Lịch sử ra đời Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Ngày 8/3 hằng năm được biết đến là Ngày Quốc tế Phụ nữ, đây là ngày kỷ niệm cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới, đến nay là dịp để tôn vinh, thể hiện sự yêu thương và trân trọng phái đẹp. Tại Việt Nam, 8/3 còn là ngày kỉ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng mang lại niềm tự hào cho dân tộc khi lần đầu tiên đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc.
Lịch sử ra đời của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Ngày Quốc tế Phụ nữ bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của phụ nữ ở các nước phương Tây vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bất bình đẳng giới và điều kiện lao động khắc nghiệt. Một sự kiện quan trọng đánh dấu mốc khởi đầu là cuộc biểu tình của công nhân dệt may tại New York, Hoa Kỳ vào ngày 8/3/1857. Hàng nghìn phụ nữ đã xuống đường để phản đối mức lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và điều kiện lao động tồi tệ. Đây được xem là một trong những “hạt giống” đầu tiên gieo mầm cho phong trào đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ.
Tuy nhiên, cột mốc chính thức của Ngày Quốc tế Phụ nữ được ghi nhận vào ngày 8/3/1908 khi hơn 15.000 phụ nữ tại New York tiếp tục biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm và quyền bầu cử. Cuộc đấu tranh này đã thu hút sự chú ý lớn từ xã hội và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào nữ quyền trên toàn cầu.

Ngày 8 tháng 3 năm 1857 các nữ công nhân ngành dệt đã biểu tình chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại New York (Ảnh tư liệu)
Năm 1910, tại Hội nghị Phụ nữ Quốc tế lần thứ II ở Copenhagen (Đan Mạch), nhà hoạt động Clara Zetkin – một lãnh đạo phong trào phụ nữ Đức – đã đề xuất chọn một ngày trong năm làm Ngày Quốc tế Phụ nữ để kỷ niệm và thúc đẩy quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đề xuất này được hơn 100 đại biểu từ 17 quốc gia đồng thuận. Ngày 8/3 chính thức được công nhận vào năm 1917, sau khi hàng triệu phụ nữ Nga biểu tình đòi “bánh mì và hòa bình” trong bối cảnh chiến tranh thế giới thứ nhất.
Đến ngày 26/8/1945, Liên Hợp Quốc thông qua Hiến chương khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ. Từ đó, Ngày 8/3 được tổ chức rộng rãi trên toàn cầu và trở thành Ngày Quốc tế Phụ nữ chính thức của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ý nghĩa của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại. Ở một số nước trên thế giới, ngày 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Ngày này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái,…
Tại một số quốc gia, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới hoặc cơ hội giáo dục đào tạo, thăng tiến trong nghề nghiệp hay điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm, bạo lực đối với phụ nữ,…
Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt.