Hội nghị sơ kết 05 năm và định hướng phát triển Trường THCS Ngoại ngữ
Ngày 22/07/2024 đã diễn ra Hội nghị sơ kết sau 05 năm hoạt động và định hướng phát triển Trường THCS Ngoại ngữ (UMS), Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tham dự hội nghị, về phía Trường ĐH Ngoại ngữ có Chủ tịch Hội đồng trường; Ban Giám hiệu; các đồng chí Đảng ủy viên; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường. Về phía Trường THCS Ngoại ngữ có Ban Giám hiệu; toàn thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Ngoại ngữ cùng đại diện Ban phụ huynh và khách mời.
Phát biểu đề dẫn, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ Nguyễn Huyền Trang đã gửi lời chào các đại biểu và chia sẻ một số thông tin về hội nghị. Trong đó, ThS. Nguyễn Huyền Trang đặc biệt nhấn mạnh về 4 thách thức quan trọng mà trường đang cần đối mặt là: Định vị thương hiệu trường THCS Ngoại ngữ, xác định tầm nhìn trung và dài hạn, nguồn lực về con người – UMSers là ai?, Bối cảnh xã hội và bài toán quy mô nhà trường.
Để chuẩn bị cho hội nghị, đã có 8 báo cáo khác được thực hiện. Trong đó, có 4 báo cáo được lựa chọn trình bày.
Ở tham luận đầu tiên, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh đã trình bày về “Triết lý giáo dục và định hướng phát triển học sinh”. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ đã khái quát khái niệm “Triết lý giáo dục” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng triết lý giáo dục của các quốc gia trên thế giới. PGS.TS. Hà Lê Kim Anh cũng chia sẻ về Triết lý giáo dục của Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau và tại một số trường đại học Việt Nam. Giới thiệu Triết lý giáo dục của một số trường trung học trên thế giới, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh khuyến khích việc xây dựng một triết lý giáo dục bao quát, đồng thời định hình phong cách giảng dạy thông qua việc xây dựng ‘teaching philosophy’ cá nhân. Nhận định phát triển toàn diện con người là mục tiêu quan trọng mà Trường THCS Ngoại ngữ đang hướng tới, do đó việc kết hợp triết lý giáo dục với định hướng phát triển học sinh sẽ giúp trường xây dựng môi trường học tập thú vị và phát triển tố chất của từng học sinh một cách toàn diện.
Trong tham luận thứ hai, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ Nguyễn Hoàng Giang đã giới thiệu về “Chân dung học sinh UMS”. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng giáo dục, xác định kim chỉ nam cho hoạt động giáo dục của Nhà trường, ThS. Nguyễn Hoàng Giang đã chia sẻ khung năng lực và phẩm chất mà học sinh THCS Ngoại ngữ cần phát triển. Cụ thể, khung năng lực gồm 10 khía cạnh và phẩm chất gồm 7 điểm:
- Phẩm chất: Yêu nước, trung thực, chăm chỉ, nhân ái, trách nhiệm, tự trọng, kỷ luật;
- Năng lực: Giải quyết vấn đề và sáng tạo, tự học và tự chủ, giao tiếp, hợp tác và lãnh đạo, năng lực tính toán, năng lực công nghệ, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực tin học, thể chất, năng lực ngôn ngữ, thẩm mỹ.
Nhà trường đã xây dựng những khung năng lực và phẩm chất cụ thể cho từng khối lớp. Ví dụ, từ phẩm chất “yêu nước,” nhà trường đã cụ thể hóa cho từng lớp 6, 7, 8, 9 giống như những “nấc thang” để dần dần đạt được phẩm chất mong muốn. Điều này phù hợp với tâm sinh lý của học sinh, giúp các em có thể đối mặt với những thách thức trong quá trình học tập. Hơn nữa, việc chia nhỏ hơn các năng lực và phẩm chất cụ thể cũng giúp các thầy cô dễ dàng định hướng hơn trong từng hoạt động giảng dạy và xây dựng kế hoạch giảng dạy. Từ đó, chân dung học sinh sẽ dần dần được hình thành. Ngoài ra, việc phát triển các khung năng lực thông qua các hoạt động ngoại khóa và tham gia các câu lạc bộ cũng là một phần quan trọng trong quá trình hình thành chân dung học sinh. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng mềm mà còn tạo cơ hội cho các em thể hiện bản thân, gắn kết với bạn bè và phát triển sự sáng tạo.
