Sinh viên ULIS hào hứng tranh tài tại Cuộc thi thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á lần thứ 12
Ngày 14/5/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á học kỳ II năm học 2024-2025 (lần thứ 12). Đây là hoạt động nằm trong chương trình giảng dạy môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á do Khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á phụ trách giảng dạy.

Tham dự chương trình có Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn; đại diện lãnh đạo các đơn vị; lãnh đạo và giảng viên Khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á; Ban giám khảo và hơn 100 sinh viên đại diện tham gia học phần học kỳ này.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn ghi nhận nỗ lực đổi mới trong công tác giảng dạy môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á suốt 9 năm vừa qua của Khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á. Phó Hiệu trưởng tin rằng song song với thế mạnh về ngôn ngữ, sự hiểu biết văn hóa sẽ giúp sinh viên ULIS có thể đóng góp mạnh mẽ vào việc tăng cường sự giao lưu, gắn kết trong khu vực châu Á – nơi rất đa dạng về bản sắc văn hóa.

Cũng phát biểu tại chương trình, Trưởng khoa NN-VH Việt Nam và Đông Nam Á Trần Hữu Trí bày tỏ sự xúc động khi cuộc thi Tìm hiểu cộng đồng châu Á đã triển khai đến lần thứ 12. Thông qua môn học và cuộc thi này, nhiều sinh viên đã có những nghiên cứu giá trị, được Nhà trường ghi nhận và đánh giá cao. TS. Trần Hữu Trí cảm ơn sự ủng hộ của các em sinh viên, các thầy cô giáo, diễn giả trong và ngoài nước đã tạo nên sự thành công của môn học này.

Nhân dịp này, TS. Trần Hữu Trí cũng giới thiệu ngành học mới sắp được triển khai trong năm nay: ngành “Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam (CTĐT Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ)”, dành cho những ai yêu thích tiếng Việt và văn hoá Việt Nam. Điểm đặc biệt của chương trình là sinh viên Việt Nam có thể lựa chọn một trong 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Sinh viên sẽ được cả về các đặc trưng của tiếng Việt, văn hóa Việt Nam, phương pháp giảng dạy tiếng Việt và ngoại ngữ mình yêu thích, từ đó có thể trở thành những “đại sứ văn hoá” tương lai, giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và quảng bá Văn hoá Việt Nam ra thế giới.
Trong chương trình, sau khi công bố tiêu chí chấm điểm, 6 đội thi xuất sắc nhất được lựa chọn từ các lớp đã tham gia tranh tài phần thi thuyết trình và hỏi đáp. Tại đây, các thí sinh có cơ hội thể hiện vốn hiểu biết, đam mê của mình cùng với đó là kỹ năng hùng biện để có thể thuyết phục Ban Giám khảo và khán thính giả.



Sau khoảng thời gian cân nhắc và bàn bạc kỹ lưỡng, Ban Tổ chức đã công bố chủ nhân của những giải thưởng. Kết quả chung cuộc như sau:
-Giải Nhất: Nhóm 2 lớp 28 (Một số biện pháp nhằm kiểm soát hình vi sử dụng điện thoại thông minh của học sinh Trường THPT Chu Văn An)
-Giải Nhì: Nhóm 4 lớp 28 (Nghiên cứu về sự đa dạng văn hoá trong trò chơi điện tử Gensin Impact và ảnh hưởng của nó tới việc tìm hiểu về văn hoá), Nhóm 5 lớp 29 (Trí tuệ nhân tạo AI và sự phát triển nhạc Jazz tại Việt Nam: Giới hạn và tiềm năng)
-Giải Ba: Nhóm 1 lớp 27 (Tìm hiểu về cách sử dụng các yếu tố nghệ thuật truyền thống dân gian trong MV “See tình” của Hoàng Thuỳ Linh), Nhóm 5 lớp 27 (So sánh chính sách “Chancenkarte” của Đức và “Trainee care worker” của Nhật Bản trong ngành điều dưỡng), Nhóm 3 lớp 28 (So sánh chứng nhận tiêu chuẩn Halal giữa Việt Nam và UAE trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống)




Cuộc thi Tìm hiểu cộng đồng châu Á lần thứ 12 khép lại đã ghi dấu ấn với nhiều đề tài độc đáo, phong phú, phản ánh những vấn đề kinh tế – văn hoá – xã hội đang được quan tâm, tiếp tục phát huy vai trò là sân chơi học thuật giá trị cho sinh viên ULIS.
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ MÔN HỌC TÌM HIỂU CỘNG ĐỒNG CHÂU Á 1.Mục tiêu của học phần – Trang bị kiến thức về quốc tế học. – Trang bị kiến thức cơ bản về quan hệ quốc tế. – Trang bị kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội văn hóa của các nước châu Á, giúp người học vận dụng kiến thức để nâng cao nhận thức về các vấn đề chung toàn cầu hiện nay như xây dựng cộng đồng kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu, sự khác biệt văn hóa… 2.Ngôn ngữ giảng: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn (có phiên dịch nếu chuyên gia nước ngoài giảng dạy) 3.Điểm đặc biệt của môn học – Học theo chuyên đề cùng các chuyên gia trong và ngoài nước, đến từ các trường đại học, học viên, cơ quan ngoại giao (1~2 chuyên gia nước ngoài, 3~5 chuyên gia ngoài trường, 3~5 chuyên gia trong trường). – Không tổ chức thi học kỳ, tính điểm cuối kỳ bằng 1 bài báo cáo khoa học (10 trang A4) và lựa chọn các sinh viên xuất sắc tham gia Cuộc thi ‘Thuyết trình Tìm hiểu cộng đồng châu Á’. (Giải thưởng là Giấy xác nhận của Hiệu trưởng, tiền mặt và điểm 10 cho điểm cuối kỳ) – Feedback cho từng sinh viên/ từng nhóm về bài báo cáo cuối kỳ trong suốt khóa học. – Lấy phiếu đánh giá để điều chỉnh theo ý kiến và nguyện vọng của sinh viên theo từng học kỳ. 4.Số lượng sinh viên đăng ký các năm học – Thử nghiệm giảng dạy (không tính điểm): 1 lần/ năm học (năm 2017, 2018, 2019) – Đưa vào giảng dạy chính thức và tính điểm như một môn chung cho các lớp CLC TT23 (mã môn học: FLF1005***, 3 tín chỉ) + Năm học 2019-2020: 120 sinh viên đăng ký + Năm học 2020-2021: 180 sinh viên đăng ký + Năm học 2021-2022: 360 sinh viên đăng ký + Năm học 2022-2023: 560 sinh viên đăng ký + Năm học 2023-2024: 650 sinh viên đăng ký + Năm học 2024-2025: 650 sinh viên đăng ký. |
Bảo Ngọc-Quang Anh/ĐSTT