Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia: Tấm vé nhỏ cho một hành trình lớn
Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia là một ngành mới ở ULIS, tuyển sinh từ năm học 2023-2024, hiện do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh phụ trách (thông tin chi tiết về chương trình đào tạo ở đây: https://bit.ly/3xhYhiR). Để có thêm những chỉ dấu cho các bạn học sinh đang chọn một mái nhà cho những năm tháng đại học của mình, ULIS Media xin đem tới những cuộc trò chuyện với “người trong nhà.”
Phỏng vấn giảng viên của ngành
Chúng ta cùng gặp gỡ TS. Phùng Hà Thanh, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh, một trong những người gây dựng chương trình.
PV: Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia là một ngành mới ở ULIS. ULIS cũng là nơi duy nhất có ngành học này. Với nhiều người chưa quen thuộc, cô có thể giới thiệu những đặc điểm của ngành không?
TS. Phùng Hà Thanh: Mình tham gia nhiều buổi tư vấn tuyển sinh, đã giới thiệu ngành nhiều lần. Lần này mình trả lời bằng “thơ” nhé!
Văn hóa, truyền thông, thênh thang rộng
Vững tiếng Anh, ngôn ngữ bắc cầu
Lý thuyết chắc, thực hành gắn bó
Dự án làm, cố gắng bên nhau.
Xuyên quốc gia, học không biên giới
Hiểu chuyện người, chuyện đất-nước, chuyện tôi.
Ai muốn hiểu, muốn đi, muốn kể —
Thì cùng về đây nhé bạn ơi!
Ngành học này có tên tiếng Anh là Transnational Cultural and Media Studies, được phát triển từ hơn 05 năm triển khai định hướng Quốc tế học, ngành Ngôn ngữ Anh ở ULIS, bởi những giảng viên tu nghiệp nhiều năm ở các nước phát triển nhưng tha thiết với Việt Nam. Có sinh viên gọi nó một cách đầy tự hào: “một chiếc LAC giữa lòng Hà Nội.” LAC là viết tắt của Liberal Arts College, nghĩa là giáo dục khai phóng bậc đại học.
Giáo dục khai phóng là quá trình nuôi dưỡng con người có khả năng tư duy độc lập, giải quyết vấn đề, thích ứng với thế giới và có thể sáng tạo những đổi thay. Nó nhấn mạnh hiểu biết văn hóa và xã hội, năng lực giao tiếp, tư duy phản biện và tự do trí tuệ, thay vì chỉ tập trung vào các quy trình nghiệp vụ. Ví dụ, sinh viên sẽ không chỉ học kỹ năng giật tít, viết slogan, thiết kế poster, làm video, chọn và phỏng vấn nhân vật, v.v. Chương trình có bài tập và môn học để rèn luyện những kỹ năng ấy, nhưng điều quan trọng hơn là đi sâu vào những nền tảng rộng hơn: cấu trúc thông tin, cách các phương tiện truyền thông tổ chức xã hội, cách các diễn ngôn định hình chủ thể và quyền lực, và cách làm nghiên cứu để hiểu và can thiệp vào đời sống. Sinh viên cũng tiếp cận những vấn đề có chất liệu phong phú và thực tiễn, như sự kiến tạo bản sắc văn hoá, sự tạo thành và vận hành các quốc gia, các vấn đề về giới và phát triển v.v. Cũng cần phân biệt giáo dục khai phóng với việc giảng dạy kỹ năng mềm mang tính thực hành, không dựa trên hệ thống lý thuyết phức tạp hay nghiên cứu chuyên sâu, hướng tới ứng dụng trước mắt như cải thiện hành vi và hiệu suất công việc. Giáo dục khai phóng là nhằm tạo ra nền tảng học suốt đời, thích ứng nghề nghiệp đa dạng. Trước cơn bão AI thì một đường hướng giáo dục như vậy tạo ra thế vững chắc cho chương trình và người học.
Chiếc quạt in logo chương trình Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia đã, đang và sẽ theo các giảng viên và sinh viên đi nhiều nơi trên thế giới.
Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia ở ULIS có hướng đi gần với các chương trình truyền thông tại các trường hàng đầu ở Hà Lan và Anh. Trường Đại học Fulbright ở tp Hồ Chí Minh cũng là một mô hình giáo dục khai phóng. Nhưng học ở ULIS thì hẳn nhiên là khác rồi. Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia ở thời điểm hiện tại chắc là ngành học đậm tinh thần thế giới nhất, mà cũng đi lên từ những những đặc điểm của địa phương và điều kiện của ULIS, không phải là một thứ “sính Tây.” Với chính sách dành cho chương trình mới, giờ học phí cũng đang rất hiền. Mình là giảng viên của chương trình, lên bài như thế này không phải để làm thương hiệu mà vì nó thiết thực với công việc của mình. Tuyển sinh chính là mong gặp gỡ những người đồng hành. Tìm hiểu chi tiết hơn thì mọi người đọc booklet giới thiệu ngành nhé!

Sơ đồ các môn học của ngành (có điều chỉnh trong thực tế)
PV: “Ai muốn hiểu, muốn đi, muốn kể” Có lẽ đấy là câu trả lời cho câu hỏi những ai thì nên chọn ngành này? Cô có thể nói cụ thể hơn nữa không?
TS. Phùng Hà Thanh:
Bạn nào học tiếng Anh miệt mài
Không ham trốn tiết, ít thở dài
Muốn môi trường trong lành, dễ mến
Bạn bè, thầy cô tình chẳng phai.
Điểm cần đủ, tim mong điều thiện
Bốn năm dài chẳng uổng ngày đâu
Ngành học dễ thương hơn bánh ngọt
Cắn miếng nào cũng lịm giấc chiêm bao!
Mong gặp bạn giỏi giang, ham nghĩ
Thích tìm tòi, sáng tạo dài lâu.
Ngành này có chuyên môn sâu hơn Ngôn ngữ Anh ngay từ năm 1, nhưng lại đủ rộng để phù hợp với nhiều bạn đang khám phá bản thân và thế giới xung quanh. ULIS thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nên có thể chỉ cần học trong ba năm thôi, vì có chương trình Làn xanh. Ngành mới mở nên điểm chuẩn thấp hơn Ngôn ngữ Anh một xíu, nhưng chương trình học thì không dễ hơn. Thở dài cũng được, cũng không sao. Mình tự tin là chương trình có không gian cho những bạn giỏi nhất. Còn “bình thường” thì cũng quý, vì ai cũng có những giá trị riêng biệt và bạn nào thầy cô cũng quan tâm, trân trọng. Trong thực tế, người học chọn chương trình, chứ chương trình thường chỉ chọn người qua một mức điểm tuyển sinh. Người ta hay khuyên là nên chọn ngành thay vì chọn trường. Mình xin nói thêm là: Hãy tính tới cả yếu tố con người, nghĩa là phải rất cụ thể: Chương trình này ở trường này có những con người như thế nào? Bây giờ dễ tiếp cận thông tin và kết nối, các bạn học sinh có thể tìm hiểu, liên lạc với những anh chị khóa trước cũng như giảng viên của chương trình (Facebook của mình rất dễ tìm).
PV: Câu hỏi mà rất nhiều bạn quan tâm là: Học ngành này thì ra trường làm gì? Cô đáp lại thế nào ạ?
TS. Phùng Hà Thanh: Sinh viên ra trường ở đâu cũng thế thôi, sẽ gặp những khó khăn, thường sẽ bắt đầu từ các công việc nhỏ bé. Nhưng khi có nền tảng vững chắc thì không phải sợ. Thời đại này đang có những chuyển đổi lớn trong công việc. Người lao động dựa trên các nền tảng công nghệ phải có năng lực nghiên cứu, tư duy chiến lược, thiết lập và vận hành hệ thống của mình. Còn nếu như người học xác định một vài vị trí công việc hẹp, như kỹ sư phần mềm, kỹ sư đồ họa chẳng hạn, thì rõ ràng là không phù hợp với ngành. Học ngành này thì các vị trí việc làm điển hình nhất là quản lý dự án, sáng tạo và biên tập nội dung. Ngoài ra, có thể dạy tiếng Anh, khi có thêm các chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Các bạn ứng tuyển có thể tham khảo chia sẻ của những sinh viên Quốc tế học, ngành Ngôn ngữ Anh đã tốt nghiệp. Tương lai còn để mở, nhưng học thì nhất định không phí.