Báo cáo thứ ba với chủ đề “Chân dung giáo viên UMS và phát triển đội ngũ” do cô Trần Anh Phương và thầy Nguyễn Tuấn Huy trình bày. Báo cáo đã nêu lên 5 phẩm chất quan trọng nhất của một giáo viên theo bình chọn của các thành viên tham dự và đưa ra một số giải pháp cụ thể: Đối với cấp quản lý, “Tuyển người có phẩm chất tốt và đào tạo kỹ năng cho họ” – Peter Schultz: Có lộ trình tuyển dụng dài hạn, công khai để ứng viên chủ động phấn đấu; duy trì và nâng cao chất lượng tuyển dụng cán bộ, GV. Có cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng “chuyên gia”; Bồi dưỡng chuyên môn GV có chọn lọc, hiệu quả; Đánh giá chất lượng GV đi vào thực chất hơn; Nâng cao chế độ đãi ngộ với GV, khen thưởng kịp thời hơn. Đối với Cán bộ, Giáo viên: Nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện; Chủ động lựa chọn các chương trình đào tạo phù hợp; Tham gia kết nối cộng đồng giáo viên; Giữ gìn sức khỏe thể chất, tinh thần.
Ở tham luận cuối cùng, PGS.TS. Nguyễn Lân Trung đã chia sẻ về “Mô hình trường phổ thông trực thuộc đại học”. Nhấn mạnh rằng trường THCS UMS được thừa hưởng triết lý và định hướng đào tạo từ Trường Đại học Ngoại ngữ, thầy tin rằng điều này đã giúp học sinh có thời gian và năng lực để chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài, chủ động lên kế hoạch tương lai. Sự hứng khởi và quyết tâm phấn đấu là những điểm nhấn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của người học. Chương trình ngoại ngữ “chuyên” tại UMS có sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, đảm bảo sàng lọc những kiến thức hay nhất, cập nhật và phù hợp với bối cảnh và đối tượng Việt Nam. Đội ngũ giáo viên được lựa chọn với tiêu chí gắt gao, là những sản phẩm đào tạo xuất sắc của trường đại học, trở lại giảng dạy ở phổ thông. Học sinh được “đắm mình” trong môi trường chuyên môn, với âm thanh và hình ảnh ngoại ngữ xung quanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. PGS.TS. Nguyễn Lân Trung kết luận rằng việc phát triển lớp phổ thông định hướng chuyên về ngoại ngữ là một bước quan trọng trong việc định hướng tương lai cho học sinh. Sự kết hợp giữa triết lý đào tạo và đội ngũ chuyên môn sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện và tự tin hướng tới những thành công trong tương lai.
Sang phần thảo luận, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi ý kiến, đưa ra đề xuất và phân tích chi tiết hơn về các vấn đề được đề cập tại hội nghị với mong muốn tìm ra hướng phát triển ưu việt cho Trường THCS Ngoại ngữ.
Tại hội nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Nguyễn Xuân Long đã phát biểu chỉ đạo và nêu một số định hướng cho sự phát triển của Trường THCS Ngoại ngữ. TS. Nguyễn Xuân Long cũng bày tỏ kỳ vọng với nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ tạo đà cho những bước tiến mới nhiều thành tựu trong tương lai của UMS.
Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại ngữ Đỗ Tuấn Minh đã gợi lại những ngày đầu tiên trong hành trình 5 năm của Trường THCS Ngoại ngữ. Nhấn mạnh sự khác biệt trong việc xây dựng UMS bằng việc tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao tính tự chủ và sáng tạo của học sinh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Phụ huynh, Học sinh và Nhà trường, TS. Đỗ Tuấn Minh tin rằng điều này sẽ khơi mở thêm những ý tưởng mới lạ, độc đáo và đậm chất UMS trong sự phát triển của trường trong thời gian tới.
Hội nghị sơ kết 05 năm và định hướng phát triển Trường THCS Ngoại ngữ khép lại với phần chụp ảnh lưu niệm.
Đọc tài liệu tại hội nghị: Tại đây.
Phương Anh/ULIS Media