI để biên soạn học liệu một cách có hệ thống, chính xác và phù hợp với chương trình giảng dạy là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, việc xây dựng câu lệnh một cách chiến lược và tối ưu là yếu tố then chốt.
Chuyên đề lần này đã tập trung vào cách thiết kế câu lệnh để ChatGPT có thể tạo ra hệ thống bài tập bám sát chương trình và sách giáo khoa, từ trắc nghiệm, điền từ, đọc hiểu đến viết luận và bài tập giao tiếp. ChatGPT có thể hỗ trợ xây dựng nguồn tài nguyên linh hoạt, có thể tùy chỉnh theo năng lực của từng nhóm học sinh, giúp cá nhân hóa việc giảng dạy trong lớp học đa trình độ.

Diễn giả khẳng định bằng cách hiểu rõ cơ chế hoạt động của AI và cách điều chỉnh yêu cầu đầu vào, giáo viên có thể không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn đảm bảo chất lượng học liệu cao, đa dạng và có tính ứng dụng thực tiễn. Chuyên đề đã giúp chia sẻ những phương pháp cụ thể, những ví dụ thực tiễn và những phân tích chuyên sâu, giúp khai thác ChatGPT không chỉ như một công cụ hỗ trợ mà còn như một phần mở rộng của tư duy sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng cá nhân hóa và hiệu quả.

Bên cạnh phần chia sẻ kiến thức, các thầy cô giáo cũng được hướng dẫn thực hành ứng dụng ChatGPT giúp biên soạn đề kiểm tra đánh giá theo nhu cầu và biên soạn học liệu bám sát định dạng đề thi và chương trình sách giáo khoa.

Chương trình bồi dưỡng khép lại với những phản hồi tích cực từ các thầy cô giáo tiếng anh THCS huyện Ba Vì. Trong tháng 5 này, trong khuôn khổ Đề án, Nhà trường cũng tiến hành tổ chức thi thử vào lớp 10 cho toàn thể học sinh lớp 9 các trường THCS và tổ chức khảo sát ĐGNL toàn bộ học sinh lớp 5.

Đề án “Bồi dưỡng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh các trường THCS và Tiểu học huyện Ba Vì năm 2025”, được triển khai với các mục tiêu: Bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh cấp Tiểu học và THCS về kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, phương pháp sư phạm hiện đại theo định hướng phát huy năng lực, tính tích cực, sáng tạo và khả năng tự học của học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; Hỗ trợ học sinh phương pháp học tập, tiếp cận kho học liệu phong phú, nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ khi tham gia học ngoại ngữ; Tạo môi trường thực hành tiếng Anh thông qua các sân chơi trí tuệ, câu lạc bộ Tiếng Anh, thí điểm dạy học và sử dụng Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại ba trường Tiểu học: TH Vạn Thắng, TH Cổ Đô, TH Châu Sơn (Ba Vì); Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh cấp Tiểu học, phát triển học sinh giỏi, đồng thời nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên dạy ngoại ngữ trong các trường Tiểu học huyện Ba Vì; Nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh cấp THCS, cải thiện chất lượng tuyển sinh vào lớp 10 THPT, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ tại các trường THCS, PTCS huyện Ba Vì.

Trong những năm qua, Trường Đại học Ngoại ngữ đã phối hợp với UBND Huyện Ba Vì triển khai chương trình nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại địa bàn huyện. Năm nay, chương trình được tiến hành tại 35 trường Trung học cơ sở và 34 trường Tiểu học (tập trung triển khai hoạt động thí điểm tại 03 trường Tiểu học Châu Sơn, Vạn Thắng và Cổ Đô).