Khai mạc Ngày hội sách ULIS Book Fair 2025, phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025 và Tọa đàm “Khi đọc không chỉ để giải trí”
Ngày 15/04/2025, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình Khai mạc Ngày hội sách ULIS Book Fair 2025, Phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025 và Tọa đàm “Khi đọc không chỉ để giải trí: Đọc để phát triển bản thân và học tập” tại Hội trường Vũ Đình Liên.



Khai mạc chương trình là các tiết mục văn nghệ đến từ CLB AC4U
Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN có PGS.TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Dương Khánh Linh và ThS. Nguyễn Văn Đoàn – Phó Trưởng phòng Quản trị Nguồn lực, ThS. Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ, TS. Vũ Văn Hải – Phó Trưởng phòng Đào tạo và Người học, TS. Vũ Thị Thanh Nhã – Trưởng khoa NN&VH Anh. Về phía đối tác, khách mời tham dự có ông Trịnh Minh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn, bà Nguyễn Thị Thìn – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại & Dịch vụ KBS Việt Nam.

Ảnh chụp lưu niệm của Nhà trường và Nhà tài trợ
Ngày hội Sách ULIS Book Fair 2025 nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên tại Trường Đại học Ngoại ngữ vào khoảng tháng 4 hàng năm. Trong ngày hội sách, học sinh sinh viên sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động thú vị như: mua sách miễn phí, trao đổi sách, tham quan con đường sách, chơi minigame, tham dự tọa đàm văn hóa đọc,…
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ phát động cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025. Các đại biểu đã cùng nhìn lại những thành tựu và các gương mặt ấn tượng đạt giải cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2024 qua video tổng kết.

Video tổng kết Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức nhằm lan tỏa niềm yêu sách, hình thành thói quen đọc và phát triển tư duy cho thế hệ trẻ. Đây cũng là sân chơi ý nghĩa để các bạn học sinh, sinh viên rèn luyện kỹ năng và truyền cảm hứng đọc sách đến cộng đồng, đặc biệt tại ULIS.



Đại diện phía Nhà tài trợ nhận quà tri ân từ BTC
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sách trong hành trình phát triển cá nhân và xây dựng một xã hội học tập. Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng và chuẩn bị chào mừng 70 năm thành lập trường, Phó Hiệu trưởng bày tỏ niềm tự hào khi sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ không chỉ tích cực tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 mà còn để lại dấu ấn mạnh mẽ qua những con số ấn tượng: hơn 2.000 bài dự thi được gửi đến cuộc thi, mang về nhiều giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, theo thầy, điều đáng quý hơn cả thành tích là tinh thần cầu thị, khát khao phát triển bản thân mà học sinh sinh viên thể hiện qua mỗi sản phẩm.

Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông phát biểu khai mạc
“Sách là người bạn quý, là kho tàng tri thức nhân loại, là nguồn vui và giải trí bất tận ”– Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông khẳng định. Ngày hội sách không chỉ là dịp để tôn vinh giá trị của sách mà còn là cú hích để khơi dậy đam mê học hỏi, khám phá và sáng tạo trong thế hệ trẻ.
Trong phần phát biểu của mình, ông Trịnh Minh Tuấn – đại diện nhà tài trợ và cũng là người đồng hành cùng Nhà trường trong nhiều hoạt động khơi dậy cảm hứng đọc sách của sinh viên – đã có những nhận định sâu sắc về vai trò to lớn của sinh viên ngoại ngữ trong ngành xuất bản. Ông cho biết, phần lớn các biên tập viên, chuyên viên bản quyền hay thậm chí là các giám đốc xuất bản của các nhà sách hiện nay đều từng là sinh viên thực tập. Những người trẻ ấy không chỉ góp phần đưa sách ra thị trường mà còn mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới và ngược lại.

Ông Trịnh Minh Tuấn chia sẻ cảm xúc
Ông Trịnh Minh Tuấn nhấn mạnh: “Không có sinh viên ngoại ngữ, chúng ta không thể truyền đạt tinh hoa văn hóa quốc tế sang tiếng Việt, cũng như không thể giới thiệu được các tác phẩm Việt ra toàn cầu.” Chính họ là cầu nối giữa các nền văn hóa, là người thắp lửa cho một ngành công nghiệp xuất bản phát triển bền vững – điều mà các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Hoa Kỳ đã làm rất thành công.
Ông cũng bày tỏ kỳ vọng vào một tương lai song ngữ, đa ngữ của Việt Nam – đất nước có nền tảng giáo dục ngôn ngữ vững chắc, nơi sách không chỉ là công cụ giải trí hay tự học, mà còn là cánh cửa mở ra tâm hồn dân tộc, là yếu tố cốt lõi góp phần đưa quốc gia đến sự thịnh vượng.
Tiếp nối chương trình là tọa đàm về văn hóa đọc. Tọa đàm với chủ đề: “Khi đọc không chỉ để giải trí: Đọc để phát triển bản thân và học tập” mang đến một góc nhìn sâu sắc về vai trò thiết yếu của việc đọc trong hành trình học tập và phát triển năng lực cá nhân. Diễn giả tọa đàm là TS. Vũ Thị Thanh Nhã – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Nhã chia sẻ về kinh nghiệm đọc sách
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Nhã là chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh và phát triển giáo viên, với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Bên cạnh vai trò lãnh đạo tại Khoa, cô còn trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh, đồng thời tham gia các dự án hợp tác với Đại sứ quán Úc, Anh, Mỹ và Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Buổi tọa đàm chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích
Buổi tọa đàm về văn hóa đọc đã diễn ra trong không khí sôi nổi, cô Vũ Thị Thanh Nhã đã phân biệt rõ hai mục đích đọc sách: đọc để giải trí và đọc để phát triển bản thân, đồng thời chia sẻ nhiều phương pháp đọc hiệu quả như lập ma trận đọc, ghi chú khoa học (take note), hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa quá trình đọc. Các bạn sinh viên cũng tích cực chia sẻ những đầu sách yêu thích, kinh nghiệm cá nhân, và tham gia sôi nổi vào các mini game thú vị. Buổi tọa đàm không chỉ mang lại tri thức mà còn tạo nên một không gian kết nối, lan tỏa cảm hứng đọc sách trong cộng đồng sinh viên yêu tri thức.




Các bạn sinh viên tích cực tham gia buổi tọa đàm
Hội sách không chỉ là sự kiện giao lưu, trưng bày, giới thiệu các đầu sách đa dạng mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về vai trò của sách trong giáo dục, văn hóa và phát triển quốc gia. Một lần nữa, tiếng nói của những người tâm huyết đã khẳng định: đọc sách không phải là hành động đơn lẻ, mà là một phần không thể thiếu trong tiến trình nâng cao tri thức và khẳng định vị thế của đất nước trong thế giới phẳng.
Một số hình ảnh khác:






Lan Anh-Xuân Thắng/ĐSTT