Ngày hội Chất lượng Trường Đại học Ngoại ngữ 2024
Ngày 06/11/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Ngày hội Chất lượng – ULIS Quality Day 2024. Một điểm mới ở ngày hội năm nay là Lễ trao giải Sao vàng Chất lượng.
Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm ngày thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng (6/11/1975) với mục tiêu nâng cao nhận thức cho cán bộ toàn trường về công tác ĐBCL và tạo diễn đàn trao đổi các chủ đề về công tác ĐBCL.
Tham dự chương trình gồm có Tập thể lãnh đạo trường, thành viên Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục và Mạng lưới Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường; đại diện lãnh đạo các đơn vị. Chương trình còn có sự góp mặt của đại diện Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐHQGHN và Trung tâm Đảm bảo chất lượng các đơn vị thành viên của ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm ĐBCL Trường Đại học Ngoại ngữ Nguyễn Ninh Bắc cho biết trong những năm vừa qua, Trường Đại học Ngoại ngữ đã không ngừng cải tiến, đổi mới về mọi mặt tạo ra những bước phát triển rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực. Những đổi mới đã không chỉ giúp Nhà trường nâng cao uy tín mà còn đảm bảo cho sinh viên được giảng dạy trong một môi trường học tập có chất lượng cao, để có bản lĩnh làm tốt những công việc của mình sau khi ra trường. Ngày hội Chất lượng năm nay mong muốn vinh danh những nỗ lực, thành quả về công tác ĐBCL với sự đóng góp tích cực của các đơn vị. Đặc biệt, Ngày hội Chất lượng 2024 đánh dấu sự ra đời của Giải Sao vàng Chất lượng nhằm tôn vinh những tập thể có những đóng góp xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà trường.
‘‘Chúng ta tự hào về những gì chúng ta đạt được, tuy nhiên chúng ta cũng phải luôn nhắc nhở: Chặng đường phía trước còn rất nhiều thử thách. Do đó, Chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng nâng cao chất lượng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của cán bộ, sinh viên và phụ huynh.’’
Trong chương trình, các đại biểu đã cùng theo dõi Video báo cáo Tổng kết hoạt động ĐBCL 6/112023-6/11/2024 và Kế hoạch công tác ĐBCL 6/11/2024-1/11/2025.
Tại ngày hội, Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh đã có bài tham luận đầu tiên với chủ đề “Từ văn hóa Q&A sang văn hóa QA: ULIS đã, đang và sẽ làm gì ?’’. Theo đó, văn hóa chất lượng che phủ tất cả các lĩnh vực trong Nhà trường, đặc biệt là việc đảm bảo chất lượng trong đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên… Do tính chất làm việc nên các phòng ban, đơn vị trong trường luôn phải chủ động hợp tác để thúc đẩy giao tiếp, mở lối sáng tạo và có môi trường học hỏi liên tục. Mỗi người cần có trách nhiệm khuyến khích nhau tích cực hơn trong việc hỏi và trả lời. Tại đây, TS. Đỗ Tuấn Minh cũng chỉ ra 5 đặc điểm để đảm bảo chất lượng: chủ động, quy trình rõ ràng, cải tiến liên tục, minh bạch và trách nhiệm.
Tham luận với chủ đề: “Triển khai bài thi VNU Test sau một năm. Một ví dụ về văn hóa đảm bảo chất lượng ở trường Đại học Ngoại ngữ.’’ do đại diện Phòng Đào tạo (TS. Nguyễn Thúy Lan) và Trung tâm Khảo thí (TS. Nguyễn Thị Quỳnh Yến) trình bày đã tiếp nối chương trình. Đứng trước những khó khăn về chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở tất cả các đơn vị thuộc ĐHQGHN, Trường Đại học Ngoại ngữ bắt tay chính thức xây dựng bài thi VNU Test. Việc đảm bảo chất lượng bài thi được tiến hành ngay từ những bước đầu tiên thông qua nhóm chuyên môn xây dựng đề thi và nhóm viết đề án. Để tiến hành bài thi chuẩn chỉnh nhất, bên chuyên môn đã xây dựng quy định tổ chức thi và quy trình phối hợp giữa đơn vị đầu mối và các bên liên quan chỉ rõ nhiệm vụ của các đơn vị. Sau một thời gian triển khai, VNU Test đã nhận được tổng cộng 5017 lượt đăng ký với số lượng sinh viên đạt CĐR gia tăng đáng kể.
Giám đốc Trung tâm ĐBCL Giáo dục Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) Phạm Huy Cường đã có bài tham luận với nội dung: “Đối sánh chất lượng giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn: Kinh nghiệm đến từ Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN’’. Báo cáo nhận định vai trò quan trọng nhất của việc đối sánh là để tiếp tục nâng cao chất lượng giúp cải thiện và làm việc hiệu quả hơn. Các hoạt động đối sánh hiện nay chưa thật sự quan tâm về mặt chính sách vì vậy cần thực sự phải xây dựng các quy chế, quy định, xác định tiêu chí lựa chọn và tiêu chí xây dựng chính sách. Chia sẻ về kinh nghiệm đảm bảo chất lượng, Trường Đại học KHXH&NV đã luôn chủ động, tích cực hợp tác với đơn vị bên ngoài để liên tục đối sánh lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục thông qua việc xây dựng các cơ chế đánh giá dựa trên các chính sách chung.
Bên cạnh các tham luận, một trong những nội dung quan trọng và đổi mới của Ngày hội ĐBCL năm nay là Lễ trao giải Sao vàng Chất lượng. Ban Tổ chức đã trao chứng nhận cho 17 hồ sơ ứng cử ở 3 hạng mục: đào tạo – phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học – chuyển giao tri thức, cung cấp dịch vụ – phục vụ cộng đồng.
Trong đó, Giải thưởng cho hạng mục Đào tạo – Phục vụ đào tạo thuộc về P.CT&CTHSSV (Số hóa hồ sơ sinh viên), hạng mục Cung cấp dịch vụ – Phục vụ cộng đồng thuộc về nhóm Đồ họa thông tin ULIS (Đồ họa hóa văn bản quản lý điều hành Trường ĐHNN, ĐHQGHN), hạng mục Nghiên cứu khoa học – Chuyển giao tri thức thuộc về Khoa SPTA – Bộ môn PPGD (Phát triển năng lực sử dụng tác vụ giao tiếp thực trong dạy học ngoại ngữ).
Phát biểu tại ngày hội, Phó Viện trưởng Viện ĐBCL Giáo dục ĐHQGHN Bùi Vũ Anh cho biết đối với sinh viên hiện tại cần nhất là sự dẫn dắt từ các giảng viên trong tình trạng bị “ngợp” trong bể tri thức rộng lớn. Do đó, nhiệm vụ của Nhà trường chính là giúp người học kịp thời và cải thiện những vấn đề khó khăn mà họ gặp phải. Hy vọng rằng trong tương lai ngày hội Đảm bảo chất lượng sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi và có những hoạt động kết nối với các trường thành viên trong ĐHQGHN để cùng nhau phát triển.
Phát biểu bế mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Viện ĐBCLGD ĐHQGHN đã hỗ trợ các hoạt động của Nhà trường và các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN trong một năm vừa qua. Hiệu trưởng cũng khẳng định đảm bảo chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục mà Nhà trường hướng tới trong năm 2025 và đảm bảo sẽ đạt kết quả tốt nhất.
Ngày hội kết thúc với phần chụp ảnh lưu niệm.
Một số hình ảnh khác:
Kiều Vân