Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia: Bên nhau trong những tháng ngày xanh
Là sinh viên của ULIS, bạn sẽ không học ở Hòa Lạc, chỉ lên Hola hơn một tháng học giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất. Bạn sẽ học tập tại cơ sở chính của trường, nằm ở chỗ giao giữa đường Phạm Văn Đồng và đường Xuân Thủy, phường Cầu Giấy, Hà Nội.
Đường Phạm Văn Đồng là một trục giao thông huyết mạch, thuộc hệ thống Vành đai 3, nổi bật với 12 làn xe. Xuân Thủy là một tuyến đường sầm uất, nổi tiếng với cơ sở hạ tầng phát triển và mật độ dân cư đông đúc– nơi tập trung nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng, các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng tiện lợi, tạo nên một không gian sôi động và nhộn nhịp. ULIS có nhiều khu giảng đường, trong đó đẹp nhất là Công trình Khoa Pháp (dành cho sinh viên tất cả các khoa), khánh thành từ năm 1984, vẫn được coi là một trong những kiến trúc giáo dục xuất sắc nhất Việt Nam. Cây xanh, bồ câu đi lại ở sân trường, và phòng học nào cũng có điều hòa. Chúng mình dành nhiều thời gian ở giảng đường cùng bạn bè và thầy cô, đi chơi Hà Nội, thăm đài truyền hình, Đại sứ quán, tham gia các hoạt động thiện nguyện, và đi những nơi xa hơn nữa.
Học để biết, học để làm, học để chung sống, và học để trưởng thành (UNESCO). Hà Nội, giảng đường, Hola, CLB, những chuyến đi… Qua thời gian, chúng mình đã lớn hơn như thế nào trong những không gian ấy? Mời các bạn lắng nghe chia sẻ của những sinh viên vừa qua năm thứ nhất và năm thứ hai, ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia, một ngành mới tuyển sinh từ năm học 2023-2024, hiện do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh phụ trách (thông tin chi tiết về chương trình đào tạo ở đây: https://bit.ly/3xhYhiR).
Sinh viên Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia với áo đồng phục của ngành
Nguyễn Lê Nguyệt Minh, lớp 24VH1
“Chào Ngoại Ngữ” năm nay của tụi em có lẽ không được “rực rỡ” như những năm trước, nhưng điều đó càng làm em thấy các thầy cô trường mình tài giỏi quá, tận tâm và nhiệt tình quá. Không chỉ vậy, “Chào Ngoại Ngữ” còn là cơ hội để chúng em gắn kết hơn, được làm quen và hiểu nhau hơn dù thời gian tập đôi khi rất mệt và gấp gáp. Và sau những nỗ lực ấy, chúng em đã cùng nhau tạo nên một tiết mục thật ấn tượng, thật nhân văn và thật đáng tự hào.
Ảnh chụp từ tiết mục của sinh viên ngành Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia trong Chào ngoại ngữ 2024
Vũ Thị Hồng, lớp 24VH2
Để nói về kỉ niệm vui thì có rất nhiều, sự quan tâm từ các thầy cô trong khoa, anh chị khóa trên,… nhưng mình nhớ nhất là khoảng thời gian học với thầy Anh Hào, thầy siêu teen, bắt trend cùng những câu joke gen z làm cho không khí lớp học rất thoải mái, thú vị.
Về những kiến thức học được, mình thấy đáng nhớ nhất là môn Truyền thông thị giác của cô Hải Hà. Qua môn học này, mình được học nhiều kiến thức thú vị (nguồn gốc của meme, photography, comics,…), học được cách sắp xếp bố cục của một thiết kế truyền thông mà sau đó được mình áp dụng cho sở thích design của mình.
Nguyễn Minh Tâm, lớp 24VH1
Em được học tập với các thầy cô vô cùng năng động. Em có ấn tượng nhất là thầy Hào môn tiếng Anh xã hội 2, thầy rất hài hước. Em cũng có những người bạn tốt cùng team work. Tuy bài tập rất khó nhưng chỉ cần ở bên cạnh thầy cô và các bạn, mọi bài khó đều có lời giải.
Mai Hồng Nhung, lớp 24VH1
Đối với mình, kỉ niệm mình cảm thấy thú vị nhất là chuyến đi Ninh Bình cùng với khoa cuối tháng 12, dù ngày kế tiếp là thi cuối kì huhu. Tại đây, mình được tìm hiểu những kiến thức về tôn giáo, văn hóa và lịch sử qua 2 địa điểm: Nhà thờ Phát Diệm và đền vua Đinh vua Lê, khiến mình “wow’’ khá nhiều.