Phỏng vấn sinh viên của ngành
Chúng ta cùng gặp một sinh viên năm thứ nhất của ngành, một bạn bình thường và có những điều riêng biệt.
PV: Bạn hãy giới thiệu bản thân để mọi người cùng biết.
Thảo: Xin chào mọi người, mình là Trần Thị Phương Thảo, hiện đang là sinh viên lớp QH2024.VH2 (hay được các cô gọi với cái tên thân thương là lớp cún Bông), ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh. Mình đến từ trường THPT Phả Lại, tỉnh Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng sau sáp nhập).
Cún mặc áo đồng phục Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia (avatar của Thảo)
Mascot của hai lớp Xù và Bông, QH2024 (thiết kế và quà tặng từ cô Nguyễn Hải Hà)
PV: Cơ duyên nào khiến bạn vào học ngành Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia ở ULIS?
Thảo: Để mà nói về điều gì đã đưa mình đến với ngành học Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia thì thực sự là một câu chuyện (rất) dài, lắm gian truân và có thể nói gói gọn trong chữ “duyên.” Quay về lại khoảng thời gian đầu năm lớp 12, khi đó mình vẫn mông lung, chưa có định hướng rõ ràng về chọn ngành, chọn trường đại học. Vào một ngày (đẹp trời), mình nghe cô giáo dạy tiếng Anh của mình (người mình rất yêu quý và ngưỡng mộ) kể chuyện và biết được cô là cựu sinh viên ULIS (trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội). Từ đó, ULIS bắt đầu len lỏi trong tâm trí mình. Mình lên mạng tìm hiểu về ULIS, về ngành học, phương thức xét tuyển, điểm chuẩn qua các năm của trường, và mình bắt gặp Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia (ngành mới vừa tuyển sinh được một năm là khóa QH2023). Mình đọc rất nhiều thông tin về chương trình, ngày 14/4/2024 (ngày hội Đại sứ tập sự ULIS 2024, ULIS Fire Day và (hình như là) ngày Open House của ngành) mình cũng có đến và lắng nghe để tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo thú vị này. Sau hôm ấy, mình đã luôn mơ ước được trở thành một Uliser, trở thành một mảnh ghép của Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia. Nhưng, mọi chuyện không suôn sẻ đến thế đâu! Bởi vì đây là chương trình mới nên gia đình mình cũng lo lắng, và cũng vì chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên mình cũng sợ sẽ không thể theo kịp. Vậy nên đến lúc đặt nguyện vọng xét tuyển, mình đã đặt Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia xuống nguyện vọng 3 (tự hối lỗi), và (cũng may) mình đã không đỗ hai nguyện vọng đầu nên có cơ hội được đến với Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia của ULIS (thật ra là mình đã đỗ xét tuyển sớm ngành mình trước đó rồi). Sau tất cả, mình có thể nói rằng đúng là “duyên”!
PV: Bạn hãy chia sẻ một kỉ niệm vui trong quá trình học tập tại chương trình?
Thảo: Nói về kỉ niệm vui trong một năm học tập vừa qua tại chương trình thì đúng là nhiều không đếm xuể. Nhưng mà để mình nghĩ xem (thật khó chọn), vui nhất có lẽ là ngày Open House của ngành vào 13/4/2025 (chắc tại có kỉ niệm trước đó nên vậy). Vào ngày hôm đó, mình được lắng nghe những chia sẻ sâu sắc, được xem những video của giải Blue Waves Media Contest, được tham gia trả lời quiz thú vị về ngành học, được gặp rất nhiều thầy cô, anh chị, bạn bè mà hiếm có cơ hội để gặp được. Cuối buổi hôm đó mình còn được chụp hình cùng cô Hải Hà (người mình siêu ngưỡng mộ, tôn trọng và yêu quý) và được nói hộ (một phần ba) tiếng lòng. Thêm một kỉ niệm vui nhất nữa đi (kỉ niệm này dành riêng cho Bông, Xù), đó là vào buổi GeoFest của học phần Địa lý đại cương (General Geography of the UK and the US). Giờ nghỉ giải lao hôm đó, cô Hải Hà đã bất ngờ xuất hiện và trao cho chúng mình những món quà nhỏ xinh siêu đáng yêu, siêu đặc biệt mà cô đã bỏ thời gian và công sức ra vẽ đó!!! Cô còn động viên chúng mình cố gắng học tập nốt mấy buổi cuối (vì vướng lịch quân sự nên lịch học kéo dài đến cuối tháng 6). Thực sự là siêu vui, siêu xúc động, vì vừa hay lúc đó mình cũng đang nghĩ đến cô, nhớ đến mấy buổi thuyết trình môn Truyền thông Thị giác (Visual Communication) mà cô dạy hồi kì 1. (Nói nhỏ một điều là ngày hôm đó, thêm mấy ngày sau nữa, thậm chí đến bây giờ nhắc lại, mình vẫn vui và cười khờ được hihi).
