2 ULISer nhận thưởng vì có công bố quốc tế phát triển từ khóa luận tốt nghiệp
Nguyễn Hồng Hạnh và Nguyễn Phương Hạnh – 2 cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội vừa xuất sắc nhận thưởng tổng trị giá 50.000.000 VND cho 2 công bố nghiên cứu quốc tế phát triển từ khóa luận tốt nghiệp.
Hai nghiên cứu với chủ đề lần lượt là “Perspectives of Vietnamese Facebook users towards the LGBT Parade expressed under posts about the Hanoi Pride Parade – Quan điểm của người dùng Facebook Việt Nam về Diễu hành LGBT dưới các bài đăng về Cuộc diễu hành tự hào ở Hà Nội” và “Twitter Users’ Perceptions of Some Countries’ Censorship of Same-Sex Kissing Scenes in Disney’s Lightyear (2022)”, và đều do TS. Hoàng Thị Hạnh – Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ & Văn hóa các nước nói Tiếng Anh hướng dẫn.
Mạnh dạn theo đuổi nếu có ước mơ nghiên cứu
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và mong muốn góp phần vào việc thay đổi nhận thức của xã hội đối với cộng đồng LGBT, chị Nguyễn Hồng Hạnh – cựu sinh viên K50 của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện là giáo viên tiếng Anh tại trường THPT Việt Đức, đã dành nhiều tâm huyết cho công trình nghiên cứu “Perspectives of Vietnamese Facebook users towards the LGBT Parade expressed under posts about the Hanoi Pride Parade” – Quan điểm của người dùng Facebook Việt Nam về Diễu hành LGBT dưới các bài đăng về Cuộc diễu hành tự hào ở Hà Nội” (Chương sách chuyên khảo được xuất bản tại nước ngoài “Palgrave MacMillan” nhận mức hỗ trợ: 20.000.000đ).
Từ những kinh nghiệm khi còn học ở Trường Đại học Ngoại ngữ cùng như ở công việc hiện tại, với chị Hồng Hạnh, ”đọc” là một cách có được một bài nghiên cứu thành công. “Thực sự việc đọc các bài nghiên cứu đã giúp mình rất nhiều trong việc hình dung ra điều mình cần thực hiện. Thông qua việc đọc và tương tác với các văn bản học thuật, mình cũng học hỏi được từ các bài viết về cách hành văn, cách trình bày, và cả cách áp dụng các phương pháp nghiên cứu nữa. Việc đọc giúp mình nhìn nhận vấn đề với góc nhìn đa chiều hơn và mở rộng thế giới quan của mình hơn”.
Một bài học quý báu được chị Hồng Hạnh rút ra đó là hãy hỏi giáo viên hướng dẫn của mình để học hỏi thêm nhiều điều mới và hạn chế những sai sót trong quá trình thực hiện nghiên cứu. “Giảng viên hướng dẫn của mình – cô Hoàng Thị Hạnh đã giúp mình nhìn nhận vấn đề trong bài nghiên cứu tốt hơn, từ đó vạch ra những định hướng, hướng đi rõ ràng hơn”.
Bên cạnh cảm xúc vui mừng xen lẫn tự hào, “biết ơn” còn là điều mà chị Hồng Hạnh muốn dành cho Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. “Mình vô cùng biết ơn và muốn gửi lời cảm ơn đến cô Hoàng Thị Hạnh, người đã dành rất nhiều tâm huyết để hướng dẫn mình hoàn thiện bài báo khoa học này. Đồng thời còn là sự quan tâm, động viên của Nhà trường để mình có được thành công như bây giờ”. Phần thưởng ngày hôm nay là “sự công nhận” cho những nỗ lực trong suốt thời gian qua.
Dẫu biết nghiên cứu là cả quá trình khó khăn, vất vả nhưng theo chị Hạnh, hãy tiếp tục làm nghiên cứu nếu bạn muốn bởi “không làm thì sao bạn biết mình có theo đuổi được hay không”. Bên cạnh đó, chị cùng nhắn nhủ với sinh viên hay những ai có ý định làm nghiên cứu rằng hãy làm hết mình thì mới có được bài nghiên cứu thành công.