Chuyến đi Ninh Bình, tháng 12/2024
Vũ Mai Phương, lớp 24VH1
Có lẽ điều khiến mình ấn tượng nhất là cách các môn học của chương trình không đứng riêng lẻ mà kết nối rất mượt với nhau. Từ những môn Tiếng Anh như Academic English hay English for Social Studies, mình không chỉ được rèn kỹ năng ngôn ngữ, mà còn được tiếp cận các phương pháp nghiên cứu, phân tích và diễn đạt rất thực tế – giúp mình hiểu sâu hơn, dùng tiếng Anh “chất” hơn trong bối cảnh học thuật và truyền thông. Bên cạnh đó, các môn học của khoa cũng cực kỳ ứng dụng. Môn Biên tập văn bản giúp mình nắm được kỹ thuật viết báo, cách triển khai thông tin sắc sảo và logic. Môn Truyền thông thị giác mở ra cả thế giới thiết kế, đồ hoạ, bố cục hình ảnh mà trước đây mình chưa từng nghĩ đến. Việc học về Nhiếp ảnh truyền thông trong môn này còn khiến mình thật sự mê chữ “cái đẹp” – bởi mỗi bức ảnh giờ đây không chỉ để ngắm mà còn để kể chuyện, để truyền tải thông điệp văn hoá.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với mình chắc chắn là kỳ học quân sự ở Hòa Lạc. Là lớp trưởng, mình có cơ hội gắn bó và quan sát từng thành viên trong lớp – từ những lúc “tăng gia sản xuất” trồng rau ngoài sân, đến các đêm gác chung trong ký túc. Ban đầu lớp mình có vài “va chạm” nhỏ với các bạn cùng đại đội, chủ yếu vì hiểu lầm. Điều khiến mình xúc động là cả lớp luôn đứng ra bảo vệ và bênh vực lẫn nhau, chưa từng để ai cảm thấy cô đơn. Còn với riêng mình, quân sự là dấu mốc không chỉ của sự trưởng thành mà còn là… hành trình tìm thấy “the one”. Ở Hòa Lạc, xa vòng tay bố mẹ, mình lần đầu nếm trải cảm giác nhớ nhà, tự chăm sóc bản thân, và cũng lần đầu thực sự hiểu thế nào là sống tập thể. Giữa những buổi gác đêm, những tiếng còi sáng sớm, mình đã tìm thấy người đồng hành đặc biệt, một người khiến mình tin rằng: thanh xuân đại học không chỉ có bài tập nhóm và deadline, mà còn có những “vì sao” không ngờ tới!

Học tập ở Hola, 2025
Bùi Thị Quỳnh Chi, lớp 23VH1
Quỳnh Chi tham gia Blue Waves Media Contest hai năm liền đều giành giải Spotlight. Các bạn xem cả 02 video nhé!
Cô Nguyễn Hải Hà và Quỳnh Chi tại ngày Open House của ngành, 13/04/2025
One day being an FLCE student🌻, tác phẩm đạt giải Spotlight, Blue Waves Media Contest 2024
One day being an FLCE student🌻là một vlog trong trẻo về một ngày của sinh viên ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia. Theo chân Quỳnh Chi từ buổi sáng với món bún chả, buổi trưa với bánh rán và xôi mua vội trước giờ vào lớp, và tối đi chơi ăn kem Tràng Tiền, ta thấy cả không gian của ULIS, những tòa nhà, những lớp học, khu Khoa Pháp, và cả không gian Hà Nội. Ta còn thấy những thứ khác cũng rất sinh viên: học hành áp lực, trân trọng thầy cô, gắn bó với bạn bè, hát nhạc đỏ trong giờ nghỉ, chọn giờ học buổi sáng muộn chút để ngủ thêm, v.v. Vlog có độ hoàn chỉnh về nội dung, có nhịp điệu, kết hợp tốt giữa hình ảnh và lời kể chuyện. Dù đôi khi các cú lia máy khiến người xem hơi chóng mặt thì cảm nhận chung là một ngày của Chi thật phong phú, đáng yêu. Mong tất cả các bạn sinh viên sẽ luôn có những ngày xanh tươi như thế!
