[UNC2025] Diễn đàn quốc tế “Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài”
Ngày 26/08/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn quốc tế “Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài”.
Với mục đích giới thiệu và quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho kiều bào và người nước ngoài trên khắp thế giới, đồng thời tạo cầu nối giao lưu, trao đổi học thuật và xin ý kiến phản biện của các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước cho Đề án mở ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (chuyên ngành Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ). Diễn đàn được tổ chức với 2 hình thức: trực tuyến trên nền tảng Zoom và trực tiếp tại hội trường Sunwah.
Tham dự chương trình có Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam Nguyễn Lân Trung. Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, cùng toàn thể giảng viên Bộ môn NN&VH Việt Nam, Bộ môn NN&VH Đông Nam Á cùng đại diện các đơn vị khác. Đặc biệt, sự kiện đã thu hút đông đảo diễn giả khách mời và đại biểu trong và ngoài nước tham gia.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho biết: “Đây là sự kiện khoa học đầu tiên, là sự kiện quốc tế mở màn cho chuỗi sự kiện Hội thảo khoa học quốc gia 2025: Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam (UNC2025)”. Đây cũng chính là một trong những sự kiện nhằm hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Đồng thời, Diễn đàn “Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài” là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Đề án mở ngành Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam (chuyên ngành Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ) của Nhà trường, giúp Trường Đại học Ngoại ngữ thu nhận các ý kiến đóng góp hoàn thiện Đề án.
Tại diễn đàn đã có 12 báo cáo được trình bày, mang đến những nghiên cứu, quan điểm mới mẻ và sâu sắc về việc giảng dạy tiếng Việt, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Diễn ra trong vòng một ngày, buổi sáng bao gồm các báo cáo: “Tình hình dạy và học tiếng Việt ở Nhật Bản: Nhu cầu, thách thức và giải pháp” – GS. Shimizu Masaaki (Đại học Osaka, Nhật Bản), “Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học tiếng Việt như một ngoại ngữ với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI)” – TS. Lương Thị Hiền (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), “Tình hình dạy và học tiếng Việt ở Đài Loan” – Th.S Lê Thị Thu Hiền (Đại học Kiện Hành, Đài Loan), “Chương trình đào tạo tiếng Việt ở Đại học Ca’ Foscari Venice, Ý” – TS. Phan Thị Huyền Trang (Đại học Ca’ Foscari Venice, Ý), “Khung chương trình đào tạo và CĐR dự kiến của ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam (Chuyên ngành Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ) tại trường ĐHNN, ĐHQGHN” – TS. Trần Hữu Trí (Trường ĐHNN, ĐHQGHN).
Phiên làm việc buổi chiều gồm những báo cáo sau: “Sử dụng Python Codes để tạo chatbot thực tập tiếng Việt” – PGS.TS Phạm Vũ Phi Hồ (Trường Đại học Văn Lang), “Giáo dục tiếng Việt theo phương pháp Content-Based Instruction: Sự cần thiết của tài liệu giới thiệu về văn hoá đặc trưng của Việt Nam” – TS. Izawa Ryosuke (Shiga Junior College, Nhật Bản), “Lan toả giá trị ngôn ngữ Việt cho cộng đồng và bạn bè quốc tế: Hướng tới việc mở trường dạy tiếng Việt tại Vương quốc Anh” – Nguyễn Thị Minh Tuyến (đại diện Hội người Việt tại Vương quốc Anh), “Khám phá tiềm năng hợp tác giữa sinh viên VNU-ULIS và sinh viên Khoa Tiếng Việt – Đại học Osaka” – TS. Kondo Mika (Đại học Osaka, Nhật Bản), “So sánh sự khác biệt trong đề thi trắc nghiệm năng lực tiếng Việt bậc 1 (A1) và bậc 2 (A2) thường dùng tại Đài Loan” – TS. Bùi Thị Việt Hà (Trường Đại học Thành Công, Đài Loan), “Hiện trạng tổ chức kỳ thi iVPT ở Nhật và triển vọng hợp tác với Việt Nam” – TS. Wasshizawa Takuya (Đại học Kanda, Nhật Bản).
Cuối cùng là phần tham luận đặc biệt đến từ bà Nguyễn Thị Lan Hương, phụ trách Trung tâm tiếng Việt tại Hà Lan về thực tiễn giảng dạy và học tiếng Việt ở các nước châu Âu, đặc biệt là Hà Lan, với những đề xuất cải tiến và phát triển việc giảng dạy tiếng Việt tại khu vực này.
Diễn đàn quốc tế “Giảng dạy Tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Việt Nam và nước ngoài” với 12 tham luận và 2 phiên thảo luận cũng đã tạo cơ hội trình bày, giới thiệu nhiều giải pháp sáng tạo, từ việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo đến việc phát triển tài liệu giảng dạy dựa trên yếu tố văn hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Qua những chia sẻ và thảo luận tại diễn đàn, một bức tranh toàn cảnh về tình hình giảng dạy tiếng Việt trên thế giới đã được phác họa, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa các tổ chức giáo dục, học giả, và cộng đồng người Việt. Những kết quả này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt mà còn thúc đẩy việc lan tỏa ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam ra toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của cộng đồng người Việt và những người học tiếng Việt trên khắp thế giới.
Một số hình ảnh khác:
Quang Anh-Lê Huyền/ULIS Media