Cô Hải Hà và Thảo trong ngày Open House 13/04/2025
Video điểm lại các sự kiện nổi bật của ngành trong năm học 2024-2025, chiếu vào ngày Open House 13/04/2025 (Tác giả: Trần Thị Nhàn, QH2023VH2)
PV: Bạn hãy kể về một số điều hữu ích, đáng nhớ học được từ các môn học trong chương trình?
Thảo: Mình sẽ kể trước về môn Truyền thông Thị giác (Visual Communication) do cô Hải Hà dạy. Thú thật là hồi đó mình sợ môn này lắm, vì lúc đó mới vào thấy chương trình toàn tiếng Anh nên mình bị ngợp. Nhưng rồi dần dần mình quen hơn và thấy rất thú vị. Ở môn học này, mình được trau dồi khả năng hiểu, phân tích, đánh giá các tư liệu hình ảnh như bản đồ, quảng cáo, ảnh chụp,… và cách để tạo ra những sản phẩm tương tự. Mình còn nhớ có một bài về Photography & Truth, mình biết được thêm rất nhiều điều thú vị và bổ ích về công việc chụp ảnh và cách những bức ảnh đó truyền đến thông điệp gì qua bối cảnh, góc độ chụp,… Mình thấy bài này rất thực tế! Đến bây giờ, dù kết thúc học phần rất lâu rồi, nhưng mà thỉnh thoảng mình vẫn mở Syllabus ra để đọc (một phần cũng vì nhớ!!!). Mình sẽ kể thêm một môn nữa, môn học mình rất thích ở kì 2 – môn Địa lý đại cương (General Geography of the UK and the US) do cô Hòa dạy. Học môn này, mình được tìm hiểu về địa lý tự nhiên, con người, nền văn hóa, ngôn ngữ, biểu tượng của the UK and the US. Điều này cho mình cảm giác giống như là mình đang dạo bước lang thang trên những vùng đất rất xa nhưng lại không hề lạ này (vì mình đang được học về chúng mà!!!).
PV: Một số điều nhắn nhủ với những bạn đang chọn ngành, chọn trường?
Thảo: Các bạn ơi, nếu đang phân vân, lo lắng về việc chọn ngành, chọn trường, đang mông lung không biết đi đâu về đâu, hay là thử cân nhắc đến Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia ở ULIS đi, đảm bảo sẽ không làm các bạn thất vọng đâu! (mà ngành này năm vừa rồi lấy điểm cao lắm đấy nhé!) Còn đối với những bạn đã biết và đã yêu ngành này rồi, vậy thì mạnh dạn đặt lên nguyện vọng 1 đi, biết đâu chúng ta lại có “duyên” gặp nhau ở ULIS, tại Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia thì sao!!!
Trò chuyện giữa sinh viên và giảng viên
Mời mọi người cùng xem video dựng lại cuộc trò chuyện giữa một nhóm sinh viên khóa đầu tiên của ngành, đang học năm thứ 2 và sẽ sang năm thứ 3, với TS. Nguyễn Thị Minh Tâm, phó trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh, hiện đang phụ trách chương trình.
.
Mascot của hai lớp Trứng và Gấu, QH2023 (thiết kế và quà tặng từ cô Nguyễn Hải Hà)

Nhóm F4, giải Truyền cảm hứng với tác phẩm Trò chuyện với cô Minh Tâm, cùng với TS. Nguyễn Thanh Hà (ở giữa), Trưởng ban giám khảo Blue Waves Media Contest 2025.
ULIS Media