Một hành trình cá nhân, tác phẩm đạt giải Spotlight, Blue Waves Media Contest 2025
Nếu ở mùa giải trước, Chi mang đến một ngày xanh tươi của một sinh viên năm nhất thì năm nay, bạn sinh viên năm 2 Quỳnh Chi trở lại với một lát cắt khác: hành trình trưởng thành bên ngoài lớp học.
Video “Một hành trình cá nhân” đưa người xem điểm lại hai hành trình riêng biệt: “hành trình trau dồi, kết nối” nơi Chi đến thăm VTV, tham gia chương trình “Sinh viên thế hệ mới”, trải nghiệm môi trường gần với chuyên ngành, và “hành trình lan tỏa yêu thương” với các dự án thiện nguyện và hoạt động cộng đồng. Video khiến người xem được truyền cảm hứng, khiến các cô vui và thật tự hào vì sự chân thật, tích cực, và hơn hết là tinh thần dấn thân của bạn. Hành trình cá nhân bạn chia sẻ cũng là một lời nhắc nhẹ nhàng: trưởng thành không chỉ đến từ sách vở, mà còn từ việc dám thử, dám sống hết mình với những điều quanh mình.
Video có hình thức chỉn chu, tự nhiên, gần gũi mà không đơn giản. Để dựng nên một vlog như thế cần rất nhiều công sức, sự tinh ý và cả sự tự tin nữa. Một lần nữa, xin chúc mừng Quỳnh Chi với Giải Spotlight của Blue Waves Media Contest năm nay.
Nguyễn Thị Hà Giang, lớp 23VH2
Văn hoá và Truyền thông Xuyên quốc gia chính là lựa chọn năm 18 tuổi và đến hiện tại mình vẫn luôn biết ơn vì được trở thành một phần của chương trình này. Chương trình đã đem lại cho mình không chỉ những kiến thức trong sách vở, những giảng đường với nhiều bài giảng cung cấp đa dạng thông tin và kỹ năng cho mình, mà còn là nơi giúp mình thực hiện ước mơ bay thật xa, giúp mình tiến gần hơn với công dân toàn cầu.
Trong quá trình học tập, chúng mình được giới thiệu rất nhiều chương trình tình nguyện quốc tế, chương trình trao đổi quốc tế. Bản thân mình không có nhiều cơ hội, kinh nghiệm trước đây về xây dựng CV hoặc những bước để apply học bổng, nên mình đã phải hỏi và xin sự hướng dẫn của cô Minh Tâm và cô Thanh Hà. Dù có những học bổng thời gian gấp nhưng các cô đều thành thời gian cho mình lời khuyên và viết thư giới thiệu cho mình. Các cô đã giúp cho hồ sơ của mình chuyên nghiệp hơn cũng như cho mình các lời khuyên về việc lựa chọn học bổng phù hợp chuyên ngành cũng như định hướng tương lai. Hiện tại, mình vừa hoàn thành chuyến du học trao đổi 2 tuần tại Đại học Thaksin và tham gia vào trại hè 1 tuần International Social Innovation Camp 2025, hai chương trình này thuộc khuôn khổ hợp tác giữa khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Anh (ULIS) và Khoa Faculty of Education (TSU). Mình được tiếp xúc với nhiều bạn nước ngoài, với nhiều tôn giáo khác nhau thông qua những cuộc trao đổi và trò chuyện thân mật. Mình cũng đã được tham gia trải nghiệm hoạt động thực tế và tham gia vào cuộc thi Pitching về sản phẩm đổi mới sáng tạo để mục đích giúp đỡ cho những mô hình kinh doanh của người dân trong khu vực. Mình thực sự biết ơn các cô đã tin tưởng và giúp đỡ mình. Mình hy vọng rằng mình sẽ không phụ lòng thầy cô và có thể đi thật xa, mở mang đầu óc và phát triển hơn nữa!
Chiếc ví cô Thanh Hà tặng mà Hà Giang mang theo trong những chuyến đi xa

Hà Giang (người cầm mic) trong chuyến học tập ở Thái Lan, hè 2025
Mai Thị Hiền, lớp 23VH1
Có lẽ không ai trong chúng mình khi đặt bút đăng ký vào khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh (nay đã gia nhập Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh), ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia của ULIS lại tưởng tượng được rằng hai năm sau, mình sẽ gọi nơi này bằng một tiếng thân thương là “nhà.”