Hãy quan sát để thành công
Nếu như chị Hồng Hạnh xuất sắc với dự án trên, chị Phương Hạnh, cựu sinh viên QH2015 của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng vinh dự khi dự án nghiên cứu của chị “Twitter Users’ Perceptions of Some Countries’ Censorship of Same-Sex Kissing Scenes in Disney’s Lightyear (2022)” được công bố quốc tế. Được biết đây là bài nghiên cứu được phát triển từ đề tài khóa luận tốt nghiệp của chị với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự hiểu biết, chấp nhận lẫn nhau trong xã hội. (Chương sách chuyên khảo được xuất bản tại nước ngoài “Palgrave MacMillan” nhận Mức hỗ trợ: 30.000.000đ).
Với chị Phương Hạnh, trải nghiệm cùng với nghiên cứu vừa qua đã đem lại cho chị nhiều bài học quý giá và một trong số đó chính là luôn đặt bản thân vào tâm thế của người nhập môn. “Mình sẽ luôn cố gắng đặt bản thân ở tâm thế của một người nhập môn để có thể nhận được sự những thiếu sót của bản thân và trau dồi kiến thức, cải thiện năng lực để hoàn thành công việc một cách tốt nhất.”
Cũng rút ra từ quá trình nghiên cứu, chị cũng gửi gắm đến các bạn sinh viên đang có ý định dấn thân vào con đường nghiên cứu rằng hãy bắt đầu những gì thân thuộc nhất, hãy quan sát kĩ hơn cuộc sống xung quanh vì nghiên cứu không phải là một thứ gì đó “quá to tát” hay “vĩ mô”.
Sự vui sướng và hạnh phúc là những gì chị có được sau khi sau khi bài nghiên cứu được công bố trên trang quốc tế. “Cảm xúc đầu tiên của mình khi nhận được tin thì chắc chắn là rất vui mừng và hạnh phúc. Nghiên cứu này được bắt đầu từ năm 2022 và đến đầu năm nay đã chính thức được công bố quốc tế. Cái khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi nhận được thành quả đầu tiên cũng là khoảng thời gian khá dài nên mình rất vui vì cuối cùng công sức của các tác giả đã được đền đáp”.
Bên cạnh đó, chị Phương Hạnh còn thầm cảm ơn sự giúp sức từ ngôi trường đại học chị đã gắn bó 4 năm đại học – Trường Đại học Ngoại ngữ, cùng với cô giảng viên – TS. Hoàng Thị Hạnh. “Mình cũng thấy vô cùng biết ơn cô Hoàng Thị Hạnh – cô giáo của mình và cũng là giảng viên, tiến sĩ thuộc Trường Đại học Ngoại Ngữ, người đã đồng hành và định hướng cùng mình trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu. Và đặc biệt, mình cũng xin gửi lời cảm ơn đến thầy cô và Nhà trường đã quan tâm tạo điều kiện và khuyến khích động viên để mình có được phần thưởng xứng đáng ngày hôm nay”.
——
Đề tài nghiên cứu “Perspectives of Vietnamese Facebook users towards the LGBT Parade expressed under posts about the Hanoi Pride Parade” – Quan điểm của người dùng Facebook Việt Nam về Diễu hành LGBT dưới các bài đăng về Cuộc diễu hành tự hào ở Hà Nội, Chương sách chuyên khảo được xuất bản tại nước ngoài “Palgrave MacMillan”
. Các bạn có thể xem toàn văn báo cáo tại : https://doi.org/10.1007/978-3-031-41869-3_12
Nghiên cứu “Twitter Users’ Perceptions of Some Countries’ Censorship of Same-Sex Kissing Scenes in Disney’s Lightyear (2022)” – Chương sách chuyên khảo được xuất bản tại nước ngoài “Palgrave MacMillan”
Xem toàn văn báo cáo tại https://doi.org/10.1007/978-3-031-41869-3_13