Trước khi bước chân vào đại học, mình từng làm lớp trưởng suốt 12 năm. Thật ra, khi bắt đầu một hành trình mới, mình không định tiếp tục nữa. Mình nghĩ có lẽ cũng đến lúc mình nên đứng về phía sau, thử chỉ sống với một vai trò khác nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi một lần nữa, có thể là do duyên, cuộc sống lại cho mình cơ hội được kết nối và lắng nghe, được sẻ chia và gánh vác. Và mình nhận ra, hoá ra bản thân chưa bao giờ ngừng khao khát được bảo vệ sự đoàn kết và tiến bộ của những tập thể mà mình từng thuộc về.
Nhưng điều đặc biệt là: đây là lần đầu tiên mình thật sự được làm lớp trưởng của một tập thể mà mình thấy yêu, và cũng thấy được yêu nhiều lắm; nơi mà mình không phải gồng mình để gánh mọi thứ, mà có thể thoải mái là chính mình. Có một kỉ niệm làm mình nhớ mãi. Trong khoá học quân sự trên Hòa Lạc, mình được giao nhiệm vụ thu điện thoại cho cả đại đội – một nhiệm vụ nhỏ nhưng dễ gây nhiều khó chịu. Gần như phòng nào cũng có người lén dùng điện thoại, trừ hai phòng của lớp mình: 206 và 208. Không ai nói ra điều gì khi ấy, nhưng mình vẫn để ý. Mãi đến sau này, có nhỏ mới cười bảo: “Tụi tui biết Mai Hiền phải chịu trách nhiệm mảng này nên không muốn Mai Hiền khó xử.” Có vậy thôi đó, mà khiến mình cảm động và nhớ hoài đến tận giờ.
Bật mí là không chỉ VH1 lớp mình thôi đâu! Hình như một khi đã là “công dân” VHTTXQG thì tự nhiên sẽ… dễ thương một cách khó hiểu như thế (?).
Điều khiến mình luôn thấy khoa như một mái nhà nhỏ, trước hết, là vì đúng nghĩa, khoa mình nhỏ thật! Nhỏ đến mức chẳng mấy chốc mà ai cũng biết mặt nhau. Điều đáng trân quý là, gặp nhau ở đâu: lớp học môn chung, nhà ăn, thư viện hay giữa sân trường… cũng có thể gật đầu cười một cái, hỏi han nhau vài câu như thể đã thân từ trước; thậm chí nếu thân hơn, là cũng có thể náo loạn, xôm tụ cả lên, người nói người, cười mãi chẳng hết chuyện. Thêm vào đó, hai lớp “gấu” và “trứng” dù học khác trình độ, nhưng chưa bao giờ có một bức tường nào giữa chúng mình. Ai cần gì, chỉ cần mở lời là có người giúp. Không ngại ngùng cũng chẳng phải cân đo đong đếm xem thân đến đâu, trình độ nào mới được nhờ vả.
Và không chỉ là sinh viên với nhau, thầy cô trong khoa cũng tạo nên một không gian thân thuộc theo một cách rất đặc biệt. Chắc hẳn nhiều bạn nghĩ rằng thầy cô đại học thì lúc nào cũng nghiêm túc và khó gần đúng không? Vậy thì có lẽ bạn chưa từng ghé qua ngôi VHTTXQG rồi. Ở đây, thầy cô không chỉ là người dạy, mà còn là những người bạn đồng hành đúng nghĩa. Tụi mình có thể thoải mái lên văn phòng để trò chuyện rôm rả, đôi khi còn… “vét tủ lạnh” sau buổi học. Chúng mình còn có những buổi “date” riêng với các cô: hẹn cô ăn bún chả, ngồi cà phê cùng cô để thảo luận về cuộc sống, về nghề, và đôi khi chỉ là những câu chuyện vu vơ mà chẳng bao giờ thiếu sự lắng nghe. Những khoảnh khắc nhỏ như vậy làm mình thấy bản thân thật sự may mắn khi được trải qua một thời sinh viên mà ở đó bên cạnh việc học thì luôn chúng mình luôn được yêu thương và gắn kết theo một cách rất tự nhiên và ấm áp.

Tấm ảnh đầu tiên cùng nhau của lớp 23VH1, 05/09/2023

Tập thể lớp 23VH1, Hola 2025
Mai Thị Hiền là một nhân vật được nhắc tới trong video này
ULIS Media